Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 13 tháng 09 năm 2024,
Luật PPP: Dự án BT sẽ được quản chặt hơn
Nguyễn Lê - 19/03/2020 14:00
 
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến dự án BT theo hướng chặt chẽ hơn tại dự án Luật PPP.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến dự án BT theo hướng chặt chẽ hơn.

Theo chương trình dự kiến, trong phiên họp bắt đầu từ ngày 23/3 tới đây, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Sau thảo luận lần đầu ở kỳ họp Quốc hội cuối năm 2019, dự án luật được cho là rất khó này đã được tiếp thu thêm một bước, chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 giữa năm 2020.

Bổ sung nhiều quy định chặt chẽ hơn 

Về những vấn đề lớn của dự án luật, trong phân loại hợp đồng dự án PPP, đại biểu còn lo ngại về các quy định đối với hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) và đề nghị quy định chặt chẽ về phương thức quản lý, phương thức thanh toán và các quy định khác đối với dự án BT, bảo đảm xử lý được các vấn đề tiêu cực như đã phát sinh trong thời gian qua.

Giải trình ý kiến đại biểu, Chính phủ cho biết để phù hợp với bản chất PPP, Chính phủ dự kiến tiếp thu theo hướng gắn trách nhiệm bảo trì dài hạn, hỗ trợ đơn vị tổ chức, vận hành công trình đối với nhà đầu tư thực hiện hợp đồng BT. Đồng thời, dự kiến bổ sung tối đa các quy định chặt chẽ tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP và Nghị định số 69/2019/NĐ-CP vào dự thảo Luật. Bên cạnh đó, quy định rõ phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá, lựa chọn nhà đầu tư trong dự án BT đối với từng phương thức thanh toán.

Cũng về nội dung này, Thường trực Uỷ ban Kinh tế giải trình cụ thể hơn. Theo đó, dự thảo luật mới nhất quy định tại khoản 3 Điều 12 (Quy trình thực hiện dự án PPP) về việc lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán là một bước bắt buộc trong quy trình thực hiện dự án áp dụng loại hợp đồng BT, làm cơ sở để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư.

Dự thảo cũng bổ sung điểm e khoản 2 Điều 13 (Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP) về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án áp dụng loại hợp đồng BT có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo pháp luật về đầu tư công trở lên có sử dụng quỹ đất để thanh toán. Bổ sung tại  Điểm đ khoản 2 Điều 15 (Lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án PPP) về dự kiến phương thức thanh toán cho nhà đầu tư đối với dự án áp dụng loại hợp đồng BT trong nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Bổ sung tại khoản 6 Điều 20 (Nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi) về dự kiến sử dụng tài sản công, quyền khai thác, kinh doanh công trình, dịch vụ để thanh toán cho nhà đầu tư đối với dự án áp dụng loại hợp đồng BT.

 Điều 26 (Lập, thẩm định thiết kế và dự toán đối với dự án áp dụng loại hợp đồng BT) được bổ sunbg quy định về cơ quan có thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế và dự toán đối với dự án BT. Tại khoản 3 Điều 42 (Phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển) bổ sung quy định đối với dự án BT áp dụng sơ tuyển, hồ sơ mời sơ tuyển cần quy định tiêu chuẩn sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan để thực hiện dự án khác.

Dự thảo luật cũng đã bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 46 (Phân loại hợp đồng dự án PPP) về việc nhà đầu tư trong dự án áp dụng loại hợp đồng BT sau khi chuyển giao công trình cho cơ quan ký kết hợp đồng thì vẫn phải chịu trách nhiệm bảo trì dài hạn, hỗ trợ tổ chức, đơn vị vận hành công trình.

Lo thất thoát đất đai

Thường  trực Uỷ ban thẩm tra cũng nhấn mạnh, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung tại các luật liên quan nhằm minh bạch hơn nữa trong quản lý, bảo đảm xử lý được các vấn đề tiêu cực đối với việc triển khai thực hiện dự án áp dụng loại hợp đồng BT .

Báo cáo của Thường trực Uỷ ban Kinh tế phân tích, về đấu thầu dự án BT và đấu giá khu đất để thanh toán, hiện nay các dự án BT đa số là do nhà đầu tư tạm ứng kinh phí để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để tạo quỹ đất và phần lớn quỹ đất thanh toán đều chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, Luật Đất đai quy định “giá trị quyền sử dụng đất được xác định tại thời điểm giao đất”, nên có khả năng giá đất phải được xác định lại tại thời điểm ban hành quyết định giao đất, gây ảnh hưởng đến việc tính toán lợi nhuận đầu tư của nhà đầu tư, ảnh hưởng đến quá trình kêu gọi đầu tư.

Cơ quan thẩm tra nhấn mạnh việc cần rà soát quy định pháp luật về trình tự, thủ tục sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án theo phương thức BT. Uỷ ban cũng đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật PPP và sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu, Luật Đấu giá tài sản, quy định đấu thầu đồng thời dự án BT và đấu thầu (hoặc đấu giá) “quỹ đất, trụ sở làm việc” thanh toán dự án BT để lựa chọn đồng thời nhà đầu tư dự án BT và nhà đầu tư “dự án khác”; đơn vị trúng thầu là đơn vị có hiệu số giữa giá đấu giá tài sản, trừ đi giá bỏ thầu thực hiện dự án cao nhất…

Tuy nhiên, trong Thường trực Uỷ ban Kinh tế cũng còn có ý kiến đề nghị dừng việc triển khai mới các dự án áp dụng loại hợp đồng BT và không quy định trong Luật này, vì dự án BT không hoàn toàn đúng bản chất của dự án PPP, nếu không gắn trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc bảo trì dài hạn, hỗ trợ tổ chức, đơn vị vận hành công trình.

Bởi thực tiễn triển khai các dự án BT thời gian qua cũng bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc như xác định chưa chính xác giá trị công trình BT, giá trị quỹ đất gây thất thoát lớn, chưa bảo đảm công khai, minh bạch, cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án…. Trong bối cảnh chưa xem xét sửa đổi, bổ sung quy định tại Luật Đất đai và quy định tại một số luật liên quan một cách phù hợp thì có thể dẫn đến thất thoát lớn về nguồn lực đất đai tại các địa phương.

TP.HCM "cởi trói" cho nhiều dự án BT thuộc diện rà soát
UBND TP.HCM đã giao Tổ công tác rà soát các hợp đồng BT đã ký trên địa bàn và tiếp tục triển khai xây dựng nhiều dự án, trong đó có 2 dự án BT...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư