Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Lời giải cho chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa
Hữu Tuấn - 30/03/2022 14:27
 
Hàng trăm ngàn doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) đang loay hoay chuyển đổi số, nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu.

Muốn chuyển đổi số, nhưng…

Mỗi tháng, HTX Thiên An (thôn Nà Ít, xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, Bắc Kạn) “chốt đơn” khoảng 350 đơn hàng nông sản online, chiếm đến 70% tổng số đơn hàng của HTX. Thu nhập của người dân hiện khoảng 3-3,5 triệu đồng/tháng (trước kia chỉ 1-1,5 triệu đồng/tháng). Quan trọng hơn, nhờ chuyển đổi số, quy trình sản xuất của hợp tác xã được chuẩn hóa, đạt các tiêu chuẩn OCOP, CGMP, VietGAP. 

Đây là ví dụ điển hình về lợi ích của chuyển đổi số trong doanh nghiệp SME, chiếm hơn 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Trong dịch bệnh vừa qua, đã có khoảng 24% doanh nghiệp SME phải tạm ngừng hoạt động. Chuyển đổi số là chìa khóa mở ra cánh cửa sinh tồn cho họ.

Theo ông Nguyễn Trọng Đường, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Thông tin và Truyền thông - TT&TT), doanh nghiệp chuyển đổi số có năng suất và lợi nhuận cao gấp đôi so với doanh nghiệp chưa chuyển đổi số. Theo thống kê, sẽ có 3.100 tỷ USD (tương đương 72 triệu tỷ đồng) được cộng thêm vào GDP của châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2024 nếu đẩy mạnh chuyển đổi số cho doanh nghiệp SME. Quá trình này tại Việt Nam dự báo sẽ giúp GDP tăng thêm 30 tỷ USD.

Thế nhưng, trên thực tế, theo khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), dù có khoảng 72% doanh nghiệp SME đang tìm cách chuyển đổi số để đưa sản phẩm, dịch vụ mới ra thị trường, nhưng hầu hết họ không biết bắt đầu từ đâu và 92% doanh nghiệp không biết chuyển đổi số như thế nào.

“Chuyển đổi số từ bộ phận sản xuất hay bán hàng? Tài chính từ đâu? Dùng công nghệ của đơn vị nào? Thuê tư vấn hay tự làm?... là hàng loạt vấn đề mà chúng tôi không biết bắt đầu từ đâu”, ông Hoàng Hoa Vinh, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Hoàng Hoa chia sẻ.

Ông Phan Việt Linh, Giám đốc điều hành Công ty Sao Bắc Đẩu đánh giá, một trong những khó khăn là tiếp cận các doanh nghiệp, giúp họ xác định chiến lược, định hướng chuyển đổi số. "Các SME làm nhiều ngành nghề khác nhau và trải khắp cả nước. Không phải doanh nghiệp nào cũng có kiến thức về công nghệ thông tin, vì vậy khó khăn nhất là tìm ra định hướng của họ và tiếp cận một cách đầy đủ", ông Linh nói.

Thay đổi tư duy đến hành động

Năm 2022, Bộ TT&TT tiếp tục chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số với mục tiêu sẽ có 30.000 doanh nghiệp được hỗ trợ chuyển đổi số.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, chuyển đổi số quan trọng nhất là nền tảng số. Các nền tảng số khi được triển khai sẽ giúp biến công nghệ số trở thành một dạng dịch vụ cho doanh nghiệp và được coi như đầu vào của sản xuất.

Trong năm 2022, Bộ TT&TT sẽ đánh giá, lựa chọn những nền tảng số Việt Nam xuất sắc để giới thiệu đến doanh nghiệp. Theo đó, các nền tảng số được lựa chọn sẽ có chính sách 6 tháng miễn phí dùng thử cho SME, nếu ký hợp đồng 1 năm trở lên được hỗ trợ miễn phí 6 tháng. Với các doanh nghiệp công nghệ số, Bộ hỗ trợ đầu ra, mở rộng thị trường để các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm của mình ra thị trường tốt hơn.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, các doanh nghiệp muốn chuyển đổi số thành công phải dựa trên chính đôi chân của mình. "Chuyển đổi số thành công là doanh nghiệp có doanh thu, lợi nhuận tốt. Chuyển đổi số không phải là thêm một nhiệm vụ, mà là một cách làm mới. Nếu làm hiệu quả thì tự lực cánh sinh là tốt nhất", ông Dũng khuyến nghị.

Thông tin thêm, ông Nguyễn Trọng Đường cho hay, một trong những giải pháp được đưa ra là xây dựng cổng thông tin smedx.vn. Đây là nơi các SME và nền tảng có thể tìm thấy nhau. Các SME sẽ được đào tạo, chuyển giao quy trình chuẩn để doanh nghiệp có thể vừa ứng dụng công nghệ, vừa tái cấu trúc để nâng cao hiệu quả hoạt động.

“Bộ cũng dự kiến năm 2022 đưa vào 30 nền tảng số, tiếp cận đến 200.000 chủ doanh nghiệp và hỗ trợ 30.000 SME chuyển đổi số bằng các nền tảng, giải pháp số”, ông Đường nói.

Tuy nhiên, nền tảng chỉ là phương tiện, các SME hiện nay không chỉ thiếu nền tảng số, mà còn thiếu kỹ năng số và nhân lực, thiếu tư duy kỹ thuật số, chi phí chuyển đổi số…

Theo ông Nguyễn Đức Thuận, Phó chủ tịch Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam, cần thúc đẩy chuyển đổi số gắn với quản trị doanh nghiệp trong 3 trụ cột chính là tài chính, nguồn nhân lực và maketting.

“Phải đào tạo lại từ người đứng đầu tới những người ở vị trí thấp nhất của doanh nghiệp, phải nhận thức một cách đầy đủ chứ không đơn thuần chỉ là công nghệ thông tin, đó là vấn đề nhận thức, về công tác quản trị”, ông Thuận nhấn mạnh.

Trong năm 2022, Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 sẽ tập trung vào 3 gói chính:

Gói thứ nhất: hỗ trợ bắt đầu chuyển đổi số cho doanh nghiệp có quy mô nhỏ, những doanh nghiệp bắt đầu chuyển đổi số, ngân sách nhà nước dành một phần kinh phí từ 20 đến 50 triệu đồng/năm.

Gói thứ 2 là tăng tốc chuyển đổi số cho các doanh nghiệp đang tăng trưởng, hỗ trợ không quá 100 triệu đồng/năm đối với các đối tượng doanh nghiệp vừa.

Gói thứ 3 là hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số hướng đến thị trường xuất khẩu, hỗ trợ tối đa 50% kinh phí khởi tạo, duy trì tài khoản trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.
Chuyển đổi số doanh nghiệp - bước đi sống còn trong thời đại kinh doanh mới
5 năm trước, khi khái niệm chuyển đổi số mới được manh nha ở Việt Nam, chỉ được một bộ phận nhỏ các doanh nghiệp quan tâm.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư