Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Lợi suất trái phiếu Mỹ "nhảy múa" trở lại, Nikkei 225 và Hang Seng cùng trượt sâu
Lê Quân - 04/03/2021 15:18
 
Các chỉ số chứng khoán lớn của khu vực châu Á - Thái Bình Dương đều trượt hơn 2% trong phiên giao dịch sáng 4/3 khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng trở lại.
Chỉ số Hang Seng của Hong Kong để mất 2,32% trong phiên giao dịch sáng 4/3. Ảnh: AFP
Chỉ số Hang Seng của Hong Kong để mất 2,32% trong phiên giao dịch sáng 4/3. Ảnh: AFP

Hai chỉ số chứng khoán lớn của Nhật Bản sáng nay đều rớt điểm. Chỉ số Nikkei 225 để mất 2,19%, trong khi chỉ số Topix giảm 1,23%. Trên thị trường Hàn Quốc, chỉ số Kospi cũng hứng chịu mức giảm 1,16%.

Chứng khoán Hong Kong sáng nay cũng chìm trong sắc đỏ, với chỉ số Hang Seng trượt dốc 2,32%. Thị trường Trung Quốc đại lục cũng chứng kiến phiên đỏ lửa với chỉ số Shanghai Composite rớt 1,65% còn chỉ số Shenzhen Component trượt sâu hơn 3%.

Thị trường chứng khoán Australia sáng nay ngập sắc đỏ khi chỉ số S&P/ASX 200 giảm 0,84%, dù trước đó Cơ quan Thống kê Australia công bố doanh số bán lẻ tháng 1 của nước này nhích tăng 0,5% so với tháng trước đó. Mức tăng này vẫn thấp hơn kỳ vọng tăng 0,6% được các chuyên giao kinh tế lưu ý với hãng tin Reuters gần đây.

Tuy nhiên, cũng trong tháng 1, Australia đạt thặng dư thương mại 10,142 tỷ đô la Australia (tương đương khoảng 7,88 tỷ USD), vượt mức dự đoán 6,5 tỷ đô la Australia mà các nhà phân tích đưa ra.

Nhìn chung, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) sáng nay giảm tới 1,79%. Giới phân tích lý giải các thị trường chứng khoán lớn ở khu vực ngập sắc đỏ bởi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã bật tăng trở lại, đạt 1,4774% ở lần cập nhật mới đây nhất. Đồng thời, mức tăng lợi suất chuyển động nghịch so với giá trái phiếu.

Tuần trước, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đạt đỉnh 1,6%, một diễn biến khiến những người trong cuộc nhận định đây là đợt tăng sốc "chớp nhoáng" và làm dấy lên lo ngại giá cổ phiếu rớt mạnh và nguy cơ lạm phát tăng.

Theo chân thị trường Mỹ, lợi suất trái phiếu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cùng thăng tiến. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Australia cán mốc 1,782% trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm cũng tăng lên 0,135%.

Giới đầu tư đang theo sát biến động cổ phiếu công nghệ ở châu Á sau khi cổ phiếu của các tập đoàn công nghệ Mỹ đêm qua đồng loạt rớt điểm khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ ngoi lên. Cụ thể, cổ phiếu của Tập đoàn công nghệ SoftBank (Nhật Bản) sáng nay lao dốc 5,33%. Tại Hàn Quốc, cổ phiếu Samsung Electronics trượt nhẹ hơn với 1,55% còn cổ phiếu nhà sản xuất chip lớn thứ hai thế giới SK Hynix rớt 3,74%.

Trong khi, cổ phiếu của các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc niêm yết tại Hong Kong cũng không tránh được phiên thua lỗ nặng. Đáng kể, cổ phiếu Tencent giảm 3,8%, trong khi cổ phiếu của đế chế giao đồ ăn Meituan "bốc hơi" tới 7,57%, còn cổ phiếu Alibaba trượt 2,07%. Tại Đài Loan, cổ phiếu của hãng sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới (TSMC) giảm 2,73%.

Trước đó, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite (Mỹ) đêm qua đóng cửa mất 2,7% còn 12.997,75 điểm khi các cổ phiếu "nặng ký" của Apple, Amazon, Microsoft, và Alphabet đồng loạt giảm hơn 2%.

Các chỉ số lớn khác trên Phố Wall đêm qua cũng "rực lửa". Chỉ số S&P 500 giảm 1,31% xuống 3.819,72 điểm trong khi chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones mất 121,43 điểm xuống 31.270,09.

Trên thị trường tiền tệ, đồng bạc xanh sáng nay nhích giá, với chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác trở lại mức 91,016, sau khi giảm xuống 90,988. Đồng yên Nhật tiếp tục trượt giá và giao dịch ở mức 107,03 JPY/USD, so với mức dưới 106,8 JPY đổi 1 USD hồi đầu tuần, còn đô la Australia cũng suy yếu và trao tay 1 AUD đổi 0,7796 USD, từ mức 1 AUD đổi hơn 0,792 USD trong tuần trước.

Giá dầu giao dịch theo giờ châu Á sáng nay tăng lên sau thông tin Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác sắp họp trực tuyến để bàn bạc giải pháp cho thị trường dầu mỏ. Giá dầu thô Brent giao kỳ hạn tăng 0,76% lên 64,56 USD/thùng trong khi giá dầu thô giao sau của Mỹ cũng tăng tương ứng 0,65% và giao dịch ở mức 61,68 USD/thùng.

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác bên ngoài OPEC - một liên minh năng lượng (gọi tắt là OPEC +) - dự kiến họp trực tuyến trong hôm nay 4/3 để thảo luận các biện pháp điều phối nguồn cung dầu mỏ ra thị trường.

Hang Seng vọt lên gần 3% khi chứng khoán châu Á xanh đậm
Các chỉ số chứng khoán lớn của châu Á đều tăng điểm mạnh mẽ trong ngày giao dịch 3/3, bất luận tăng trưởng lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư