Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Lời giải tư nhân cho bài toán năng lượng
Phong Lan – Hoàng Hà - 06/04/2018 07:40
 
Việc liên danh Geleximco - HUI đề xuất tham gia một số dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện theo hình thức PPP (đối tác công - tư) với tổng vốn đầu tư hàng chục tỉ đô đang thu hút sự chú ý bởi lâu nay đầu tư cho công nghiệp và các dự án hạ tầng quy mô lớn chủ yếu vẫn chỉ là sân chơi của các tập đoàn nhà nước.

Tư nhân “mỏi mắt” ngóng

Liên danh giữa Tập đoàn Geleximco - Tập đoàn Năng lượng mới KAIDI Dương Quang (Trung Quốc) đã 2 lần đề xuất đầu tư các dự án nhiệt điện lên cơ quan có thẩm quyền. Lần thứ nhất, ngày 31/7/2017, liên danh có văn bản đề xuất về mặt nguyên tắc cho đầu tư 5 dự án nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập I, Quỳnh Lập II, Quảng Trạch I, Quảng Trạch II và Hải Phòng III. Hình thức đầu tư theo PPP, trong đó liên danh đầu tư góp 75%-80% vốn.

Lần thứ hai vào ngày 16/10/2017, liên danh Geleximco – Công ty TNHH Hong Kong United Investor (HUI), công ty con của Kaidi, tiếp tục có văn bản đề xuất trong thời gian trước mắt sẽ đầu tư 2 dự án nhiệt điện Quỳnh Lập I và Quảng Trạch II.

.
Dự án Quỳnh Lập I hiện chưa giải phóng mặt bằng

Tại lần đề xuất riêng cho dự án Quỳnh Lập I và Quảng Trạch II, phương án tài chính được đưa ra là liên danh sẽ chịu trách nhiệm thu xếp vốn từ các tổ chức tín dụng và các nguồn vốn vay thương mại quốc tế không cần bảo lãnh Chính phủ. Theo quy định, tỉ lệ vốn chủ sở hữu/vốn vay từ các tổ chức tín dụng cho phép thực hiện là 20: 80%.

Theo báo cáo đề xuất đầu tư Dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập I của Liên danh Geleximco và HUI, các ngân hàng Trung Quốc bao gồm Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, Ngân hàng Eximbank Trung Quốc đã có thư quan tâm đề xuất tài trợ vốn cho dự án với tỉ lệ lên đến 80% với lãi suất 3,5% + lãi suất LIBOR USD 6 tháng.

Sự lo ngại dường như tập trung vào vấn đề tại sao Geleximco lại chọn Kaidi và vốn vay từ Trung Quốc? Trao đổi với phóng viên, đại diện Geleximco cho biết: “Chúng tôi không đặt nặng vấn đề kêu gọi vốn từ nước nào, mà quan trọng hơn là hợp tác với đối tác nào. Vấn đề vốn từ Trung Quốc chỉ là việc tiếp theo của việc chúng tôi chọn một đối tác là doanh nghiệp Trung Quốc”.

Bên cạnh đó, trước những lo ngại về việc chậm tiến độ, đội vốn của các dự án có nhà thầu Trung Quốc thi công, đại diện Geleximco cũng đồng tình. “Điều đó là một thực tế của nhiều dự án chúng ta đều thấy, chúng tôi không phải không nhận thức được. Nhưng chúng ta cũng cần nhìn nhận, đó hầu hết là các dự án dùng vốn ngân sách. Nhiều dự án vốn ngân sách xảy ra tình trạng tương tự ngay cả khi nhà thầu là từ châu Âu. Do đó, điều quan trọng là phải chọn đúng đối tác có năng lực. Là doanh nghiệp tư nhân, chúng tôi phải tính toán rất kỹ về hiệu quả vì nếu chọn sai đối tác, không triển khai được dự án thì không ai chịu thiệt hại cho mình cả. Chúng tôi bỏ vốn của mình đề đầu tư, không yêu cầu bảo lãnh từ Ngân sách, chúng tôi phải là người lo đầu tiên”.

Tập đoàn năng lượng Kaidi Dương Quang là đối tác đã thực hiện nhiều dự án năng lượng lớn trên thế giới, trong đó có cả các dự án đầu tư ở Châu Âu. Năm 2009 Kaidi đã được lựa chọn tổng thầu và khởi công xây dựng nhà máy nhiệt điện Mạo Khê – Quảng Ninh do Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam - TKV làm chủ đầu tư có công suất 440MW. Đây là dự án nhiệt điện quy mô lớn nhất tại Việt Nam và là dự án nhiệt điện duy nhất hoàn thành trước tiến độ ở Việt Nam, đã đi vào vận hành từ tháng 4/2013. Trong 4 năm qua, dự án vận hành rất tốt.

Trên cơ sở đánh giá chất lượng thi công của Kaidi tại Dự án Mạo Khê, năm 2014 Geleximco đã hợp tác với Kaidi để xây dựng dự án Nhiệt điện Thăng Long tại Quảng Ninh có công suất 2x300MW, Kaidi đã tiến hành xây dựng bảo đảm chất lượng và an toàn, dự kiến dự án sẽ vận hành thương mại tổ máy số 1 vào Quý II/2018 và tổ máy số 2 vào Quý III/2018, vượt tiến độ từ 2-3 tháng, tiết kiệm cho chủ đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Trong dự án này, Kaidi cũng đã hỗ trợ Geleximco trong việc thu xếp vốn quốc tế với chi phí thấp, hiện đã hoàn thành giải ngân dự án trên 90%.

Trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành, liên danh cam kết, nếu được giao làm chủ đầu tư trong vòng 1 tháng sẽ thành lập Công ty dự án nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập I. Kể từ khi thành lập Công ty, trong vòng 3 tháng sẽ ký kết thỏa thuận bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư với chính quyền địa phương; Trong vòng 2 tháng, ký hợp đồng tư vấn quản lý, giám sát kỹ thuật (chủ trương lựa chọn tư vấn Fitcher – Đức)m , 3 tháng sau sẽ ký hợp đồng EPC do Kaidi và đội ngũ quản lý dự án quốc tế châu Âu hoặc Bắc Mỹ cùng nhau thực hiện theo thông lệ quốc tế. Tổng thầu sẽ ứng trước toàn bộ chi phí công trình trước khi hoàn tất các thủ tục thu xếp vốn.

Công nghệ sử dụng trong nhà máy dự kiến là công nghệ siêu tới hạn, các hệ thống vận hành chính của Nhà máy sẽ được mời thầu quốc tế, sử dụng sản phẩm của các nước G7 hoặc sản phẩm ủy quyền thiết kế chế tạo của các nước đó.

Cũng trong công văn này Liên doanh cam kết đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của Chính phủ về công nghệ và bảo vệ môi trường, đồng thời khẳng định không đề nghị Chính phủ bảo lãnh các khoản vay quốc tế cho các dự án; Không đề nghị Chính phủ có cơ chế đặc thù về giá điện cho các dự án.

Doanh nghiệp nhà nước vẫn muốn “ôm”

Dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập I (giai đoạn 1) thuộc Trung tâm điện lực TTĐL Quỳnh Lập, tỉnh Nghệ An được Chính phủ giao TKV làm chủ đầu tư từ tháng 4/2009. Theo tiến độ quy hoạch, dự án phải được đưa vào vận hành giai đoạn 2022-2023. Suốt hơn 7 năm từ khi được giao làm chủ đầu tư, đến ngày 20/9/2016, TKV mới gửi hồ sơ nghiên cứu khả thi và báo cáo tác động môi trường để Tổng cục Năng lượng, Bộ TNMT tổ chức các cuộc họp thẩm định. Trong suốt thời gian được giao đầu tư dự án, TKV đã không thể tìm được đối tác đầu tư dự án vì vướng  nhiều vấn đề pháp lý và tài chính.

Cụ thể, trong việc hợp tác với nước ngoài, phía nước ngoài luôn yêu cầu phải có bảo lãnh chính phủ mới có thể tham gia đầu tư dự án. Không tìm kiếm được đối tác, lại khó khăn về tài chính, nên mặc dù TKV đã tổ chức lễ khởi công Dự án Quỳnh Lập I ngày 1/10/2015 nhưng đến nay vẫn chưa triển khai giải phóng mặt bằng.

Để triển khai dự án này, TKV đã có thư mời Geleximco và các nhà đầu tư khác tham gia dự án. Trong đó, có Tập đoàn KOSPO (Hàn Quốc) nhưng đối tác này yêu cầu phải có bảo lãnh Chính phủ về vốn vay và hợp đồng mua bán điện.

Do lo ngại TKV khó khăn về tài chính nên nếu TKV chiếm tỉ lệ cao sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của dự án, liên danh Geleximco - HUI đã chủ động đề nghị tăng tỉ lệ vốn góp trong dự án lên 75%, TKV góp 25%. Tuy nhiên, TKV lại muốn nắm cổ phần chính của Dự án nên các bên chưa thống nhất được tỉ lệ góp vốn.  

“Nếu TKV nắm tỉ lệ cao lại đang khó khăn về tài chính  sẽ khó triển khai dự án và nếu có quá nhiều đối tác tham gia cũng sẽ khó có thể thể đồng thuận phương án triển khai”, đại diện Geleximco chia sẻ.

Càng kéo dài, càng có nguy cơ lãng phí

Trong bối cảnh sản xuất và sinh hoạt đều đang “khát điện”, trong khi tập đoàn tư nhân mong muốn được mở rộng cánh cửa đầu tư, doanh nghiệp nhà nước lại quyết giữ dự án,  Bộ Công Thương, đơn vị “ở giữa”, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đã phải vào cuộc. Trong công văn gửi tới các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Bộ này cho biết, đã yêu cầu TKV khẩn trương báo cáo về phương án góp vốn thực hiện dự án Quỳnh Lập I nhưng đến nay TKV chưa đàm phán xong và chưa có báo cáo về việc này. Nếu để tình trạng này kéo dài, sẽ không đáp ứng tiến độ Dự án, gây lãng phí nguồn lực rất lớn. Theo tính toán, một dự án nhiệt điện công suất 1200MW sẽ có doanh thu khoảng 1.200 tỉ đồng/tháng, mỗi tháng chậm thực hiện dự án là xã hội mất đi những con số tương ứng về hiệu quả kinh tế, công ăn việc làm, đóng góp ngân sách nhà nước.

“Vấn đề tài chính của TKV đang gặp khó khăn, TKV không thể thu xếp vốn để một mình thực hiện dự án. Theo phương án hợp tác góp vốn, TKV vẫn đề nghị xem xét chủ trương cấp bảo lãnh Chính phủ”, Bộ Công Thương nêu vấn đề.

Trong khi đó, trước tình hình khó khăn về nợ công và thực trạng một số dự án có bảo lãnh không hiệu quả, Chính phủ đã có chủ trương ngừng cấp bảo lãnh cho các dự án tương tự. Do đó, nếu các doanh nghiệp vẫn cần điều kiện bảo lãnh thì chắc chắn không thể triển khai dự án.

Trong bối cảnh Chính phủ sẽ không tiếp tục bảo lãnh thì huy động vốn tư nhân, vốn nước ngoài không kèm điều kiện bảo lãnh để thực hiện dự án nên chăng là một giải pháp?

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư