Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Long An - thương hiệu mạnh trong thu hút đầu tư
Hoàng Nghị - 04/10/2018 09:41
 
Vị trí địa lý thuận lợi, cùng với việc tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, Long An là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhân hội nghị tổng kết 30 năm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, phóng viên Báo Đầu tư có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An về nội dung này.
TIN LIÊN QUAN

Thưa ông, tính đến nay, việc thu hút nguồn vốn FDI trên địa bàn tỉnh Long An đạt kết quả ra sao?

Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại tỉnh Long An bắt đầu từ tháng 9/1992 với dự án đầu tiên được cấp phép. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 941 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 5.950 triệu USD, trong đó có 576 dự án đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư 3.614 triệu USD. Hiện có 38 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trên địa bàn tỉnh, trong đó Đài Loan đứng đầu cả về số dự án và vốn đầu tư đăng ký, tiếp theo là các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... 

.
.

Các lĩnh vực thu hút nhiều vốn FDI là may mặc, da giày, chế biến thức ăn, chế biến thực phẩm, đồ uống. Các dự án FDI tập trung chủ yếu tại các huyện vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh giáp ranh với TP.HCM như: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc và TP. Tân An. 

Các dự án FDI đã tác động như thế nào đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương?

Các doanh nghiệp FDI đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Long An, thể hiện trên các mặt sau: góp phần đáng kể vào chiến lược chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ; phát triển kết cấu hạ tầng; đóng góp thu ngân sách; tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, giải quyết việc làm; chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sản xuất, dịch vụ trong nước…

Trong giai đoạn 1996 - 2010, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá cố định 1994) của doanh nghiệp FDI tăng bình quân 27,6%/năm; riêng năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp FDI chiếm 72,1% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cả tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI giai đoạn 1996 - 2016 tăng bình quân là 27,6%/năm, năm 2016 đạt 2,6 tỷ USD, chiếm 60,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, tăng 45,9% so với năm 1996. Số lượng doanh nghiệp FDI xuất khẩu tăng từ 18 doanh nghiệp (năm 1996) lên khoảng 300 doanh nghiệp năm 2016.

Công ty TNHH Sapporo Việt Nam, một doanh nghiệp FDI tại Long An
Công ty TNHH Sapporo Việt Nam, một doanh nghiệp FDI tại Long An

Về giải quyết việc làm, đến nay các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh Long An đã thu hút 126.280 lao động trong tỉnh và các địa phương lân cận, chiếm 47,8% số lao động trong các doanh nghiệp toàn tỉnh.

Được biết, trong nhiều năm qua, Long An luôn là địa phương dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long và là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về thu hút FDI. Theo ông, những yếu tố nào giúp tỉnh Long An đạt được kết quả như vậy?

Long An hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước bởi nhiều yếu tố. Trước hết là lợi thế về vị trí địa lý, tỉnh Long An nằm giáp ranh với TP.HCM, là cửa ngõ nối liền vùng Đông Nam bộ với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này giúp các nhà đầu tư tại Long An dễ dàng tiếp cận những tiện ích về hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, thị trường của TP.HCM - trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, đồng thời thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long - vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng đồng bộ, nguồn nhân lực dồi dào cũng là yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư chọn Long An làm “bến đỗ”. Tỉnh Long An đang tập trung đầu tư hoàn chỉnh các trục động lực kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông tại các huyện vùng kinh tế trọng điểm phục vụ phát triển công nghiệp, bao gồm các trục nội tỉnh, liên tỉnh và liên vùng, đặc biệt là các trục giao thông kết nối với TP.HCM. 

Về giao thông đường bộ, trên địa bàn tỉnh Long An có các tuyến đường Quốc lộ N2, Quốc lộ 1, đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, cao tốc Bến Lức - Long Thành, Quốc lộ 50 đi qua. Về giao thông thủy, có cảng biển quốc tế Long An trên cửa sông Soài Rạp đã tiếp nhận tàu 30.000 DWT và tương lai từ 50.000 - 70.000 DWT, đây được xem là lợi thế quan trọng của tỉnh so với các địa phương khác trong vùng.

Tuy nhiên, theo tôi, những yếu tố trên chỉ là điều kiện cần, nhưng chưa đủ. Điều quan trọng để các nhà đầu tư đến với Long An còn ở sự thông thoáng của môi trường đầu tư, sự nhiệt tình của lãnh đạo tỉnh trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp và luôn sát cánh đồng hành với doanh nghiệp trong những thời điểm mà doanh nghiệp cần. Điều này đã được các doanh nghiệp ghi nhận qua Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 của tỉnh Long An đứng thứ 4/63 tỉnh, thành phố của cả nước, thuộc nhóm “tốt” với 66,7 điểm; tăng 11 bậc so với năm 2016. Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đứng thứ 11 cả nước và được xếp vào nhóm 1 là nhóm đạt điểm cao nhất cả nước.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thu hút FDI của Việt Nam trong thời gian qua dù đạt kết quả khả quan nhưng chất lượng chưa cao. Còn tại Long An, tình trạng này ra sao, thưa ông ?

Trong tình hình chung của cả nước, hoạt động thu hút vốn FDI tại Long An cũng bộc lộ những hạn chế như: các dự án phần lớn có quy mô nhỏ, giá trị gia tăng chưa cao. Các dự án FDI còn tập trung nhiều vào các ngành hàng thâm dụng lao động như dệt may, da giày..., ít dự án đầu tư ngành hàng sản xuất công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, chưa có nhiều tập đoàn quy mô lớn, thương hiệu nổi tiếng đầu tư sản xuất, kinh doanh tại tỉnh.

Vậy chiến lược thu hút FDI của tỉnh Long An trong thời gian tới là gì nhằm khắc phục những hạn chế đó?

Từ thực tế đó, tỉnh Long An sẽ tiếp tục có những giải pháp cụ thể, thiết thực để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thu hút vốn FDI trong thời gian qua, nâng cao hiệu quả thu hút vốn FDI trong thời gian tới, đưa thành phần kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giữ vị trí xứng đáng, có đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Quan điểm của tỉnh là tập trung thu hút những dự án FDI có vốn đầu tư lớn, có giá trị gia tăng cao, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguồn nhân lực; tiếp nhận đầu tư có chọn lọc, đúng theo quy hoạch, thu hút dự án FDI gắn với yêu cầu bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý các dự án FDI, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn FDI.

Trong thu hút đầu tư nói chung cũng như thu hút FDI nói riêng, những lĩnh vực nào đang được tỉnh Long An quan tâm mời gọi, thưa ông ?

Nhằm tận dụng, phát huy tốt những lợi thế của tỉnh và định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, Long An tập trung mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (gồm cơ khí - chế tạo máy, điện tử - tin học, sản xuất linh kiện, lắp ráp…), công nghiệp chế biến nông sản, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đô thị vệ tinh và dịch vụ hậu cần cảng. Đây là những lĩnh vực mà tỉnh có nhiều lợi thế thu hút đầu tư.

Với hơn 15.000 ha đất công nghiệp được quy hoạch, bố trí giáp ranh giới TP.HCM trong bán kính từ 30 - 40 km, trong đó bao gồm 11.964 ha đất khu công nghiệp và 3.106 ha đất cụm công nghiệp, tỉnh Long An sẵn sàng đáp ứng yêu cầu về mặt bằng để các doanh nghiệp triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chính quyền tỉnh Long An sẽ tiếp tục làm hết sức mình vì một môi trường đầu tư thông thoáng, nhằm đưa tỉnh Long An trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn, một thương hiệu mạnh trong thu hút đầu tư tại Việt Nam.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư