Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Louis Capital đổi tên với hy vọng đổi vận
Duy Bắc - 01/04/2023 08:38
 
Với việc đổi tên từ CTCP Louis Capital thành CTCP The Golden Group, đồng thời “thay máu” Ban lãnh đạo, doanh nghiệp này đang từng bước xóa nhòa mối liên hệ với Louis Holdings với hy vọng đổi vận.

Sau khi ông Đỗ Thành Nhân, nguyên Chủ tịch HĐQT Louis Holdings bị bắt để điều tra về hành vi thao túng trên thị trường chứng khoán (tháng 4/2022), hệ sinh thái các đơn vị thành viên bao gồm CTCP The Golden Group (tên trước đây là Louis Capital), CTCP Louis Land, CTCP VKC Holdings, Angimex, Ladophar… đều bước vào giai đoạn lao dốc. Một số thành viên mất khả năng thanh toán gốc và lãi các lô trái phiếu đến hạn, đồng thời giá các cổ phiếu trong hệ sinh thái đều sụt giảm.

Tại The Golden Group, ngày 22/3, Công ty đã thông qua việc miễn nhiệm 4 thành viên HĐQT và 3 thành viên Ban kiểm soát, đồng thời bầu bổ sung các thành viên thay thế.

Theo đó, miễn nhiệm 4 thành viên HĐQT bao gồm ông Nguyễn Mai Long, Ngô Thục Vũ, Trịnh Văn Bảo và Cao Bá Trung (thành viên HĐQT độc lập); bầu bổ sung ông Võ Kim Nguyên, Lý Thanh Nhã, Nguyễn Thomas Thanh và Ngô Quang Tuấn.

Trong 4 thành viên HĐQT mới, chỉ có ông Võ Kim Nguyên được giới thiệu giữ nhiều vị trí quan trọng trong hệ sinh thái Louis Holdings, bao gồm người phụ trách quản trị Ladophar, thành viên HĐQT Angimex, Tổng giám đốc The Golden Group.

Đối với Ban Kiểm soát, The Golden Group miễn nhiệm 3 thành viên gồm bà Nguyễn Thị Kiều Liên, ông Hồ Lê Hoàng Anh và ông Phạm Minh Vương; bầu bổ sung ông Cao Việt Bách, ông Nguyễn Kiên Giang và ông Đỗ Mạnh Hùng. Trong đó, cả 3 thành viên Ban kiểm soát mới đều không được giới thiệu đã đảm nhiệm vị trí quan trọng nào tại các công ty và tổ chức khác.

Một nội dung đáng chú ý, Công ty đổi tên từ CTCP Louis Capital thành CTCP The Golden Group và thay đổi trụ sở công ty mới tại TP.HCM (chưa công bố cụ thể).

Việc đổi tên công ty, thay đổi Ban lãnh đạo tại The Golden Group không làm thay đổi bản chất khi doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều vấn đề và nằm trong hệ sinh thái của Louis Holdings. Tuy nhiên, việc đổi tên và thay đổi lãnh đạo sẽ làm cho nhà đầu tư bên ngoài và nhà đầu tư mới có thể sẽ dần quên đi ông Đỗ Thành Nhân.

Được biết, trong lịch sử các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, sau mỗi biến cố lớn thường đổi tên công ty sang một tên mới không liên quan với tên cũ và sau một thời gian dài, nhà đầu tư mới sẽ dần quên đi biến cố cũ. Điều này giúp công ty có thể thu hút được các nhà đầu tư mới tham gia đầu tư và mua cổ phần.

Tới cuối tháng 3/2023, The Golden Group vẫn chưa công bố báo cáo kiểm toán năm 2022. Tuy nhiên, trong báo cáo tự lập, The Golden Group vừa trải qua một năm kinh doanh thua lỗ, xuất hiện nợ xấu tăng đột biến khi mới thực hiện trích lập một phần của đối tác/khách hàng lớn.

Cụ thể, năm 2022, The Golden Group ghi nhận lỗ 22,47 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 91,15 tỷ đồng. Theo thuyết minh tài chính, năm 2021, The Golden Group hoàn nhập dự phòng 42,95 tỷ đồng, nhưng trong năm 2022 lại trích lập dự phòng tới 37,69 tỷ đồng. Như vậy, việc đẩy mạnh trích lập dự phòng là nguyên nhân chính dẫn tới việc lợi nhuận lao dốc trong năm tài chính 2022.

Đối ứng với khoản mục trích lập dự phòng tăng trên báo cáo kết quả kinh doanh, trên Bảng cân đối kế toán tại thời điểm 31/12/2022, The Golden Group đã bất ngờ trích lập dự phòng 40,69 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khó đòi so với đầu năm chỉ trích lập 3,15 tỷ đồng.

Việc ông Đỗ Thành Nhân bị bắt, sau đó các khoản phải thu của The Golden Group “bốc hơi” là điều được dự báo từ trước và khó có thể thu hồi. Đơn cử, trường hợp tại CTCP Thiết bị y tế Việt Nhật, năm 2015, sau khi ông Lê Văn Hướng bị bắt, Công ty đã trích lập 1.126,7 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn. Việc trích lập dự phòng tăng mạnh dẫn tới Thiết bị y tế Việt Nhật báo cáo lỗ 1.335,78 tỷ đồng trong năm 2015, xóa bỏ toàn bộ lãi luỹ kế và tính tới 31/12/2015, tổng lỗ luỹ kế 990,1 tỷ đồng, bằng 88% vốn điều lệ.

Kể từ năm 2015 tới năm 2022, CTCP Thiết bị y tế Việt Nhật vẫn không thể thu hồi được khoản phải thu ngắn hạn đã trích lập. Tính tới ngày 31/12/2022, giá trị dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi vẫn còn 1.106 tỷ đồng, cao hơn thời điểm 31/12/2015.

Có thể thấy, câu chuyện của The Golden Group đang có nét tương đồng với CTCP Thiết bị y tế Việt Nhật, khi các đơn vị kinh doanh liên quan tới lãnh đạo chủ chốt bị bắt, mất khả năng thu hồi và ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Việc The Golden Group đổi tên, thay lãnh đạo chỉ giúp doanh nghiệp giải quyết được vấn đề bề nổi bên ngoài và giúp nhà đầu tư mới dần quên đi ông Đỗ Thành Nhân và hệ sinh thái Louis Holdings. Tuy nhiên, vấn đề nợ xấu gia tăng đối với các đơn vị liên quan của ông Đỗ Thành Nhân, cũng như những đối tác đang làm suy yếu chất lượng tài sản, đồng thời hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn mới để giúp công ty khôi phục lại hoạt động kinh doanh.

Sau khi cựu lãnh đạo bị bắt, Louis Capital hủy kế hoạch huy động vốn và hạ kế hoạch kinh doanh
CTCP Louis Capital (mã chứng khoán TGG - sàn HoSE) muốn hủy kế hoạch chào bán tổng cộng 54,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành riêng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư