Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 14 tháng 10 năm 2024,
Long An quy hoạch, phát triển đô thị theo hướng hiện đại, giàu bản sắc
Lê Nguyệt Sơn (*) - 28/09/2024 09:11
 
Long An quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc, kiến trúc đô thị hiện đại.
Long An chú trọng phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc. Trong ảnh: TP. Tân An (tỉnh Long An) 	ảnh: đài phát thanh - truyền hỉnh tỉnh long an
Long An chú trọng phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc. Trong ảnh: TP. Tân An (tỉnh Long An) Ảnh: Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh Long An

Đô thị ngày càng khang trang

Long An là một trong những địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, tỉnh có 15 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc (gồm 13 huyện, 1 thị xã, 1 thành phố) và 19 đô thị (gồm 1 đô thị loại II, 1 đô thị loại III, 5 đô thị loại IV và 12 đô thị loại V).

Theo quy hoạch, đến năm 2030, dân số của tỉnh Long An là khoảng 1,879 triệu người. Phương án phát triển đô thị của tỉnh đến năm 2030 đạt 27 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại II, 3 đô thị loại III, 9 đô thị loại IV và 13 đô thị loại V.

Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển hệ thống đô thị hài hòa, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng đô thị, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai; phát triển mạnh các đô thị tiếp giáp với TP.HCM, trung tâm vùng Đồng Tháp Mười.

Mở rộng phạm vi, ranh giới các đô thị hiện hữu chưa đảm bảo tiêu chuẩn diện tích; đặc biệt, TP. Tân An đảm bảo diện tích tự nhiên từ 150 km2 trở lên, ưu tiên lan tỏa đô thị về hướng Đông Bắc và Đông Nam gắn với hành lang phát triển phía Nam.

(Theo Quyết định số 686/QĐ-TTg, ngày 13/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050)

Mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh Long An đạt khoảng 55%; bảo đảm 100% đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng y tế, giáo dục, đào tạo và các công trình văn hóa cấp đô thị. Các đô thị trên địa bàn tỉnh sẽ phát triển bền vững theo mục tiêu đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực, toàn quốc và thế giới; đô thị hóa và phát triển đô thị trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hiện các đô thị của tỉnh Long An đã được phân loại được đầu tư xây dựng cảnh quan kiến trúc ngày càng khang trang, hiện đại hơn. Trong đô thị đã tạo điểm nhấn kiến trúc, phát huy lợi thế quảng trường công viên cây xanh, khu vực công công, tạo mỹ quan đô thị trên dải phân cách trục lộ giao thông chính… Công trình kiến trúc có giá trị đang từng bước hình thành và được công nhận.

Tỉnh cũng đặt ra những yêu cầu cao về yếu tố kỹ thuật của đô thị. Theo đó, kết cấu hạ tầng của đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu, được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Chất lượng sống tại đô thị ở mức cao, bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị. Phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy.

Long An đang tiến hành rà soát lại việc lập quy hoạch chung toàn bộ đô thị trên địa bàn tỉnh. Việc thực hiện điều chỉnh quy hoạch phù hợp quy hoạch tỉnh và lập mới đồ án quy hoạch chung của các đô thị mới được xác định trong quy hoạch tỉnh là cơ sở triển khai, điều chỉnh Chương trình Phát triển đô thị tỉnh cũng đang thực hiện và được UBND tỉnh quan tâm, theo dõi tiến độ.

Chào đón các nhà đầu tư lớn

Trong thời gian tới, tỉnh Long An sẽ mời gọi, chọn nhà đầu tư lớn đủ năng lực cho phát triển đô thị. Nhà nước đầu tư hạ tầng đầu mối, quan trọng để đô thị phát triển dựa vào lực hút đô thị có sẵn, Bến Lức, Tân An, Cần Giuộc, Đức Hòa là đô thị vệ tinh, thu hút dân cư và các cơ sở dịch vụ. Đối với từng đô thị, sẽ xác định vai trò như đô thị để ở, dịch vụ, hành chính, du lịch, gắn kết khu công nghiệp, hỗn hợp. Tỉnh Long An không đặt nặng việc nâng hạng đô thị, mà phải phát triển dựa vào thực chất.

Long An chú trọng xây dựng và phát triển các đô thị thông minh có tính kết nối cao, phát triển bền vững và hiệu quả. Trong đó, phải lấy người dân làm trung tâm, dựa trên nhu cầu thực tế của người dân, làm cho tất cả người dân đều được hưởng thành quả từ xây dựng đô thị.

Về hướng quản lý phát triển đô thị, tỉnh Long An sẽ thực hiện cải cách hành chính, chuyển đổi số, tạo điều kiện nhanh nhất để cấp phép xây dựng trong đô thị; phân cấp rõ trong quản lý đô thị theo hướng phân cấp mạnh về cơ sở… Tỉnh cũng thống nhất nhận thức và hành động về quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc, kiến trúc đô thị và có tính tiên phong, dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo, trở thành động lực phát triển là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị.

Theo đó, Long An đang nghiên cứu giải pháp hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng; có giải pháp hiệu quả để các chủ đầu tư, nhà thầu tích cực triển khai thực hiện đầu tư xây dựng hoàn thành các công trình, dự án theo tiến độ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Đặc biệt chú trọng công tác quy hoạch

Long An đặc biệt chú trọng vai trò định hướng của quy hoạch, bảo đảm quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm; kết hợp hài hòa giữa quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị với công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới và quản lý phát triển xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Quy hoạch đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị.

Phát triển trên nền tảng là một tỉnh công nghiệp và giữ ổn định nông nghiệp, công tác quy hoạch của Long An cũng bảo đảm kết hợp đồng bộ và hài hòa giữa cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị với phát triển các đô thị mới; kiến trúc đô thị phải hiện đại, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy.

Trong quá trình lập, phê duyệt các đồ án quy hoạch đô thị, cần nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp cùng các giải pháp khả thi để thực hiện hiệu quả. Cần hạn chế tối đa việc điều chỉnh quy hoạch mang tính cục bộ, vì đây là các giải pháp mang tính tình thế, có thể làm mất đi tính bền vững trong phát triển đô thị đã được nghiên cứu tổng thể khi lập quy hoạch đô thị.

Bên cạnh đó, Long An chú trọng xây dựng và phát triển các đô thị thông minh có tính kết nối cao, phát triển bền vững và hiệu quả. Trong đó, phải lấy người dân làm trung tâm, dựa trên nhu cầu thực tế của người dân, làm cho tất cả người dân được hưởng thành quả từ xây dựng đô thị.

Đồng thời, tỉnh sẽ đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh, quốc phòng; xây dựng mạng lưới giao thông liên kết các đô thị toàn tỉnh, kết nối tốt với TP.HCM và các tỉnh lân cận.

(*) Trưởng phòng Phát triển Đô thị và Hạ tầng Kỹ thuật, Sở Xây dựng tỉnh Long An

Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Long An
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1003/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư