Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Lối ra nào cho nông sản Việt trước chính sách Zero Covid-19 của Trung Quốc?
Nguyễn Ngân - 09/05/2022 08:14
 
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, việc thay đổi tư duy tiếp thị, truyền thông quan trọng trong việc thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu và định giá nông sản.

Tắc ngoài biên nhưng phá giá thị trường nội do đâu?

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến về thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành Nam Bộ ngày 8/5/2022, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đối phó với dịch bệnh Covid-19, Trung Quốc cùng các thị trường khác trên thế giới đã đưa ra nhiều quy định, chính sách khắt khe hơn đối với các mặt hàng nhập khẩu, đặc biệt là mặt hàng nông sản, rau quả. Điển hình chính sách Zero Covid, lệnh 248, 249…, với nhiều quy định chặt chẽ nhằm kiểm soát, tránh lây nhiễm chéo Covid-19 qua đường hàng hóa, bao bì.

Các thị trường xuất khẩu khác cũng chịu không ít ảnh hưởng bởi tình hình đại dịch và chính trị quốc tế.

Trong khi đó, theo ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, hiện nay, đa số các mặt hàng nông sản xuất khẩu của nước ta tạm thời chưa đáp ứng được các quy định, quy chuẩn về Zero Covid, dẫn đến tình trạng khó khăn trong đẩy mạnh tiêu thụ. Nhiều người dân, cơ sở trồng trọt lớn vẫn chưa nắm bắt được thông tin về các quy định, tiêu chuẩn mới đối với nông sản xuất khẩu.

Ùn ứ container nông sản Việt Nam tại cửa khẩu phía Bắc
Ùn ứ container nông sản Việt Nam tại cửa khẩu phía Bắc.

Bởi thế, tình hình xuất khẩu mặt hàng nông sản, rau quả trong 4 tháng đầu năm của nước ta gặp nhiều khó khăn. Đơn cử, với mặt hàng rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc (chiếm 54% thị phần) chịu ảnh hưởng nặng nề khi nhiều cửa khẩu tạm dừng thông quan hoặc giới hạn. Thực trạng này dẫn tới rất ít mặt hàng, số lượng hàng hóa được thông quan nên bị ùn tắc, sản lượng xuất khẩu sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

 Bên cạnh đó, việc tiêu thụ nông sản nội địa cũng gặp nhiều khó khăn khi xảy ra tình trạng ép giá, phá giá hàng hóa. Nguyên nhân, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, còn bởi truyền thông, thông tin còn nhiều sai lệch. Đã có tình trạng lái buôn, doanh nghiệp kêu ca, phóng đại, dẫn tới truyền thông hiểu sai và thông tin nhiễu về tình trạng tồn ứ, dư thừa hàng hóa nông sản dù thực trạng không đến mức như vậy. Điều này dẫn tới tình trạng hạ giá, phá giá nông sản nghiêm trọng, thậm chí là giải cứu nông sản với mức giá cực thấp và thiệt hại lớn cho người nông dân.

 Thay đổi tư duy tiếp thị để dẫn lối ra

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan chức năng tham dự đều cho rằng, trước hết muốn đẩy mạnh sản lượng nông sản xuất khẩu, cần nhạnh chóng thay đổi tư duy về thông tin.

Thứ trưởng Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, bên cạnh việc cần xây dựng quy trình đánh giá cụ thể chất lượng nông sản từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến đến đóng gói bao bì, nhãn mác…, thì  các cơ quan, tổ chức, địa phương cũng cần chủ động hơn trong quá trình thông tin, tuyên truyền cho nông dân về các chính sách, quy định, quy chuẩn mới.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh, ngành nông nghiệp nói chung và các cơ sở địa phương nói riêng cần phải chủ động thay đổi tư duy tiếp thị, truyền thông trong sản xuất và tiêu thụ nông sản sát sao, chi tiết giúp bà con nông dân, doanh nghiệp nắm rõ tình hình, hoạt động của thị trường; quy trình, quy chuẩn sản xuất, chế biến, vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm đáp ứng các quy định về xuất khẩu quốc tế, đẩy mạnh toàn diện tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước, tránh bỏ lỡ mùa vụ.

Đồng thời cần định hướng lại thông tin báo chí truyền thông về tình hình tiêu thụ nông sản, tránh tình trạng kêu ca, phóng đại khiến thông tin sai lệch dẫn đến tình trạng hạ giá, phá giá nông sản.

Bán hàng “chợ huyện”
Gọi là xuất khẩu, nhưng hình thức bán hàng lại giống như ở chợ huyện, thậm chí xuất khẩu mà chưa biết người mua hàng bên kia biên giới là ai.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư