Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Lợi nhuận của TDC “bốc hơi” 12,3% sau kiểm toán, về 34,72 tỷ đồng
Duy Bắc - 25/03/2023 13:32
 
CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (mã TDC - sàn HoSE) lý giải nguyên nhân lợi nhuận giảm 4,85 tỷ đồng sau kiểm toán năm 2022 do điều chỉnh tăng TNDN năm 2020 và năm 2021.

Cụ thể, sau kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2023, Kinh doanh và Phát triển Bình Dương ghi nhận lợi nhuận giảm 12,3% so với báo cáo tự lập, tương ứng giảm 4,85 tỷ đồng, về còn 34,72 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính dẫn tới lợi nhuận giảm 12,3% so với báo cáo tự lập, Công ty cho rằng do điều chỉnh tăng thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 và năm 2021.

Năm 2022, lợi nhuận lao dốc và không hoàn thành kế hoạch năm

Xét về hoạt động kinh doanh, trong năm 2022, Kinh doanh và Phát triển Bình Dương ghi nhận doanh thu đạt 2.487,82 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 34,72 tỷ đồng, giảm 72,1% so với thực hiện trong năm 2021. Trong đó, biên lợi nhuận gộp bất ngờ giảm mạnh từ 35,8% về chỉ còn 16,3%.

Trong kỳ, do biên lợi nhuận gộp thu hẹp dẫn tới lợi nhuận gộp giảm 31,5% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 186,92 tỷ đồng, về 406,47 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 59,8%, tương ứng tăng thêm 92,46 tỷ đồng, lên 247,07 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 7,2%, tương ứng giảm 10,63 tỷ đồng, về 137,87 tỷ đồng; lợi nhuận khác tăng thêm 179,17 tỷ đồng, lên 55,22 tỷ đồng (cùng kỳ âm 123,95 tỷ đồng) và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Trong năm 2022, Kinh doanh và Phát triển Bình Dương đặt kế hoạch tổng doanh thu 2.889,9 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 139,26 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm 2022, Công ty không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm và chỉ đạt 24,9% kế hoạch lợi nhuận năm.

Quy mô tài sản giảm mạnh trong năm 2022

Tính tới 31/12/2022, tổng tài sản của Kinh doanh và Phát triển Bình Dương giảm 26,7% so với đầu năm, tương ứng giảm 1.400,36 tỷ đồng, về 3.839,4 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản dở dang dài hạn ghi nhận 1.610,5 tỷ đồng, chiếm 41,9% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 890,9 tỷ đồng, chiếm 23,2% tổng tài sản; các khoản phải thu dài hạn ghi nhận 495,1 tỷ đồng, chiếm 12,9% tổng tài sản; tồn kho ghi nhận 404,4 tỷ đồng, chiếm 10,5% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Tài sản biến động mạnh trong năm chủ yếu do tồn kho giảm 77,9% so với đầu năm, tương ứng giảm 1.421,9 tỷ đồng, về 404,4 tỷ đồng; tài sản dở dang dài hạn giảm 27,2% so với đầu năm, tương ứng giảm 600,8 tỷ đồng, về 1.610,5 tỷ đồng …

Một điểm đáng lưu ý, tính tới 31/12/2022, Công ty không còn ghi nhận tiền đặt cọc chuyển nhượng Dự án Uni Galaxy cho Công ty TNHH Gamuda Land Bình Dương. Thời điểm 30/6/2022, Công ty ghi nhận khoản mục này là 600 tỷ đồng.

Dự án Uni Galaxy có diện tích 56.015 m2, tọa lạc tại phường Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Ngày 15/9/2022, CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương công bố thông tin bất thường về việc chuyển nhượng toàn bộ Dự án Khu nhà ở thương mại Dãy phố Ngân Hà (Uni Galaxy) cho một công ty, với tổng giá trị chuyển nhượng là 1.284,65 tỷ đồng.

Trong đó, giá trị chuyển nhượng quyền sử dụng đất là 1.250 tỷ đồng và giá trị chuyển nhượng hạ tầng kỹ thuật chưa gồm thuế GTGT là 34,65 tỷ đồng.

Thêm nữa, thời gian thanh toán được chia làm hai đợt đối với quyền sử đất và hạ tầng. Trong đó, đối với quyền sử dụng đất, đợt 1 sẽ thanh toán 600 tỷ đồng, tương đương 48% giá chuyển chuyển nhượng; đợt 2 sẽ thanh toán 650 tỷ đồng, tương đương 52% giá trị chuyển nhượng.

Đối với giá trị hạ tầng được chia làm hai đợt. Trong đó, đợt 1 sẽ thanh toán 16,63 tỷ đồng, tương đương 48% giá trị chuyển nhượng hạ tầng; và đợt 2 sẽ thanh toán 18,02 tỷ đồng, tương đương 52% giá trị chuyển nhượng.

Chậm trả lãi trái phiếu, Kinh doanh và Phát triển Bình Dương bị phạt thêm 18,66 triệu đồng

Ngày 15/2 là đến hạn thanh toán 23,82 tỷ đồng lãi trái phiếu lô trái phiếu mã TDC.Bond.2020.700 với mệnh giá 700 tỷ đồng, nhưng Kinh doanh và Phát triển Bình Dương chỉ thanh toán được 7 tỷ đồng, còn lại 16,82 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, đến ngày 17/2, Công ty đã thanh toán phần lãi còn lại là 16,82 tỷ đồng và đồng thời phải thanh toán thêm tiền lãi phạt chậm thanh toán là 18,66 triệu đồng.

Như vậy, Công ty đã thanh toán toàn bộ lãi, phạt kỳ thanh toán thứ 9 vào ngày 17/2.

Theo tìm hiểu, lô trái phiếu mệnh giá 700 tỷ đồng, lãi suất 10,5%/năm cho 4 kỳ tính lãi đầu tiên; lãi suất 11%/năm cho kỳ lãi từ 5 đến 8; và sau đó là lãi suất theo biên độ nhưng không thấp hơn 11,5%/năm và đơn vị lưu ký lô trái phiếu là CTCP Chứng khoán Navibank.

Trong đó, tài sản đảm bảo là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất CY375724 thuộc sở hữu của Công ty.

Được biết, tính tới 31/12/2022, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Kinh doanh và Phát triển Bình Dương giảm 2,2 tỷ đồng so với đầu năm, tương ứng giảm về 1.703,8 tỷ đồng và chiếm 44,4% tổng nguồn vốn. Trong đó, 1.016,4 tỷ đồng là nợ vay ngắn hạn và 687,4 tỷ đồng là nợ vay dài hạn.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/3, cổ phiếu TDC tăng 50 đồng lên 9.410 đồng/cổ phiếu.

TDC bị phạt 18,66 triệu đồng do chậm trả lãi lô trái phiếu mệnh giá 700 tỷ đồng
CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (mã TDC - sàn HoSE) bất ngờ “quay xe” thông báo đã thanh toán được toàn bộ lãi lô trái phiếu và chịu phạt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư