Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp gia đình nhọc nhằn tìm người kế cận
Nhã Nam - 21/10/2017 10:54
 
Một trong những vấn đề nan giải nhất đối với các doanh nghiệp gia đình hiện nay là tìm người tâm phúc kế tục sự nghiệp của mình. Bài toán này cần được giải thế nào?

Thông tin được công bố cách đây ít lâu về việc bà Phạm Thị Việt Nga từ nhiệm vị trí Tổng giám đốc Dược Hậu Giang khiến không ít người bất ngờ. Bởi lẽ, bà Nga vốn là người lèo lái con thuyền Dược Hậu Giang đi tới thành công từ gần 3 thập kỷ nay. Không dễ để tìm được một người đủ tâm, đủ tầm để vượt qua cái bóng quá lớn của bà Nga, đưa Dược Hậu Giang tiếp tục đi lên.

Tương tự, đằng sau thành công của FPT, Vinamilk, PNJ, Traphaco… luôn có bóng dáng của những “thuyền trưởng” tài ba như Trương Gia Bình, Mai Kiều Liên, Cao Thị Ngọc Dung… Những “thuyền trưởng” này đều đã ở độ tuổi 60, nghĩa là đã có thể bắt đầu nói đến chuyện nghỉ ngơi và tìm người kế nhiệm. Nhưng đó là một quyết định không hề dễ. Bởi thế mới có chuyện, những năm gần đây, liên tiếp tại các cuộc đại hội đồng cổ đông thường niên, các cổ đông FPT đều đặt câu hỏi về việc lãnh đạo Tập đoàn sẽ tìm người kế nhiệm như thế nào.

Bà Trương Thị Thanh Tâm, Tổng giám đốc Công ty Khỏe đẹp ngồi vị trí CEO.
Bà Trương Thị Thanh Tâm, Tổng giám đốc Công ty Khỏe đẹp ngồi vị trí CEO.

Doanh nghiệp tìm người kế nhiệm đã khó, doanh nghiệp gia đình càng khó hơn, bởi nhiều khi còn liên quan đến chuyện sở hữu doanh nghiệp. Và đôi khi, sự có mặt của những cá nhân ngoài gia đình ở các vị trí lãnh đạo khiến các thành viên khác không hài lòng.

Giống như câu chuyện của một doanh nghiệp gia đình trong lĩnh vực sản xuất và phân phối hàng tiêu dùng, đã hoạt động gần 30 năm và có nhiều thành công, danh tiếng trên thương trường. Là công ty gia đình, nên hầu hết nhân sự chủ chốt của doanh nghiệp là các thành viên trong gia đình và là bạn bè tham gia từ thời kỳ đầu mới gây dựng doanh nghiệp.

Vấn đề nằm ở chỗ, nhiều người trong số họ hiện đã sắp đến tuổi nghỉ hưu, thậm chí vượt cả tuổi nghỉ hưu. Trong bối cảnh ấy, nếu không có kế hoạch đổi mới nhân sự quản lý cao cấp thì doanh nghiệp sẽ rơi vào khủng hoảng nhân sự.

Trước tình hình này, CEO và các thành viên Hội đồng Quản trị đã có cuộc họp. CEO cho rằng, đã đến lúc cần quy hoạch lại đội ngũ kế cận cho các vị trí chủ chốt, phải làm ngay và không nhất thiết giới hạn trong những ứng viên trong gia đình.

Chương trình được phát sóng trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam vào 10h sáng Chủ nhật 22/10 và phát lại vào 8h sáng thứ Hai, 23/10.

Quý doanh nghiệp, doanh nhân có thể xem thông tin chi tiết về chương trình tại fanpage facebook:www.facebook.com/ceochiakhoathanhcongsme. Các chương trình lên sóng đều được phát online trên kênh CEO - CHÌA KHOÁ THÀNH CÔNG của Youtube

Tuy nhiên, các cổ đông lại cho rằng, việc đưa người ngoài vào bộ máy chủ chốt sẽ gây ra nhiều hệ lụy và phá vỡ cấu trúc doanh nghiệp gia đình. Bởi thế, công ty nên tập trung đào tạo thế hệ con cháu và khẩn trương đưa vào các vị trí chủ chốt để chuyển giao thế hệ ngay. Theo các cổ đông, quan hệ và quy mô của gia đình và bạn bè đủ lớn để có thể có giải pháp được ngay chứ không nên sắp xếp trước. Trong gia đình thì cũng không cần quá cầu kỳ về các chỉ tiêu năng lực hay chuyên môn, vì bản thân họ làm cho gia đình thì chắc chắn là sẽ rất toàn tâm toàn ý.

Hai quan điểm khác hẳn nhau. CEO cương quyết bảo vệ quan điểm của mình và cho rằng, để đào tạo được thế hệ con cháu vào các vị trí chủ chốt thì mất rất nhiều thời gian. Ngay lập tức đưa thế hệ con cháu vào những vị trí quá cao sẽ lợi bất cập hại, nhất là khi năng lực không có. Trong khi đó, việc có kế hoạch bài bản và kỹ lưỡng sẽ mở rộng cơ hội tìm kiếm và tuyển dụng người tài từ ngoài vào, mang lại nhiều lợi ích cho công ty và thực chất không hề ảnh hưởng gì đến mô hình hay lợi ích của các thành viên trong gia đình.

Thực ra, đây là vấn đề không chỉ doanh nghiệp nói trên đang phải đối mặt, mà ngay cả các công ty gia đình lớn trên thế giới đều gặp phải. Tìm được người tâm phúc thay thế chưa bao giờ là một quyết định dễ dàng.

Nếu lâm vào hoàn cảnh ấy sẽ phải xử lý ra sao? Đó chính là tình huống được Chương trình CEO - Chìa khóa thành công kỳ này, với chủ đề “Doanh nghiệp gia đình - Chiến lược kế cận” đặt ra. Người giải bài toán ấy chính là bà Trương Thị Thanh Tâm, Tổng giám đốc Công ty TNHH Khỏe đẹp. Bà Tâm cũng chính là người xuất hiện trong chuyên mục gương mặt doanh nhân của Báo Đầu tư số này.

Theo dõi chương trình, các doanh nghiệp gia đình có thể tìm kiếm được các bài học kinh nghiệm trong xử lý tình huống của công ty mình.

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của Chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của Tập đoàn Novaland.
Doanh nhân F1 trải lòng về thế hệ kế cận
Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2014) cận kề, thế hệ doanh nhân đi trước trải lòng về nỗi đau và những sai lầm mà họ đã tạo ra một phần thế hệ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư