Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 08 tháng 10 năm 2024,
Lo quy định thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp làm xấu môi trường kinh doanh
Nguyễn Lê - 07/09/2022 11:29
 
Luật hoá quy định thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp tại Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở khiến nhiều đại biểu Quốc hội quan ngại.
.
Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang).

Nửa buổi sáng 7/9, các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đây là dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu ở kỳ họp thứ ba.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị đại biểu tiếp tục quan tâm, thể hiện rõ chính kiến, quan điểm về một số vấn đề, trong đó có quy định điều chỉnh việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (cơ quan thẩm tra dự án luật) Hoàng Thanh Tùng cho biết, về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, trong thảo luận tại kỳ họp thứ ba, các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành luật này điều chỉnh việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập. Nhưng về việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thì còn có ý kiến khác nhau. 

Theo Thường trực Ủy ban Pháp luật, việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp nói riêng và các tổ chức có thuê mướn, sử dụng lao động  (tổ chức sử dụng lao động) nói chung không phải là vấn đề mới được đặt ra, mà đã được khẳng định từ lâu trong các văn kiện của Đảng và được thể chế hóa trong nhiều văn bản quy định về thực hiện dân chủ tại các loại hình doanh nghiệp  và tại nơi làm việc.

Việc tổ chức thực hiện các quy định này bước đầu đạt được các kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

 Vì vậy, việc tiếp tục ghi nhận và quy định cụ thể về thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động là cần thiết.

Ông Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát, cập nhật đầy đủ hơn trong dự thảo luật các quy định của pháp luật hiện hành về thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động, bổ sung nhiều quy định để bảo đảm cho việc thực hiện dân chủ của người lao động đi vào thực chất, có tính khả thi hơn, không chỉ giới hạn trong việc bảo đảm thực hiện quan hệ lao động, mà còn mở rộng hơn với tư cách là công dân tham gia quản lý xã hội.

Dự thảo luật dành một chương riêng quy định về thực hiện dân chủ tại tổ chức có sử dụng lao động, quy định về công khai thông tin, những nội dung người lao động bàn và quyết định, những nội dung người lao động tham gia ý kiến trước khi tổ chức có sử dụng lao động quyết định...

Theo dự thảo, tổ chức có sử dụng lao động thực hiện công khai nhiều nội dung, trong đó có tình hình sản xuất, kinh doanh hoặc tình hình hoạt động của tổ chức có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật khác có liên quan.

Người lao động có quyền tham gia ý kiến vào nhiều vấn đề trong đó có việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, định mức lao động.

Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cho rằng, quy định như dự thảo chỉ áp dụng được cho doanh nghiệp nhà nước, với doanh nghiệp tư nhân, nếu chủ doanh nghiệp không thực hiện thì cũng không có chế tài nào để xử lý.

Nên quy định riêng cho doanh nghiệp ngoài nhà nước, chứ quy định chung cho các loại hình thì rất khó thực hiện, ông Hoà góp ý.

Cũng tham gia thảo luận nội dung này, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) quan ngại quy định như dự thảo có thể kìm hãm tăng trưởng. Dự thảo quy định nhiều nội dung người lao động tham gia ý kiến trước khi tổ chức có sử dụng lao động quyết định, theo ông Dũng, nếu thực hiện có thể sẽ mất cơ hội của doanh nghiệp.

Quy định ở dự thảo tác động hơi nhiều vào tổ chức có sử dụng lao động, trong khi các tổ chức này đã được tác động bằng thanh tra kiểm tra, đảm bảo an toàn... ở nhiều luật khác, ông Dũng nhìn nhận.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cũng cho biết là rất băn khoăn với quy định thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp ngoài nhà nước. Đây là vấn đề mới, nếu cầu toàn đưa tất cả nội dung cần thực hiện như các doanh nghiệp nhà nước, thì chưa phù hợp, vì chưa có thực tiễn để kiểm định tính đúng đắn và phù hợp của nó, ông Thắng phát biểu.

Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cũng chia sẻ quan ngại, lo lắng của các đại biểu là quy định thực hiện dân chủ ở tổ chức sử dụng lao động sẽ nảy sinh rất nhiều khó khăn và không khả thi.

Phân tích về măt lý luận, ông Lâm nói, dân chủ tức là dân làm chủ và thể hiện trong mối quan hệ dân với chính quyền, với nhà nước. Vì dân bầu ra, dân nộp thuế để nuôi bộ máy nhà nước, công chức là người làm thuê và dân là chủ thực sự. Vì thế, đặt vấn đề dân chủ ở mối quan hệ này là hoàn toàn xác đáng. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được xây dựng để đảm bảo quyền này.

Còn trong các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, ông Lâm nhấn mạnh, đây là quan hệ hợp tác, hợp đồng, bản chất người trả lương là chủ, còn lao động là người đi làm thuê.

Vì thế,  đặt vấn đề là, ông chủ trả tiền cho người làm thuê để làm chủ mình thì về mặt lý luận đã "thông" chưa, nên cân nhắc để làm rõ, ông Lâm đề nghị.

Nhận xét dự thảo có rất nhiều quy định với mục tiêu chính là để bảo vệ quyền lợi của người lao động, ông Lâm nhấn mạnh rằng, đã có hàng loạt luật khác để bảo vệ rồi, có cơ quan nhà nước kiểm tra giam sát chặt chẽ. Người lao động về địa phương thì cũng được thực hiện quyền làm chủ với chính quyền chứ không phải với ông chủ doanh nghiệp, cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu thêm, nếu áp dụng như ở xã phường là khiên cưỡng, luật hoá quy định này, có thể làm xấu đi môi trường đầu tư kinh doanh, đại biểu Lâm lo ngại.

Sau khi được tiếp tục hoàn thiện, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ tư (tháng 10/2022).

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư