Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Lo ngại hàng loạt hợp đồng vay vốn bị vô hiệu
Mạnh Bôn - 13/06/2015 08:28
 
Cho ý kiến vào Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi đang được Quốc hội xem xét cho ý kiến, Đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang lo ngại, nếu dựa vào lãi suất cơ bản để khống chế lãi suất cho vay trong giao dịch dân sự, thì hàng loạt hợp đồng vay vốn bị vô hiệu.
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Thảo luận Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi tại tổ, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đồng tình với quy định dựa vào lãi suất cơ bản để khống chế lãi suất vay vốn. Vì sao ông lại không đồng ý?

Theo Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi (Điều 483), trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất, thì lãi suất thỏa thuận không được vượt quá 200% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Tôi không đồng tình với quy định này, vì lãi suất cơ bản trên thực tế là lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu, lãi suất tái chiết khấu do Ngân hàng Nhà nước công bố. Các loại lãi suất này là công cụ điều hành chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương, dựa vào cung cầu tiền tệ trên thị trường và định hướng điều hành lãi suất, ngân hàng trung ương đưa ra các loại lãi suất khác nhau nhằm cung tiền hoặc hút tiền trên thị trường.

lãi suất cơ bản không phản ánh lãi suất thị trường tại thời điểm công bố, mà chỉ có tính định hướng thị trường thì không thể căn cứ để xác định khoản vay nào đó là vi phạm hay không vi phạm pháp luật.

Hơn nữa, lãi suất cơ bản không chia ra làm nhiều loại ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn; không chia ra nhiều mức lãi suất khác nhau, trong khi đó, quan hệ vay mượn trên thị trường có rất nhiều mức lãi suất dựa vào nhiều yếu tố như quan hệ giữa người cho vay và người đi vay, thời hạn vay, tài sản bảo đảm, mức độ khả thi của dự án, khả năng trả nợ… Vì thế, không nên lấy lãi suất cơ bản làm căn cứ để xác định lãi suất vay mượn trong giao dịch dân sự.

Dường như ông còn băn khoăn về quy định, lãi suất thỏa thuận không được vượt quá 200% lãi suất cơ bản?

Tôi không hiểu căn cứ vào đâu mà Ban soạn thảo lại nâng mức trần cho vay không được vượt quá 200% lãi suất cơ bản. Khi đưa Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi ra hội trường thảo luận (ngày 25/6), tôi sẽ tranh luận xem vì sao lại đưa ra mức 200%, mà không phải là 250%, 300% hay cao hơn?

Tôi lo ngại rằng, nếu quy định như trong Dự thảo được giữ nguyên, thì hàng loạt hợp đồng vay vốn ngoài hệ thống ngân hàng sẽ bị vô hiệu, thậm chí sẽ có nhiều vụ kiện tụng vì vi phạm pháp luật trong hợp đồng vay vốn.

Dựa vào đâu mà ông nghĩ như vậy?

Giả sử mức khống chế vẫn ấn định là 200%, lãi suất cơ bản hiện tại là 9%/năm, như vậy, lãi suất cho vay không được quá 18%/năm. Trên thị trường tiền tệ, hiện nay, lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng dao động 10-12%/năm, còn các định chế tài chính khác cho vay tiêu dùng, cho vay mua nhà, mua xe ô tô… dao động 15-18%/năm. Trong trường hợp khách hàng không trả được nợ, theo quy định, lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trong hợp đồng vay vốn như vậy sẽ có hàng loạt hợp đồng bị vô hiệu vì vượt quá mức trần tối đa là 18%/năm. Thậm chí, dựa vào quy định này, người vay vốn cố tình chây ỳ không trả nợ đúng hạn.

Nhưng Ngân hàng Nhà nước có thể nâng lãi suất cơ bản?

Như tôi đã nói, lãi suất cơ bản là lãi suất điều hành chính sách tiền tệ, định hướng lãi suất trên thị trường tiền tệ, là tín hiệu được ngân hàng trung ương phát ra cho thị trường rằng, chính sách tiền tệ trong thời gian tới nới lỏng (giảm lãi suất) hay thắt chặt (tăng lãi suất), chứ không phải là lãi suất thị trường.

Nếu dựa vào lãi suất thị trường, ngân hàng trung ương điều chỉnh lãi suất cơ bản thì lãi suất cơ bản không còn ý nghĩa điều hành chính sách tiền tệ, định hướng thị trường tiền tệ. Nếu ngân hàng trung ương điều chỉnh lãi suất cơ bản dựa vào lãi suất thị trường thì vô cùng nguy hiểm. Cụ thể, lãi suất trên thị trường đang tăng, ngân hàng trung ương tăng lãi suất cơ bản thì chẳng khác gì “đổ thêm dầu vào lửa”, sẽ khiến lãi suất trên thị trường tiếp tục tăng và cái vòng luẩn quẩn tiếp tục là ngân hàng trung ương lại tăng lãi suất cơ bản.

Theo ông, dựa vào lãi suất nào để khống chế mức trần lãi suất cho vay trong giao dịch dân sự?

Ngân hàng Nhà nước căn cứ vào lãi suất cho vay ngắn hạn, trung hạn, dài hạn của một số ngân hàng thương mại lớn để tính toán và công bố thường xuyên, định kỳ và bất thường lãi suất cho vay trong giao dịch dân sự. Mức lãi suất này cũng được chia ra loại ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, dựa vào đây, người cho vay và đi vay sẽ biết được hợp đồng giao dịch có vi phạm pháp luật hay không. Còn mức khống chế tối đa lãi suất là 200%, 250%, 300% lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố thì phải tính toán lại.

Sao không dựa vào lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm làm chuẩn để xác định lãi suất trong giao dịch dân sự phi ngân hàng, thưa ông?

Cũng có ý kiến đề nghị nên lấy lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm làm chuẩn, vì hàng tháng, Bộ Tài chính tổ chức nhiều đợt đấu thầu trái phiếu để huy động vốn cho ngân sách nhà nước.

Theo tôi, không nên căn cứ vào lãi suất trái phiếu chính phủ để áp vào lãi suất cho vay trong giao dịch dân sự. Vì lãi suất này không phản ánh lãi suất thực trên thị trường tiền tệ, khi nào ngân sách cần sử dụng khối lượng tiền lớn, Bộ Tài chính có thể huy động với lãi suất cao và ngược lại. Hơn nữa, hàng tháng, Bộ Tài chính tổ chức nhiều đợt đấu thầu trái phiếu chính phủ khiến việc xác định lãi suất trong giao dịch dân sự khó kiểm soát.

Bộ luật Dân sự sửa đổi: Sẽ hoàn thiện chế độ sở hữu
 Nhằm triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 857/NQ-UBTVQH13 ngày 25/12/2014 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư