Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Lỗ kỷ lục năm 2023, TDC ẩn hàng loạt mục trong Bảng cân đối kế toán
Duy Bắc - 26/01/2024 08:45
 
CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (mã TDC - sàn HoSE) tiếp tục lỗ 36,99 tỷ đồng trong quý IV, lũy kế cả năm 2023 ghi nhận lỗ kỷ lục 365,67 tỷ đồng.

Lỗ kỷ lục năm 2023 dẫn tới xoá toàn bộ lãi luỹ kế kiếm được nhiều năm

Trong quý IV/2023, Công ty Kinh doanh và Phát triển Bình Dương ghi nhận doanh thu đạt 130,6 tỷ đồng, giảm 30,4% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 36,99 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 126,38 tỷ đồng, tức giảm lỗ 89,39 tỷ đồng.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 130,3% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 41,91 tỷ đồng, lên 74,08 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 48,6 lần, tương ứng tăng thêm 12,16 tỷ đồng, lên 12,41 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 18,4%, tương ứng tăng thêm 10,18 tỷ đồng, lên 65,45 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm nhẹ 0,2%, tương ứng giảm 0,12 tỷ đồng, về 48,59 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp), trong quý IV, lợi nhuận cốt lõi tiếp tục ghi nhận âm 39,96 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 71,81 tỷ đồng.

Như vậy, trong quý IV/2023, lợi nhuận gộp mà Công ty Kinh doanh và Phát triển Bình Dương tạo ra không đủ trả chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp.

Luỹ kế trong năm 2023, Công ty Kinh doanh và Phát triển Bình Dương ghi nhận doanh thu đạt 502,92 tỷ đồng, giảm 79,8% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ kỷ lục 365,67 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 17,59 tỷ đồng, tức giảm 383,26 tỷ đồng.

Điểm đáng lưu ý, mặc dù ghi nhận lỗ kỷ lục trong năm 2023 nhưng trên Bảng cân đối kế toán, mục tài sản dài hạn, mục nợ phải trả và mục vốn chủ sở hữu không được Công ty công bố như báo cáo thông thường ở các doanh nghiệp niêm yết công bố định kỳ.

Trước đó, trong Báo cáo quý III/2023, với việc lỗ 328,83 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2023, tính tới 30/9/2023, tổng lỗ luỹ kế của Công ty Kinh doanh và Phát triển Bình Dương lên tới 293,3 tỷ đồng, bằng 29,3% vốn điều lệ (vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng) và chính thức xoá bỏ toàn bộ lãi luỹ kế nhiều năm về trước.

Như vậy, với việc tiếp tục lỗ trong quý còn lại của năm 2023 thêm hơn 36 tỷ đồng, giá trị lỗ luỹ kế dự kiến tiếp tục tăng tại thời điểm 31/12/2023.

Được biết trong năm 2023, Công ty Kinh doanh và Phát triển Bình Dương đặt kế hoạch tổng doanh thu 1.107,18 tỷ đồng, giảm 52,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế dự kiến 93,4 tỷ đồng, tăng 42,5% so với thực hiện trong năm 2022.

Như vậy, kết thúc năm 2023 với việc ghi nhận lợi nhuận trước thuế là âm 364,3 tỷ đồng, Công ty Kinh doanh và Phát triển Bình Dương chính thức không hoàn thành kế hoạch lãi trước thuế 93,4 tỷ đồng trong năm 2023.

Xét về dòng tiền, bên cạnh kinh doanh thua lỗ kỷ lục năm 2023, Công ty còn ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 35,2 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 185,8 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 142,2 tỷ đồng và dòng tiền tài chính âm 134 tỷ đồng.

Ngoài ra, bởi vì trên Bảng cân đối kế toán tại thời điểm 31/12/2023, Công ty không công bố ba mục quan trọng là mục tài sản dài hạn, mục nợ phải trả và mục vốn chủ sở hữu, vì vậy nhà đầu tư không biết được quy mô tài sản, biến động nợ vay, cũng như vốn sở hữu trong năm 2023.

2 lần liên tiếp chậm trả lãi cho trái chủ

Một diễn biến đáng lưu ý khác, Công ty Kinh doanh và Phát triển Bình Dương vừa báo cáo tình tình thanh toán lãi và gốc trái phiếu nửa đầu năm 2023. Trong đó, đối với mã trái phiếu TDC.bond.2020.700, Công ty đã 2 lần liên tiếp không trả được lãi trái phiếu đáo hạn.

Lần 1, Công ty phải thanh toán 23,82 tỷ đồng vào ngày 15/2/2023 nhưng chỉ thanh toán được 7 tỷ đồng vào ngày 15/2, còn lại 16,82 tỷ đồng được thanh toán vào ngày 17/2, trễ 2 ngày so với quy định khi phát hành trái phiếu.

Tương tự, lần 2 vào ngày 15/5/2023, Công ty Kinh doanh và Phát triển Bình Dương phải thanh toán 24,24 tỷ đồng lãi cho trái chủ. Tuy nhiên, một lần nữa, ngày 15/5, Công ty chỉ thanh toán được 10,24 tỷ đồng và phần còn lại 14 tỷ đồng được thanh toán vào ngày 23/5, tức trễ 8 ngày so với quy định khi phát hành.

Lý giải cho việc liên tục chậm trả lãi cho trái chủ, Công ty Kinh doanh và Phát triển Bình Dương cho biết do tình hình kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến việc kinh doanh bất động sản và kinh doanh bê tông.

Theo tìm hiểu, lô trái phiếu mệnh giá 700 tỷ đồng, phát hành ngày 9/11/2020, đáo hạn ngày 9/11/2025 (kỳ hạn 5 năm), lãi suất 10,5%/năm cho 4 kỳ tính lãi đầu tiên; lãi suất 11%/năm cho kỳ lãi từ 5 đến 8; và sau đó là lãi suất theo biên độ nhưng không thấp hơn 11,5%/năm và đơn vị lưu ký lô trái phiếu là CTCP Chứng khoán Navibank.

Trong đó, tài sản đảm bảo là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất CY375724 thuộc sở hữu của Công ty.

Điểm đáng lưu ý, trong báo cáo tài chính quý III/2023, tính tới 30/9/2023, tổng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn chỉ còn sở hữu 172,43 tỷ đồng, chiếm 4,5% tổng tài sản. Ngược lại, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn ghi nhận là 1.780,3 tỷ đồng, bằng 205,9% vốn chủ sở hữu (đầu năm bằng 141,5% vốn chủ sở hữu).

TDC ghi nhận lỗ kỷ lục 328,83 tỷ đồng
CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (mã TDC - sàn HoSE) ghi nhận lỗ 7,02 tỷ đồng trong quý III, luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023 ghi nhận lỗ kỷ lục 328,83...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư