Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 01 năm 2025,
Lựa chọn tăng trưởng hay phát triển bền vững
Thanh Huyền - 11/11/2017 07:07
 
Phát triển bền vững đang là xu hướng được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Nhưng trước cơ hội tăng trưởng lợi nhuận nhanh, phát triển bền vững có bị doanh nghiệp bỏ qua một bên?

Giữa tháng 8, những hộp sữa tươi TH True Milk organic 500ml chính thức ra mắt thị trường. Sản phẩm được chế biến từ dòng sữa của đàn bò sữa hữu cơ chuyển đổi trên chính đồng đất Việt Nam, chứa đựng cả sự kiên trì, tỉ mỉ và những nỗ lực phi thường bởi những quy trình khắt khe, ngặt nghèo để có dòng sữa thực sự thuần khiết.

Sản phẩm sữa organic này một lần nữa khẳng định tầm nhìn và sứ mệnh mà Tập đoàn TH theo đuổi lâu nay, đó là doanh nghiệp tiên phong cho ngành công nghiệp sữa tươi sạch của Việt Nam. Chính tầm nhìn và sứ mệnh đó đã giúp Tập đoàn TH không chỉ trở thành một trong những doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam mà còn vươn ra thế giới, được Liên bang Nga “trải thảm đỏ” chào đón Dự án chăn nuôi và chế biến sữa có giá trị 190 triệu USD.

Ông Đinh Văn Lộc, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Onnet là người ngồi ở vị trí CEO
Ông Đinh Văn Lộc, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Onnet là người ngồi ở vị trí CEO

Không chỉ riêng Tập đoàn TH, nhiều doanh nghiệp khác của Việt Nam đã tập trung vào chiến lược phát triển bền vững và được xã hội đánh giá cao như Tập đoàn Bảo Việt, Hoàng Anh Gia Lai, Vinamilk…

Theo các chuyên gia, chọn hướng phát triển bền vững sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao danh tiếng, mang lại thêm giá trị, nhất là trong con mắt của các đối tác nước ngoài.

 Không nằm ngoài xu hướng đó, CEO của một doanh nghiệp gia đình hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm dinh dưỡng và sản phẩm từ nông nghiệp có quy mô và vị thế trên thị trường cũng đang tính toán các bước đi để đưa doanh nghiệp này theo hướng phát triển bền vững.

Vừa qua, doanh nghiệp đã thành công khi phát triển ra thị trường nước ngoài và sắp tới sẽ tiến hành IPO để kêu gọi thêm nguồn lực, phục vụ mục tiêu phát triển và nhận được sự quan tâm của nhiều đối tác. Để thực hiện thành công mục tiêu này, doanh nghiệp đã thuê  CEO chuyên nghiệp, có kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài để điều hành trong giai đoạn mới.

Qua quá trình làm việc, CEO nhận thấy doanh nghiệp đang có xu hướng phát triển quá nóng, mang tính chớp thời cơ mà không chú trọng vào việc phát triển bền vững. Các mục tiêu phát triển bền vững không được xác định và quản trị một cách bài bản, có hệ thống và được tích hợp vào chiến lược, kế hoạch và quy trình triển khai.

Chương trình CEO - Chìa khóa thành công được phát sóng vào lúc 10h sáng Chủ nhật (12/11) và phát lại vào 8h sáng thứ Hai (13/11) trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam.

Quý doanh nghiệp, doanh nhân có thể xem thông tin chi tiết về chương trình tại fanpage: www.facebook.com/ceochiakhoathanhcongsme. Các chương trình lên sóng đều được phát online trên kênh CEOTVNEXT của Youtube.

Nhận thấy rằng doanh nghiệp phải cân bằng giữa các mục tiêu tài chính và phi tài chính như chất lượng đầu vào, đầu ra của sản phẩm, chỉ số về chất thải môi trường, trách nhiệm xã hội, phát triển con người, sử dụng lao động…, CEO cho rằng, doanh nghiệp cần phải điều chỉnh lại chiến lược nhằm chú trọng vào các hoạt động đầu tư mang tính dài hạn này, hơn là chỉ theo đuổi lợi nhuận trước mắt.

“Đây là những tiền đề quan trọng để doanh nghiệp có thể phát triển bền vững trong tương lai và cũng như tạo niềm tin và thuyết phục cho các đối tác, đặc biệt là các đối tác nước ngoài”, CEO đánh giá.

Ý kiến của CEO đã không được HĐQT chấp thuận bởi lẽ, các thành viên HĐQT cho rằng, doanh nghiệp cần tích lũy đủ nguồn lực mới có thể tính đến việc đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững, do đó cần nắm bắt kịp thời cơ hội đang có để đạt mức tăng trưởng nhanh.

HĐQT lập luận, việc lồng ghép và tích hợp những yêu cầu cụ thể vào quy trình, cấu thành sản phẩm trong khi không có các yêu cầu cụ thể từ các cơ quan quản lý sẽ làm tăng giá thành không cần thiết, thậm chí  phá vỡ quan hệ đang có với các đối tác. Hiện tại, các chỉ tiêu an toàn, chất lượng của sản phẩm vẫn nằm trong ngưỡng cho phép và được thị trường chấp nhận.

Cuộc tranh luận đi đến “bất phân thắng bại” bởi ai cũng đưa ra những lý lẽ hết sức thuyết phục. Để xử lý tình huống này, ông Đinh Văn Lộc, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Onnet, sẽ là người ngồi ở vị trí CEO trong Chương trình CEO - Chìa khóa thành công kỳ này, với chủ đề “Doanh nghiệp gia đình - Chiến lược vươn xa”. Ông Đinh Văn Lộc cũng là nhân vật xuất hiện trong chuyên mục Gương mặt doanh nhân kỳ này của Báo Đầu tư.

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của Novaland, PwC Việt Nam và Hội đồng Doanh nhân và Gia đình Việt Nam (VEFC).

Franchise có giúp doanh nghiệp gia đình giành thế thượng phong?
Nhượng quyền thương mại (franchise) được xem là cách giúp giảm gánh nặng chi phí mở cửa hàng và giúp thương hiệu phát triển nhanh hơn, nhưng đi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư