Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Long Hậu tiếp tục đặt kế hoạch kinh doanh đi lùi
Duy Bắc - 25/04/2023 08:18
 
Thiếu quỹ đất sạch, trong khi các dự án mới chậm triển khai và chi phí “treo” dự án KCN Long Hậu 1 chưa ghi nhận, là rủi ro chính đối với CTCP Long Hậu trong năm 2023 cũng như các năm tới.

CTCP Long Hậu cho biết, Dự án KCN Long Hậu 3, giai đoạn I đang chậm tiến độ do ảnh hưởng của việc bồi thường giải phóng mặt bằng. Dự án đã đền bù giải phóng mặt bằng đạt 91%, các hộ dân còn lại yêu cầu giá bồi thường rất cao, đã tạo áp lực lớn đến công tác bồi thường tại dự án.

Ngoài ra, tại các dự án đầu tư mới như KCN Long Hậu mở rộng giai đoạn II, KCN An Định, Khu dân cư - Tái định cư Long Hậu, Khu dân cư - Tái định cư Long Hậu mở rộng… đều chậm tiến độ do vướng thủ tục pháp lý. Điều này gây thách thức rất lớn lên khả năng đầu tư của năm 2023.

Hiện nay, Công ty chỉ còn đất công nghiệp thương phẩm tại KCN Long Hậu 3 (giai đoạn I) khai thác từ năm 2019 và kinh doanh dự kiến đến năm 2025 với quỹ đất còn lại khá hạn chế. Trong khi đó, các dự án mới gồm KCN Long Hậu mở rộng giai đoạn II (90 ha), KCN An Định tại Vĩnh Long (200 ha) với kế hoạch dự kiến cuối năm 2024 và đầu năm 2025 mới có đất thương phẩm để kinh doanh.

Chính vì vậy, trong năm 2023, Long Hậu sẽ tiếp tục tập trung bồi thường giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích còn lại tại Dự án KCN Long Hậu 3 (giai đoạn I), tạo quỹ đất liền mảnh liền thửa đưa vào kinh doanh; hoàn thành thủ tục pháp lý về việc chấp thuận chủ trương đầu tư tại KCN Long Hậu mở rộng giai đoạn II, KCN An Định.

Được biết, trong nhiều năm trở lại đây, Long Hậu là một trong số ít doanh nghiệp liên tục lên kế hoạch đầu tư lớn, nhưng thực tế giải ngân rất thấp. Cụ thể, năm 2021, Long Hậu đặt kế hoạch giải ngân 1.033,98 tỷ đồng, thực tế giải ngân 77,97 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân là 8%; năm 2022, kế hoạch giải ngân 1.505 tỷ đồng, thực tế giải ngân 156,1 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 10%.

Trong năm 2023, Công ty đặt tham vọng tổng vốn đầu tư 1.853,3 tỷ đồng, nhưng nhiều khả năng kịch bản cuối năm, tỷ lệ giải ngân vẫn sẽ thấp.

Có thể thấy, việc đặt kế hoạch giải ngân lớn, nhưng do thủ tục pháp lý, dự án chậm triển khai, cũng như chi phí đền bù dự án ngày một tăng, dẫn tới dự án đội vốn và chậm triển khai kéo dài.

Theo ước tính của Công ty Chứng khoán BSC, diện tích KCN Long Hậu 3, giai đoạn I là 124 ha, diện tích thương phẩm còn lại khoảng 61 ha; diện tích KCN Long Hậu 3 mở rộng là 90 ha, diện tích thương phẩm là 62 ha và diện tích KCN An Định là 200 ha, diện tích thương phẩm 149 ha.

Việc Long Hậu chỉ còn quỹ đất tại KCN Long Hậu 3, giai đoạn I, trong khi các dự án mới chậm triển khai chính là nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh có dấu hiệu đi thụt lùi.

Cụ thể, kết thúc năm 2022, Long Hậu ghi nhận doanh thu giảm 19,5% so với cùng kỳ, về 628,86 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 31,2%, về còn 203,29 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 52,7% về còn 40,8%.

Bước sang năm 2023, Long Hậu tiếp tục đặt kế hoạch kinh doanh đi lùi với doanh thu ước tính 902,1 tỷ đồng, tăng 28,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận dự kiến 127,05 tỷ đồng, giảm 37,7% so với thực hiện trong năm 2022.

Long Hậu còn đối mặt với chi phí đền bù tăng thêm đối với Dự án Khu công nghiệp Long Hậu 1 trong nhiều năm và vẫn chưa được ghi nhận.

Theo đó, kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2022 trình bày việc công ty mẹ chưa thực hiện ghi nhận nghĩa vụ hoàn trả chi phí bố trí tái định cư của Dự án KCN Long Hậu 1 cho Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (doanh nghiệp nhà nước sở hữu 48,67% vốn điều lệ tại Long Hậu).

Được biết, ngày 15/8/2007, Long Hậu nhận được văn bản về việc hoàn trả các khoản chi phí do Công ty Tân Thuận đã chi trước đây để phát triển dự án là 58,15 tỷ đồng (Long Hậu đã thanh toán theo yêu cầu của Tân Thuận năm 2007).

Năm 2018, Long Hậu tạm ứng thêm 65 tỷ đồng liên quan tới chi phí tái định cư và ký hợp đồng hoàn trả chi phí Dự án Long Hậu 1. Tuy nhiên, Tân Thuận đã gửi văn bản mới tới Long Hậu về số tiền hoàn trả chi phí bố trí tái định cư cho Dự án KCN Long Hậu 1 với số tiền 328,7 tỷ đồng. Tính tới ngày 31/12/2022, Long Hậu chưa ghi nhận chi phí bố trí tái định cư này vào báo cáo.

Như vậy, ước tính chi phí đền bù thêm của Dự án KCN Long Hậu 1 lên tới 206 tỷ đồng, bằng 70% lợi nhuận sau thuế năm 2021 và 98,6% lợi nhuận năm 2022.

Cần phải nói thêm, kể từ khi niêm yết năm 2010 tới nay, chưa năm nào lợi nhuận của Long Hậu vượt qua con số 300 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận lớn nhất đạt được là năm 2021 khi ghi nhận 296 tỷ đồng, còn năm 2022 chỉ đạt 203,91 tỷ đồng.

Có thể thấy, chi phí đền bù Dự án Long Hậu 1 với tổng số tiền 328,7 tỷ đồng đang là một khoản chi phí treo, có thể sẽ phải ghi nhận trong tương lai và khi ghi nhận sẽ dẫn tới kết quả kinh doanh của năm tài chính đó lao dốc, thậm chí thua lỗ.

Năm 2023, Long Hậu đặt kế hoạch lợi nhuận giảm 37,7%, về 127,05 tỷ đồng
CTCP Long Hậu (mã LHG - sàn HoSE) đặt kế hoạch doanh thu tăng 28,5%, lên 902,1 tỷ đồng và lợi nhuận giảm 37,7%, về 127,05 tỷ đồng trong năm 2023.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư