Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Lừa đảo chiếm đoạt tài khoản bùng phát, chuyên gia cảnh báo mã độc tiền ảo
T.L - 29/11/2022 18:46
 
Hàng loạt hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài khoản ngân hàng bùng phát năm 2022. Chuyên gia công nghệ cảnh báo, năm 2023, mã độc tiền ảo sẽ gia tăng mạnh.
f
Hàng loạt hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài khoản ngân hàng bùng phát 

Có 4 hình thức “trộm” tài khoản ngân hàng phổ biến

Năm 2022 chứng kiến sự bùng phát của các hình thức lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người dùng. Các hình thức lừa đảo tuy không mới, nhưng số nạn nhân bị mắc lừa vẫn ngày một tăng, thiệt hại có vụ lên tới hàng tỷ đồng.

Báo cáo phân tích về tình hình an ninh mạng 2022 và dự báo về 2023 được tiến hành bởi Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc Gia Việt Nam NCS cho thấy, có  4 hình thức phổ biến nhất mà các đối tượng lừa đảo đã sử dụng để tấn công người dùng tại Việt Nam năm nay.

Hình thức thứ nhất là gọi điện mạo danh các cơ quan, tổ chức để uy hiếp, đe doạ người dùng về một vấn đề nghiêm trọng như đòi nợ, vi phạm giao thông, vi phạm hình sự. Kẻ lừa đảo sẽ đọc các thông tin cá nhân như họ tên, địa chỉ nhà, số CMND/CCCD… khiến cho nạn nhân dễ bị mắc lừa. Chúng liên tiếp đưa ra các yêu cầu như chuyển tiền, nộp phạt, thậm chí bắt nạn nhân cung cấp cả mã OTP để chiếm đoạt cả tài khoản ngân hàng.

Hình thức thứ hai cũng là gọi điện, nhưng giả mạo nhà mạng để hướng dẫn kích hoạt esim hoặc mở khoá sim, thực chất qua đó lừa để chiếm mã OTP và chiếm được sim nạn nhân. Khi có sim trong tay, kẻ xấu tiếp tục chiếm tài khoản ngân hàng và ăn trộm tiền của nạn nhân.

Hình thức thứ ba là dùng các thiết bị giả trạm phát sóng BTS, kích thước nhỏ để phát tán tin nhắn giả mạo brandname. Các đối tượng đem thiết bị lên ô tô hoặc xe máy để di chuyển đến những nơi đông người, sau đó phát tán tin nhắn tới các thuê bao lọt vào vùng phủ sóng của trạm BTS giả. Mỗi thiết bị như vậy có thể phát tán tới 70.000 tin nhắn/1 ngày. Nguy hiểm ở chỗ, tin nhắn giả brandname không khác gì tin nhắn thật, khiến cho điện thoại tự động xếp chung với các tin nhắn thật, người dùng rất khó phân biệt. Nạn nhân khi bị mắc lừa, làm theo các kịch bản được chuẩn bị sẵn, từ đó bị chiếm đoạt tiền

Hình thức thứ tư là kẻ xấu sẽ hack tài khoản email, tài khoản mạng xã hội của người dùng. Chúng sử dụng tài khoản hack được, nhập vai nạn nhân để chat với bạn bè, người thân của họ, sau đó vay tiền hoặc nhờ nạp thẻ điện thoại.

NCS khuyến cáo, để phòng tránh lừa đảo, người dùng cần nâng cao cảnh giác, áp dụng triệt để nguyên tắc: “không tin tưởng, luôn xác minh lại”. Mỗi khi nhận được 1 tin nhắn hay cuộc gọi thì không vội tin ngay. Nên xác minh lại trực tiếp với các thông tin liên lạc công khai của các tổ chức có liên quan.

Ngân hàng nằm trong nhóm bị tấn công nhiều nhất, lộ lọt dữ liệu ngày càng nghiêm trọng

Nghiên cứu của NCS cho thấy, trong năm qua đã có nhiều chiến dịch tấn công có chủ đích quy mô lớn nhắm vào các cơ sở trọng yếu tại Việt Nam (tấn công APT). Chịu ảnh hưởng lớn nhất là các tổ chức tài chính ngân hàng, giáo dục, năng lượng và viễn thông. Đây là những nơi lưu trữ nhiều dữ liệu quan trọng, gây ảnh hưởng rộng nếu bị tấn công.  

Qua phân tích, chuyên gia của NCS đã chỉ ra 03 hình thức tấn công APT phổ biến nhất trong năm 2022 bao gồm: tấn công qua khai thác lỗ hổng của các phần mềm ứng dụng; tấn công qua lỗ hổng của các nền tảng dịch vụ; tấn công qua lỗ hổng trong quy hoạch hạ tầng công nghệ thông tin của chủ quản.

Ông Vũ Ngọc Sơn, giám đốc kỹ thuật Công ty NCS cho biết: “Hầu hết các cuộc tấn công APT đều diễn ra trong một thời gian đủ dài. Từ bước tấn công thăm dò cho đến khi chạm đến mục tiêu cuối, hacker có thể mất đến hàng tháng. Rất tiếc do khâu giám sát an ninh chưa đủ tốt, thậm chí có nơi còn không có hệ thống ghi lại log hoạt động, dẫn tới quản trị hệ thống không phát hiện được khi bị xâm nhập, kiểm soát

Trong năm qua, mã độc mã hoá dữ liệu tống tiền (Ransomware) nhằm vào người sử dụng cá nhân đã giảm mạnh. Tuy nhiên đã có nhiều chiến dịch tấn công mã hoá dữ liệu quy mô lớn nhằm vào hệ thống các máy chủ dữ liệu, đặc biệt máy chủ kế toán của các cơ quan, doanh nghiệp.

Ngoài ra, việc hàng chục triệu dữ liệu người dùng Việt Nam bị rao bán công khai trong năm 2022 cho thấy, đã đến lúc cần nghiêm túc quan tâm và bảo vệ chặt chẽ thông tin cá nhân người dùng.  Tháng 07/2022, dữ liệu của 30 triệu hồ sơ người dùng được cho là thu thập từ các website về giáo dục, bao gồm thông tin giáo viên và học sinh ở Việt Nam bị rao bán với giá chỉ 3.500USD. Trước đó tháng 5/2022, một diễn đàn chuyên mua bán dữ liệu khác cũng rao bán thông tin CMND/CCCD của gần 10.000 người dân Việt Nam. Gần đây nhất, cuối tháng 11/2022 công an Quảng Bình vừa triệt phá đường dây tội phạm thu thập trái phép hơn 17 triệu thông tin dữ liệu cá nhân để bán nhằm thu lợi bất chính.

“Lộ lọt dữ liệu người dùng từ lâu đã không phải là vấn đề mới, nhưng việc rao bán công khai hàng triệu dữ liệu với giá rẻ cho thấy vấn nạn này đang thực sự rất nghiêm trọng. Hậu quả trước mắt của tình trạng lộ lọt dữ liệu là các đối tượng xấu sẽ lợi dụng để dựng lên kịch bản lừa đảo, đe doạ, khống chế, chiếm đoạt tiền người dùng. Xa hơn, nếu tiếp tục không được kiểm soát, có thể dẫn tới Việt Nam bị hạ mức độ tín nhiệm đối với quốc tế, ảnh hướng rất lớn đến nền kinh tế số đang trên đà phát triển”, ông Vũ Ngọc Sơn cảnh báo.

Để hạn chế tình trạng lộ lọt thông tin, theo các chuyên gia NCS cần có sự vào cuộc của cả xã hội. Các cơ quan quản lý cần tăng cường thanh kiểm tra, giám sát, xử phạt. Chủ quản của các hệ thống thông tin có lưu trữ dữ liệu người dùng cần đảm bảo hệ thống thông tin đạt từ cấp độ 3 trở lên theo hướng dẫn an toàn thông tin 5 cấp độ của Bộ TTTT. Với người dùng cá nhân, cần hạn chế tối đa việc cung cấp thông tin của mình cho các dịch vụ không thiết yếu, chỉ cung cấp trên những địa chỉ đảm bảo.

Cảnh báo mã độc tiền ảo năm 2023

Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, NCS cho rằng, nguy cơ tấn công với người dùng ngày càng nhiều, bao gồm cả cá nhân và doanh nghiệp. Các cuộc tấn công có chủ đích APT sẽ diễn ra nhiều hơn, đặc biệt các cuộc tấn công đánh cắp dữ liệu từ các kho dữ liệu được hình thành trong quá trình chuyển đổi số. Các hình thức lừa đảo qua mạng internet và mạng viễn thông sẽ có những biến tướng mới sau khi các cơ quan quản lý siết chặt các biên pháp bảo vệ người dùng.

Ngoài ra, khi “mùa đông tiền số” đến, các thợ đào chuyên nghiệp đã phải bán tháo máy đào, cũng là lúc các mã độc đào tiền ảo gia tăng mạnh. Năm 2023 sẽ tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng hơn nữa của loại mã độc đào tiền ảo này. Người dùng cũng sẽ tiếp tục bị tấn công bởi các loại mã độc mới, đặc biệt các mã độc tấn công qua lỗ hổng phần mềm sẽ gia tăng.

Tài khoản bốc hơi vì chiêu lừa “nhân viên ngân hàng”
Gần đây, khách hàng của nhiều nhà băng tá hỏa bởi tài khoản ngân hàng “bốc hơi” sau khi nhận được cuộc điện thoại yêu cầu cấp mã OTP...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư