Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Luật sư: Có rất nhiều bẫy lừa trong thương mại quốc tế
TL - 18/03/2022 11:49
 
Liên quan đến vụ doanh nghiệp điều bị lừa đảo, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư T.P Hà Nội) cảnh báo các bẫy lừa trong thương mại quốc tế.
f
 Luật Sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư T.P Hà Nội)

Hiện các lô hàng điều của Việt Nam trong vụ lừa đảo kỷ lục đang tạm thời được cảnh sát nước Italia chặn lại, nhưng theo luật pháp quốc tế, bên cầm chứng từ gốc sẽ được nhận hàng. Để đòi lại hàng, doanh nghiệp cần phải làm những gì, thưa ông?  

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam Vinacas, “đây là vụ việc có dấu hiệu tổ chức tội phạm lừa đảo, nên vụ việc cần cơ quan tòa án và Interpol vào cuộc”. Hiện các bộ, ngành liên quan và Interpol Việt Nam bằng những biện pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả, hỗ trợ các doanh nghiệp xử lý thành công vụ việc với mục tiêu giữ lại các lô hàng đang nằm tại cảng và sẽ đến cảng; không giải phóng hàng cho người nhận ngay cả trong trường hợp họ trình vận đơn gốc.

Do đó, các doanh nghiệp vẫn rất cần sự đồng hành và trợ giúp của các cơ quan chức năng của Việt Nam, các hiệp hội. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng nên nhờ sự tư vấn và trợ giúp về mặt pháp lý của các luật sư Việt Nam và Italia trong quá trình giải quyết vụ việc, để có thể có những cách thức giải quyết vụ việc đúng đắn, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. 

Trong vụ việc này, ngân hàng và đơn vị vận chuyển có trách nhiệm gì không, thưa Luật sư ?

Trong vụ việc này, ngân hàng Việt Nam chỉ giữ vai trò là người thu hộ. Theo Quy tắc thống nhất về nhờ thu (URC) số 522 của Phòng Thương mại quốc tế (ICC), trong phương thức thanh toán nhờ thu này thì ngân hàng chỉ có vai trò là trung gian thu hộ và có trách nhiệm xác định các chứng từ mình nhận được là đúng với chỉ thị nhờ thu và thông báo cho bên nhận không chậm chễ; mà không có trách nhiệm trong việc xác nhận hàng hóa xuất khẩu, tính chính xác của bộ chứng từ giao hàng và không chịu trách nhiệm về việc thất lạc, cắt xén, mất mát chứng từ đang vận chuyển trên đường. Vì vậy, nếu Ngân hàng Việt Nam đã thực hiện đúng theo chỉ thị nhờ thu thì ngân hàng sẽ hoàn toàn được miễn trách nhiệm trong việc chứng từ gốc bị mất.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn có thể yêu cầu ngân hàng có những sự hỗ trợ nhất định trong quá trình giải quyết vụ việc (trong khuôn khổ luật định), để có thể bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình.  

Theo Luật sư, doanh nghiệp cần phải làm những gì để tránh các vụ việc tương tự xảy ra như trên?

Để tránh bị lừa, đảm bảo an toàn và tránh rủi ro trong giao dịch, các doanh nghiệp trước hết phải thẩm định thông tin nhà nhập khẩu. Cụ thể, khi giao dịch với khách hàng cần kiểm tra kỹ thông tin đối tác, chú trọng thực hiện việc xác minh, thẩm định đối tác, nhất là các đối tác mới giao dịch lần đầu, đề nghị cung cấp hồ sơ pháp lý công ty như: Giấy phép hoạt động, Passport của người đại diện theo pháp luật… Đồng thời, cần thường xuyên giữ mối liên hệ với cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước sở tại nhằm xác minh độ tin cậy của đối tác, nhất là các doanh nghiệp không có tiếp xúc trực tiếp hoặc tìm kiếm qua Internet.

Việc xác minh về tư cách pháp nhân, năng lực tài chính, trình độ chuyên môn, uy tín. Có thể xác minh thông qua Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp, ngân hàng, hiệp hội ngành hàng, sở giao dịch chứng khoán và các sàn giao dịch, công ty tư vấn thực hiện theo yêu cầu của khách hàng bằng những kỹ năng nghiệp vụ thông qua dữ liệu đã có và các kênh thông tin của họ…. 

Về thanh toán, cần thỏa thuận hình thức thanh toán an toàn. Hiện nay, trong giao thương quốc tế, có nhiều phương thức thanh toán như: phương thức thanh toán chuyển tiền, phương thức ghi sổ, phương thức nhờ thu kèm chứng từ (D/P), phương thức tín dụng chứng từ (L/C)… doanh nghiệp nên đề nghị đối tác sử dụng L/C không hủy ngang mở tại các ngân hàng uy tín quốc tế. Đối với thanh toán D/P, doanh nghiệp Việt Nam nên sử dụng mức cọc trên 50% và phải chọn ngân hàng uy tín

Vụ việc trên cho thấy không ít doanh nghiệp Việt Nam khi giao dịch kinh doanh với các đối tác nước ngoài còn bất cẩn, mất cảnh giác. Chính vì thế, ngoài những lưu ý trên, doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, kiến thức pháp luật về thương mại cho đội ngũ nhân lực của mình để phòng ngừa rủi ro không đáng có hiện nay.   

Ngoài chiêu thức “trộm chứng từ gốc” như trên, thì thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị lừa đảo khi hợp tác kinh doanh với đối tác nước ngoài do không nắm vững luật quốc tế, bị cài cắm các điều khoản bất lợi trong hợp đồng, dẫn tới hợp đồng vô hiệu. Từ kinh nghiệm xử lý tranh chấp, ông có lưu ý gì với doanh nghiệp xung quanh việc ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài?

Có rất nhiều bẫy lừa trong thương mại quốc tế mà doanh nghiệp cần lưu ý ngay ở khâu ký kết hợp đồng.

Thứ nhất, chủ thể ký kết một hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có thể là một cá nhân hoặc một pháp nhân. Tuy nhiên, tư cách chủ thể của các đối tượng này sẽ không tuân theo luật điều chỉnh hợp đồng, mà tuân theo luật của nước mà pháp nhân mang quốc tịch. Điều này dựa trên nguyên tắc chủ quyền quốc gia. Một chủ thể mang quốc tịch một quốc gia, trước hết phải tuân thủ pháp luật nước mình về tư cách chủ thể. Pháp luật một quốc gia khác không thể điều chỉnh tư cách chủ thể của cá nhân hoặc pháp nhân mang quốc tịch nước khác. Vì vậy, khi ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, cần thiết phải làm rõ tư cách chủ thể của cách bên. Nếu một bên không có tư cách chủ thể, có khả năng hợp đồng sẽ bị vô hiệu.

Thứ hai, xác định thẩm quyền ký kết hợp đồng. Một cá nhân có thể tự mình hoặc ủy quyền hợp pháp cho cá nhân khác giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Nhưng một pháp nhân không thể tự mình, mà phải thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân đó thực hiện hành vi ký kết. Một vấn đề quan trọng cần lưu ý để hợp đồng không bị vô hiệu là xác định cá nhân đó có thẩm quyền ký kết hợp đồng hay không. Khi giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, các bên nên tìm hiểu các quy định về thẩm quyền và ủy quyền của quốc gia đối tác hoặc yêu cầu bên kia cung cấp các giấy tờ để chứng minh hoặc cam kết mình có thẩm quyền ký kết hợp đồng.

Thứ ba, về hình thức hợp đồng, Việt Nam cũng đã tuyên bố bảo lưu Điều 11 của Công ước Viên 1980 nên nhất thiết các hợp đồng được ký kết phải được thực hiện dưới hình thức văn bản. Nếu có sai phạm về hình thức, Tòa án Việt Nam hoặc Trọng tài tại Việt Nam có thể tuyên hợp đồng vô hiệu.  

Thứ tư, về vấn đề chọn Luật áp dụng, các bên cần lưu ý điều khoản Incoterms. Thực tế cho thấy tranh chấp thường xảy ra khi các bên không xác định cụ thể Incoterms năm nào hoặc ghi sai tên cảng. Các trung tâm trọng tài thường chọn Incoterms năm gần nhất trong trường hợp các bên không ghi rõ. Bên cạnh đó, mỗi điều kiện Incoterms đi kèm cảng đến hay cảng đi khác nhau nên trong hợp đồng cần ghi chính xác.

Thứ năm, Vấn đề ngôn ngữ trong hợp đồng: Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thường được ký kết giữa các bên tới từ các quốc gia khác nhau với ngôn ngữ khác nhau. Mỗi ngôn ngữ có thể dẫn đến cách hiểu khác nhau hoặc hiểu sai, nên tốt nhất các bên có thể sử dụng chung một ngôn ngữ. Nếu không muốn sử dụng chung một ngôn ngữ, hai bên cần ghi nhận thêm điều khoản số lượng các bản hợp đồng và giá trị pháp lý. Ví dụ: “Hợp đồng được lập thành 02 bản: 01 bản Tiếng Việt và 01 bản Tiếng Anh. Hai bản này có giá trị pháp lý tương đương. Khi có tranh chấp thì sử dụng bản Tiếng Anh để giải quyết”.

Bên cạnh đó, các bên cũng cần phải thỏa thuận về phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại. Ngoài ra, thỏa thuận riêng về điều khoản trọng tài khi có tranh chấp xảy ra. .

Sự việc cho thấy, vai trò của các cơ quan chức năng của Việt Nam ở nước ngoài là rất quan trọng. Theo ông, các cơ quan này cần phải làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn trong thương mại quốc tế?

Cơ quan chức năng tại nước ngoài cần phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại tìm hiểu và cảnh báo, công bố danh sách một số doanh nghiệp có dấu hiệu lừa đảo, có hiện tượng làm ăn phi pháp để giúp doanh nghiệpViệt Nam cẩn trọng trong giao dịch với các công ty này. Đồng thời, phải thường xuyên cập nhật, thông tin về các dấu hiệu, thủ đoạn lừa đảo của các DN nước ngoài để DN Việt Nam biết và phòng tránh.

Khi các vụ kiện, điều tra xảy ra, cần hỗ trợ pháp lý đối với các DN trong nước, phối hợp với các quan quản lý về an ninh kinh tế tại các quốc gia nước ngoài để ngăn chặn các DN lừa đảo.

Ngoài ra, cần hoàn thiện các hệ thống quy định của pháp luật về hoạt động thương mại, tạo hành lang pháp lý an toàn, đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp.

Hỗ trợ doanh nghiệp trong vụ xuất khẩu hạt điều sang Italia
Liên quan đến vụ các container hạt điều xuất khẩu sang Italy có dấu hiệu bị lừa đảo, Bộ Công thương đã nhanh chóng hỗ trợ cho các doanh nghiệp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư