Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Loay hoay lựa nhà đầu tư thu phí không dừng
Anh Minh - 17/07/2018 08:58
 
Thời điểm phát hành hồ sơ mời thầu cho 2 liên danh nhà đầu tư lọt qua vòng sơ tuyển Dự án thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ không dừng giai đoạn II theo hình thức BOO (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh) vẫn chưa được xác định.
TIN LIÊN QUAN

Tắc vì quá mới

Gần một tháng sau khi công bố danh sách các nhà đầu tư lọt qua vòng sơ tuyển Dự án thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ không dừng giai đoạn II theo hình thức BOO, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vẫn chưa thể triển khai các công đoạn tiếp theo.

Trao đổi với phóng viên báo Đầu tư vào cuối tuần trước, ông Cao Việt Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch, Ban quản lý dự án 2 (đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền) cho biết, hồ sơ mời thầu Dự án vừa được đơn vị này gửi xin ý kiến của Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thay vì phát hành tới các ứng thầu như kế hoạch.

Hệ thống thu phí không dừng tại trạm BOT Mỹ Lộc, Quốc lộ 21 (thuộc Dự án giai đoạn I)
Hệ thống thu phí không dừng tại trạm BOT Mỹ Lộc, Quốc lộ 21 (thuộc dự án giai đoạn I)

“Mặc dù đã tiến hành thẩm định kỹ, nhưng do xuất hiện những quan điểm khác nhau về một số nội dung quan trọng trong hồ sơ mời thầu nên chúng tôi phải xin tham vấn của cơ quan chuyên môn. Đây là lần đầu tiên, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) tiến hành lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOO nên không có nhiều kinh nghiệm”, ông Hùng chia sẻ.

Về thời điểm phát hành hồ sơ mời thầu, ông Hùng cho biết là vẫn chưa thể nói chính xác, bởi rất có thể hồ sơ sẽ phải chỉnh sửa khá nhiều sau khi tham vấn cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu.

Trước đó, vào giữa tháng 6/2018, Bộ GTVT đã bật đèn xanh cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt danh sách các nhà thầu lọt qua vòng sơ tuyển Dự án thu phí dịch vụ  sử dụng đường bộ không dừng giai đoạn II theo hình thức BOO.

Theo Quyết định số 2197/QĐ - TCĐBVN, 4 liên danh nhà đầu tư vượt qua bước sơ tuyển là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel - Công ty cổ phần Công nghệ Tiên phong (ITD); Công ty cổ phần Viễn thông - Tin học Bưu điện và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (CTIN - VNPT); Công ty cổ phần Giải pháp tòa nhà thông minh - Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (IBS - Vinaconex); Công ty cổ phần công nghệ hạ tầng Vietin - Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ viễn thông Việt Dương - Công ty TNNH MTV Quản lý quỹ Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinf - Vietinbank Capital - VVT - DTS). Trong đó, Viettel - ITD có số điểm cao nhất (99/100).

Điều gây bất ngờ cho các chuyên gia chấm thầu là nhà đầu tư được giao lập đề xuất Dự án, nhưng Viettinf - Vietinbank Cafital - VVT - DTS lại xếp đội sổ khi chỉ đạt 65/100 điểm.

Trái ngược với lo ngại về một cuộc đấu thầu chỉ có 1 nhà đầu tư tham dự, tại Dự án thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ không dừng giai đoạn II đã có  7 liên danh nộp hồ sơ dự sơ tuyển/12 đơn vị mua hồ sơ.

Cuộc sơ tuyển cạnh tranh tới mức, Công ty TNHH Thu giá tự động không dừng VETC – nhà đầu tư đang triển khai Dự án thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ không dừng giai đoạn I theo hình thức BOO thậm chí còn không còn lọt qua vòng sơ tuyển.

Đấu thầu trong nước

Do không có nhà đầu tư nước ngoài nào lọt qua vòng sơ tuyển nên công tác đấu thầu chọn người thắng cuộc tại Dự án thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ không dừng giai đoạn II sẽ áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước. Phương thức lựa chọn nhà đầu tư được Tổng cục Đường bộ chốt là 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ.

Được biết, trên cơ sở kết quả sơ tuyển, ngày 14/6/2018, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có tờ trình số 46/TTr – TCĐBVN đề nghị Bộ GTVT chấp thuận kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có tổng mức đầu tư 1.751,879 tỷ đồng này.

Cụ thể, thời gian bắt đầu lựa chọn nhà đầu tư cho Dự án thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ không dừng giai đoạn II từ quý II/2018; thời gian thi công từ 2018 - 2019; phạm vi công việc là các trạm thu giá trên các quốc lộ và một số tuyến cao tốc, không bao gồm các trạm do VETC (nhà đầu tư Dự án giai đoạn I) đang triển khai và các trạm sắp hết thời gian thu phí hoàn vốn; thời hạn hợp đồng dự án căn cứ theo thời gian hoàn vốn các trạm BOT.

Với việc đã để lụt tiến độ phát hành hồ sơ mời thầu, áp lực đối với Tổng cục Đường bộ là rất lớn

Trước đó, Bộ GTVT đã yêu cầu chậm nhất ngày 31/12/2018, toàn bộ các trạm trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên phải vận hành hệ thống thu phí theo hình thức tự động không dừng; các trạm còn lại trên toàn quốc phải vận hành hệ thống trước  ngày 31/12/2019.

Cũng tại tờ trình số 46, Tổng cục Đường bộ đề xuất phương án tài chính Dự án là sử dụng nguồn thu trích từ chi phí quản lý thu tại các trạm thu phí để tính toán phương án tài chính, thu hồi vốn cho nhà đầu tư. Mức phí dịch vụ không được vượt quá mức quản lý thu trong các hợp đồng BOT. Phương án chính thức sẽ được xác định cụ thể trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư và đàm phán ký kết hợp đồng dự án, hợp đồng dịch vụ giữa nhà cung cấp dịch vụ và các nhà đầu tư.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng muốn Bộ GTVT cho phép sử dụng tổng mức đầu tư của Dự án được phê duyệt trong bước nghiên cứu khả thi làm căn cứ xác định tổng vốn đầu tư để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư.

Điều này cũng gây ra quan ngại lớn, bởi đây là Dự án có hàm lượng công nghệ thông tin rất lớn, việc xác định tổng mức đầu tư ở giai đoạn này chỉ là đường bao chi phí (đặc biệt là đối với giá trị thiết bị, phần mềm rất khó kiểm soát dù có chứng thư thẩm định giá), giá trị dự toán giai đoạn sau sẽ có sự sai khác rất lớn so với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư