Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Lựa chọn nào cho TP.HCM khi phát triển kinh tế xanh
Trọng Tín - 19/09/2023 16:10
 
Việc mô hình tăng trưởng kinh tế truyền thống không còn là lựa chọn tối ưu đã thôi thúc TP.HCM phải chuyển mình để tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.
TP.HCM đang hoàn thiện khung chiến lược phát triển xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Trước tình thế “bức bách”, TP.HCM buộc phải chuyển đổi

Dù đã lấy lại được đà phục hồi sau hai năm dịch Covid-19 hoành hành, nhưng nhìn tổng thể, đà tăng trưởng của TP.HCM đã chậm lại. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 1996 - 2010 của kinh tế thành phố bình quân đạt 10,2%/năm, cao hơn 1,6 lần mức bình quân cả nước; nhưng đến giai đoạn 2011 - 2015 giảm xuống còn 7,22%/năm và giai đoạn 2016 - 2020 chỉ còn 6,41%/năm.

Nguyên nhân của sự chậm lại, theo nhìn nhận của ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, đến từ “những thúc bách từ bên trong” của Thành phố, như giảm dần động lực tăng trưởng, biến đổi khí hậu, chất lượng cuộc sống, an ninh năng lượng, bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học.

“Đây là những vấn đề nội tại mà nếu không chuyển đổi xanh, không có chiến lược bài bản, không có chính sách cụ thể lâu dài, thì chắc chắn kinh tế Thành phố sẽ không có năng lực cạnh tranh mới, không thể đóng góp tốt cho kinh tế cả nước”, ông Mãi nói.

Thực tế đã chỉ ra, quá trình phát triển kinh tế tạo ra cho TP.HCM nhiều áp lực lớn đối với môi trường. Tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần thứ 4 diễn ra cuối tuần qua với chủ đề “Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng 0”, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhìn nhận, TP.HCM vẫn là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài và xuất nhập khẩu, số doanh nghiệp đang hoạt động chiếm gần 30% cả nước, nhưng cũng là địa phương có tổng lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất (57,6 triệu tấn, chiếm 23,3% cả nước).

“Về cơ bản, nền kinh tế của Thành phố chủ yếu vẫn phát triển theo hướng kinh tế tuyến tính và chưa được xanh hóa; công tác bảo vệ môi trường có nhiều tiến bộ, song còn nhiều vấn đề đặt ra, nhiều việc phải làm tích cực hơn”, ông nói.

Trên thực tế, đối với định hướng chung về tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn, ông Phạm Bình An, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nhấn mạnh, Thành phố đã hình thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cho việc triển khai thực hiện tăng trưởng xanh từ năm 2012 đến nay và bước đầu nhận thức được sự cần thiết giảm cường độ phát thải khí nhà kính, tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo.

Cụ thể, có 4 ngành, lĩnh vực mà TP.HCM đã đạt kết quả bước đầu trong việc triển khai thực hiện tăng trưởng xanh. Đầu tiên là phát thải khí nhà kính và thị trường carbon, ông An cho biết, hiện đã có quy định cụ thể về đối tượng phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Đối với năng lượng tái tạo, TP.HCM đã khuyến khích sử dụng năng lượng sạch/năng lượng mới trong các kế hoạch, chương trình hành động của Thành phố... Ngoài ra, Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC) triển khai nhiều dự án điện mặt trời, bao gồm cả các công trình điện mặt trời nối lưới, trên địa bàn Thành phố.

Với giao thông xanh, chính sách cấp quốc gia và Thành phố đối với phát triển giao thông thân thiện với môi trường ngày càng cụ thể; khung pháp lý về sản xuất và tiêu dùng xanh đang được hoàn thiện. Các chương trình phát triển xanh, nâng cao nhận thức được triển khai. Đồng thời, người dân ngày càng quan tâm đến sản phẩm xanh khi mức sống người dân được cải thiện.

Lựa chọn nào cho Thành phố?

Dù việc chuyển đổi đã có những kết quả nhất định, song ông Phạm Bình An nhìn nhận, vấn đề đang đặt ra cho TP.HCM là rất lớn. Các văn bản hiện chỉ mang tính chất định hướng chính sách, chưa có nội dung cụ thể về chính sách hỗ trợ, nguồn lực tài chính thực hiện tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn lớn, trong khi nguồn ngân sách hạn hẹp.

TP.HCM đang hoàn thiện khung chiến lược phát triển xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm xây dựng Thành phố trở thành đô thị văn minh, hiện đại nghĩa tình, là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư, du khách. Khung chiến lược xác định 4 trụ cột chính: phát triển nguồn lực xanh, xây dựng hạ tầng xanh, phát triển hành vi xanh, xác định ngành và lĩnh vực tiên phong.

Nhưng đâu là lĩnh vực tiên phong mà Thành phố cần hướng tới trong chiến lược này? Đâu là cơ chế để Thành phố thực hiện? Theo gợi ý của ông Phạm Bình An, sản xuất - công nghệ cao; khởi nghiệp xanh; du lịch xanh và mảng xanh đô thị, nông nghiệp là những ngành/lĩnh vực mà Thành phố có thể hướng đến.

Đặc biệt, Thành phố sẽ thí điểm xây dựng Cần Giờ trở thành địa phương xanh, tiên phong thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2035, trước 15 năm so với cam kết của Việt Nam với quốc tế. Muốn vậy, phải tập trung xây dựng giao thông xanh, các phương tiện giao thông phải sử dụng nhiên liệu xanh, năng lượng xanh; xử lý rác thành điện phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt tại Cần Giờ; du lịch không thải rác nhựa, phát triển du lịch xanh và thí điểm tín chỉ carbon với rừng Cần Giờ...

Theo gợi ý của Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, trong khung chiến lược về tăng trưởng xanh, TP.HCM cần tiên phong phát triển một số ngành công nghiệp như công nghiệp công nghệ số, công nghiệp sinh học, công nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, Thành phố cần lên lộ trình và các cơ chế, chính sách cụ thể để chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp sang các ngành có tính nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao; chuyển đổi các ngành công nghiệp thâm dụng tài nguyên, năng lượng sang các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp phát thải carbon thấp…

Ông Hiển cũng gợi ý, TP.HCM cần tiếp tục triển khai xây dựng đề án trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế; đi đầu trong phát triển, thử nghiệm các sản phẩm mới, sản phẩm xanh; và là trung tâm khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo của khu vực. Trong đó, các trung tâm đổi mới, sáng tạo phải lấy nòng cốt từ các khu công nghệ cao, phát huy các trường đại học, trong đó có Đại học Quốc gia TP.HCM.

Đối với nguồn lực tài chính, ông Nguyễn Đức Hiển cho rằng, TP.HCM cần chủ động khai thác và phát triển tài chính xanh. Tính đến cuối năm 2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh của cả nước mới đạt gần 500.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 4,2% tổng dư nợ nền kinh tế), tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo (tỷ trọng cao nhất 47%), tiếp đến là nông nghiệp xanh (chiếm trên 30%). Vì vậy, trong lĩnh vực tài chính, Thành phố phải tiên phong thu hút các nguồn lực tài chính xanh cho tăng trưởng, tiên phong trong việc phát hành trái phiếu xanh.

Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH

Đề xuất Chiến lược Tổ hợp môi trường tích hợp

- Ông Han Sang Deog, Phó tổng giám đốc Samsung Engineering

Samsung Enginerring đang đề xuất một chiến lược mang tên “Tổ hợp môi trường tích hợp” cho các dự án môi trường tại Việt Nam. Đây là khu phức hợp môi trường kinh tế tuần hoàn, tích hợp xử lý nước thải, xử lý chất thải và khí sinh học, sử dụng năng lượng tự sản xuất mà không cần dùng nguồn năng lượng từ bên ngoài.

Samsung Engineering từ lâu đã quan tâm và đầu tư vào lĩnh vực xử lý nước thải, đốt rác phát điện nhằm giải quyết vấn đề môi trường ở TP.HCM. Chúng tôi sẽ hợp tác với Thành phố đầu tư vào các dự án môi trường để cải thiện môi trường sống của người dân.

Thành viên Eurocham sẵn sàng hỗ trợ TP.HCM

- Ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham)

Các doanh nghiệp thành viên Eurocham sẵn sàng chuyển giao công nghệ, mô hình, hỗ trợ TP.HCM trở thành trung tâm xuất khẩu của EU, giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát triển bền vững, kinh tế xanh. Quá trình chuyển đổi phải thực hiện đồng bộ, nhưng với một chuỗi cung ứng thì cần phải từng bước. Do đó, cần có rất nhiều chính sách để thúc đẩy chuyển đổi kinh tế xanh, như với người tiêu dùng thì ưu đãi giảm thuế cho sản phẩm xanh, hay tiền tài trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất xanh.

Giải pháp giảm phát thải được đón nhận ngày càng nhiều

- Ông Erick Contreras, Tổng giám đốc BASF Việt Nam

Vai trò của logistics trong giảm thiểu CO2 rất quan trọng và tôi rất vui khi thấy ngày càng nhiều doanh nghiệp logistics Việt Nam đón nhận các giải pháp và đưa ra các dịch vụ ít phát thải. Trong quá trình chuyển đổi xanh, hợp tác với các tổ chức nước ngoài như Tiểu ban Tăng trưởng xanh thuộc Eurocham Việt Nam đóng vai trò kết nối, thúc đẩy hành trình tới phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn. Để thành công, các chương trình cần hướng tới việc tạo nguồn vốn, thu được các thành công nhanh chóng trong thời gian ngắn thông qua các dự án có tác động sớm và nhân rộng các giải pháp được minh chứng thành công.

Quan tâm đúng mức vấn đề xả thải

- Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE)

REE tập trung vào sản xuất năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời...; đầu tư xử lý rác thải cho TP.HCM và tận dụng nguồn nhiệt để phát điện. Chúng tôi cũng đầu tư vào hệ thống điện mái nhà công sở; sẵn sàng đầu tư và bán điện theo giá điện lực; đang đầu tư dự án đốt rác điện với công suất 2.000 tấn rác/ngày, nhưng phải chờ 18 tháng mới có thể xác định địa điểm.

Chúng tôi mong muốn chính quyền TP.HCM quan tâm đúng mức vấn đề xả thải (khí thải, thải rác, chất lỏng sinh hoạt và công nghiệp), cần có quy định, chế tài và đưa vào chương trình giáo dục học đường để thu hút sự quan tâm của mỗi người và mỗi nhà.

Còn thiếu nhiều vốn cho kinh tế xanh

- Ông Ramachandran A.S, Tổng giám đốc Ngân hàng Citi Việt Nam

TP.HCM là trung tâm cho tài chính xanh, với nhiều công ty đa quốc gia hiện diện tại đây có cam kết tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, khu vực tư nhân còn thiếu nhiều vốn cho kinh tế xanh. Chúng tôi có kế hoạch cung cấp tài trợ trung và dài hạn cho các dự án xanh, đảm bảo gia tăng tính cạnh tranh cho các nhà sản xuất.

Khai mạc Diễn đàn kinh tế TP.HCM lần thứ 4 năm 2023
Sáng 15/9, Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần thứ 4 năm 2023 (HEF 2023). Diễn đàn có chủ đề “Tăng trưởng xanh – Hành trình hướng tới giảm phát thải...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư