Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Lô vải thiều đầu tiên chuẩn bị sang Pháp
Thế Hải - 03/06/2015 16:31
 
Khóa tập huấn xông hơi lưu huỳnh nhằm trang bị đầy đủ kiến thức cho các doanh nghiệp xuất khẩu quả vải tươi sang thị trường EU vừa được Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Giang và Công ty Thanh Bình Jeune (Pháp) tổ chức với sự tham dự của các Công ty xuất khẩu trái cây ở TP. Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam.

Sau khóa huấn luyện xông hơi lưu huỳnh, phương pháp cho phép duy nhất để đưa trái cây nhập khẩu thâm nhập vào thị trường EU, khoảng 500 kg vải thiều đầu tiên tại Bắc Giang sẽ được Công ty Thanh Bình Jeune đưa sang Pháp bằng đường hàng không.

Không giống như thị trường Mỹ, Australia yêu cầu thực hiện chiếu xạ cho trái vải tươi xuất khẩu, thị trường EU chỉ công nhận công nghệ xông hơi lưu huỳnh.

Lô hàng vải thiều đầu tiên chuẩn bị được xuất khẩu sang Pháp bằng đường hàng không
Lô hàng vải thiều đầu tiên chuẩn bị được xuất khẩu sang Pháp bằng đường hàng không

Ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Giám đốc Quốc gia Chương trình Hỗ trợ DNNVV Việt Nam cho biết, sau khi được tập huấn xông hơi lưu huỳnh cho quả vải tươi, hy vọng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ nắm bắt được công nghệ, từ đó rộng đường cho trái vải xâm nhập thị trường Pháp cũng như mở ra cơ hội cho nhiều trái cây đặc sản của Việt Nam vươn xa đến nhiều thị trường lớn trên thế giới.

Không chỉ đáp ứng yêu cầu vệ sinh thực phẩm của thị trường châu Âu, với công nghệ xông hơi lưu huỳnh hoàn toàn có thể giúp giữ trái tươi nguyên trong 5 tuần và việc này đã và đang thực hiện thành công tại Cộng hòa Madagascar.

Do đó, nếu có thể áp dụng công nghệ này thành công tại Việt Nam, trái vải thiều của Việt Nam sẽ được vận chuyển bằng đường biển thay vì đường hàng không và giá thành sẽ giảm đi nhiều.

Năm 2015, với tổng diện tích gần 32.000 ha, sản lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang ước đạt 160.000 tấn quả tươi; trong đó, sản lượng vải sớm khoảng 25.000 tấn, vải chính vụ khoảng 135.000 tấn.

Nét mới của niên vụ vải thiều 2015 là Bắc Giang đã mở rộng vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 12.200 ha, sản lượng dự kiến gần 80.000 tấn.

Tỉnh cũng đã triển khai sản xuất vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại huyện Lục Ngạn với quy mô gần 100 ha, sản lượng khoảng gần 1.000 tấn để phục vụ xuất khẩu.

Trước đó, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã có văn bản gửi Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, hãng sẽ áp dụng một số chính sách hỗ trợ việc xuất khẩu vải tươi sang thị trường Pháp trong mùa vải năm 2015 và thúc đẩy mở rộng tiêu thụ xuất khẩu mặt hàng này sang các thị trường khác tại châu Âu.

Theo đó, Vietnam Airlines đề xuất mức giá cước vận chuyển cho nguồn hàng vải quả tươi đi Pháp là 1,7 USD/kg (tương đương giảm 20% so với mức giá cước hiện hành đang áp dụng), như vậy giá bao gồm phụ phí nhiên liệu và phụ phí bảo hiểm là khoảng 2,95 USD/kg. Vietnam Airlines cũng cho biết là sẽ tạo điều kiện tối đa về tải cung ứng cho nguồn hàng này.

Hiện tại trên thị trường vận tải hàng không, mặt hàng trái cây tươi xuất sang thị trường châu Âu có mức giá khoảng 3,30 – 3,40 USD/kg.

Trước đó, Bộ Công thương đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, chỉ đạo Vietnam Airlines phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ này hỗ trợ việc vận chuyển và cước vận chuyển cho khoảng 2-3 tấn vải ngay trong năm 2015 để thăm dò nhu cầu thị trường.

Với sản lượng vải thiều niên vụ 2015 lên tới 200.000 tấn, tăng hơn 10.000 tấn so với năm 2014, Bộ Công Thương dự báo vải thiều sẽ được tiêu thụ nội địa khoảng 60%, tương ứng khoảng 120.000 tấn (chủ yếu là quả tươi), xuất khẩu khoảng 40% ,tương ứng 80.000 tấn (trong đó khoảng 85% là quả tươi, 15% là quả sấy khô và chế biến bóc cùi đông lạnh).

Lô vải thiều đầu tiên sắp lên đường đi Mỹ
Ông Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Thực vật sau nhập khẩu 2, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư