Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Lợi tức trái phiếu thấp nhất lịch sử, dòng vốn toàn cầu quay lại với cổ phiếu
T.L - 26/11/2019 09:02
 
Báo cáo cập nhật về lưu chuyển dòng vốn toàn cầu của các chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) cho thấy, sau một thời gian trú ẩn vào trái phiếu và vàng, dòng vốn đầu tư toàn cầu đang trở lại với cổ phiếu. Tại thị trường Việt Nam, dòng vốn ETF được hy vọng sẽ tăng trưởng tích cực, từng đỡ cho chỉ số cuối năm 2019 và đầu năm 2020.

Lợi tức trái phiếu xuống đáy, giới đầu tư toàn cầu quay về với cổ phiếu

Theo SSI, dòng vốn toàn cầu đang có dấu hiệu đảo chiều, dần chảy ra khỏi kênh trái phiếu và vàng để đổ vào cổ phiếu.

Từ cuối năm 2018, thị trường toàn cầu chứng kiến sự rút vốn ồ ạt khỏi thị trường cổ phiếu sau khi Fed tăng lãi suất 4 lần năm 2018. Trong 11 tháng, từ tháng 12/2018 đến tháng 10/2019, đã có 277 tỷ USD rút khỏi các quỹ đầu tư cổ phiếu trên toàn cầu và đổ vào trái phiếu. Cùng thời gian này, các quỹ đầu tư trái phiếu có inflow 372 tỷ USD.

Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu ảm đạm cùng với sự leo thang xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc đã làm suy yếu tâm lý nhà đầu tư. E ngại rủi ro, dòng tiền tìm đến các kênh trú ẩn an toàn là trái phiếu, vàng và đồng tiền phòng vệ, trực tiếp khiến giá các loại tài sản này tăng mạnh. Chỉ trong 3 tháng 6, 7 và 8, giá vàng đã tăng trên 20%. Lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ giảm sâu và cũng chạm đáy vào cuối tháng 8.

Tuy nhiên, việc Fed liên tục hạ lãi suất từ tháng 7/2019 đến nay đã khiến dòng vốn đảo chiều. Sau mỗi lần FED giảm lãi suất, các quỹ đầu tư cổ phiếu đều ghi nhận có inflow, tuy nhiên, phải đến lần giảm thứ 3 vào cuối tháng 10, dòng vốn vào cổ phiếu mới ghi nhận dương 3 tuần liên tiếp. Các quỹ cổ phiếu ở cả thị trường mới nổi và phát triển đều ghi nhận inflow, trong đó nhiều nhất là các quỹ đầu tư toàn cầu và dưới dạng quỹ ETF.

Khảo sát mới nhất ngày 12/11/2019 của Bank of America Merrill Lynch cho thấy có tới 52% tin tưởng rằng cổ phiếu sẽ là kênh đầu tư hiệu quả nhất trong năm 2020.

Các chỉ số chứng khoán S&P 500 và Dow Jones tăng 23.4% và 19.1% kể từ đầu 2019 đến nay nhờ đảo chiều chính sách từ thắt chặt sang nới lỏng của FED và các chỉ số kinh tế vẫn khá vững vàng của Mỹ.

Trong khi đó, trái phiếu Chính phủ của các quốc gia không còn hấp dẫn do lợi tức đã giảm rất sâu năm 2019 và đang ở vùng thấp nhất lịch sử. Không gian nới lỏng tiền tệ của các NHTW lớn không còn nhiều, thị trường đã bắt đầu nói đến nỗi lo bong bóng trên thị trường trái phiếu.

Trong bối cảnh đó, cổ phiếu nổi lên là kênh đầu tư có tiềm năng trong các kênh đầu tư truyền thống.

Vốn ETF sẽ đổ mạnh vào cổ phiếu thị trường mới nổi

Theo nhận định của các chuyên gia SSI, cổ phiếu ở các thị trường mới nổi có mối liên hệ rõ ràng hơn với dòng vốn của các quỹ đầu tư so với các thị trường phát triển.

Thực tế, chỉ số MSCI Emerging market  đã có lúc tăng tới hơn 4% trong 3 tuần vừa qua, khi có khoảng 5.2 tỷ USD chảy vào cổ phiếu của các thị trường mới nổi và trong bối cảnh căng thẳng thương mại tạm lắng.

Mặc dù vậy, SSI cũng cảnh báo, dòng vốn tăng thêm 4 tuần qua chủ yếu ở các quỹ quản lý thị trường mới nổi (EM) tập trung nhiều vào các quỹ đầu tư toàn cầu và phần nhiều đổ vào thông qua các ETF nên dòng vốn vào nhanh nhưng cũng có thể ra nhanh.

Chiến tranh thương mại là rủi ro lớn nhất có thể làm đảo chiều dòng vốn.  Bất kỳ tín hiệu tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng có thể tác động mạnh đến xu hướng vốn vào các thị trường mới nổi. 

Với thị trường Việt Nam, SSI đánh giá: Nhìn lại quá khứ, các đợt tăng mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam đều được hỗ trợ bởi dòng vốn từ các quỹ ETF.

Dù vậy, mối tương quan này mờ nhạt hơn trong tháng 6 và 7 khi các quỹ ETF ghi nhận inflow nhưng Vnindex không có nhiều khởi sắc. Thời gian này xu hướng dòng vốn trên toàn cầu chưa thực sự tích cực với cổ phiếu. Chiến tranh thương mại căng thẳng trở lại trong tháng 8 đã khiến giới đầu tư ngay lập tức chuyển hướng phòng thủ.

Trong 2 tháng trở lại đây, dòng vốn đầu tư vào quỹ ETF ra, vào thị trường cổ phiếu Việt Nam đan xen nhưng inflow vẫn có phần nhỉnh hơn.

Mặc dù vậy, nhà đầu tư nước ngoài lại bán ròng khá lớn trên cả 3 sàn (1.583 tỷ đồng trong tháng 10 và 950 tỷ đồng từ đầu tháng 11), tạo sức ép cho thị trường, dù đây phần nhiều là hoạt động tái cơ cấu của các quỹ đầu tư.

Với những diễn biến trên, SSI giả định, nếu không có những biến động bất ngờ như đổ vỡ của đàm phán thương mại Mỹ - Trung thì dòng vốn nước ngoài, trong đó có dòng vốn ETF sẽ tích cực hơn, từ đó tạo sự nâng đỡ cho chỉ số trong thời gian cuối năm 2019, đầu năm 2020.

Thị trường chứng khoán: Kỳ vọng có dòng vốn mới
Có những tín hiệu quan trọng củng cố cho kỳ vọng sẽ có dòng tiền mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư