Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Luật sư đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho ông Trần Vĩnh Tuyến
Trọng Tín - 13/12/2021 17:32
 
Luật sư bào chữa ông Trần Vĩnh Tuyến đề nghị HĐXX miễn trách nhiệm hình sự cho thân chủ, vì cho rằng, ông Tuyến không hề vụ lợi, đặc biệt là hậu quả đã được ngăn chặn kịp thời.

Chiều 13/12, Tòa án Nhân dân TP.HCM tiếp tục phiên xét xử vụ vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí, tham ô tài sản xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI).

Trong phần luận tội trước đó, Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM cho rằng, ông Trần Vĩnh Tuyến với vai trò là Phó chủ tịch UBND thành phố, buộc phải biết dự án nhà ở 3,75 ha tại phường Phước Long B, quận 9 (nay thuộc TP.Thủ Đức) là thành phố giao cho SAGRI quản lý, trước khi chuyển nhượng phải thẩm định giá theo giá thị trường, thực hiện đấu giá

Tuy nhiên, bị cáo Tuyến vẫn ký quyết định chấp thuận khi SAGRI chưa đủ các điều kiện này. Đây là văn bản có tính quyết định để bị cáo Lê Tấn Hùng và các đồng phạm thực hiện hành vi sai phạm gây thiệt hại 672 tỷ đồng của Nhà nước.

Quá trình điều tra, ông Tuyến khai biết rõ sai phạm và chấp thuận cho SAGRI chuyển nhượng dự án do nể nang ông Lê Tấn Hùng. Ông Tuyến thừa nhận quá trình điều tra không bị ép cung, nhục hình.

Lời khai tại quá trình điều tra phù hợp với các tài liệu nên được chấp nhận. Do vậy, Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM đề nghị HĐXX tuyên phạt ông Tuyến 7 - 8 năm tù về tội về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Bị cáo Trần Vĩnh Tuyến
Bị cáo Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, đề nghị của Viện Kiểm sát vượt xa ngoài suy nghĩ vì mình không làm trái, lại chủ động khắc phục hành vi này, nên mong HĐXX xem xét hành vi của bị cáo đúng pháp luật.

Bước vào phần tranh luận, luật sư bào chữa đề nghị xem xét lại việc xác định hậu quả thiệt hại vụ án, vì việc quy buộc thiệt hại 672 tỷ đồng dựa vào kết luận của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự ở trung ương là không bảo đảm căn cứ pháp lý.

Cáo trạng xác định thiệt hại tại thời điểm cơ quan điều tra phát hiện, ngăn chặn và khởi tố vụ án. Theo đó, thiệt hại 672 tỷ đồng tính từ 864,62 tỷ đồng là giá trị quyền sử dụng đất đã có hạ tầng tại thời điểm khởi tố vụ án; 168,21 tỷ đồng là giá trị chuyển nhượng toàn bộ dự án; 20 tỷ đồng là lợi thế thương mại theo thỏa thuận; 4,2 tỷ đồng là tiền thuế GTGT. Trong khi đó, kết luận giám định theo giám định viên Bộ Tài chính kết luận thiệt hại do SAGRI ký hợp đồng chuyển nhượng nêu trên chưa có cơ sở kết luận thiệt hại.

Kết luận điều tra đề nghị truy tố (điều tra bổ sung) còn xác định hậu quả thiệt hại theo hai phạm vi. Một là, thiệt hại làm căn cứ xử lý hình sự được xác định là thời điểm thực hiện hành vi phạm tội đến khi tội phạm hoàn thành (thời điểm chuyển nhượng dự án). Hai là, thiệt hại để xem xét trách nhiệm về mặt dân sự được xác định là thời điểm tội phạm bị phát hiện, ngăn chặn.

Dẫn khoản 1 Điều 85 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và các nghị định liên quan điều chỉnh quy định về nguyên tắc định giá tài sản, luật sư cho rằng là phù hợp với giá thị trường của tài sản cần định giá hoặc tài sản tương tự với tài sản cần định giá tại thời điểm và nơi tài sản được yêu cầu định giá, chứ không có quy định nào bắt buộc việc định giá tài sản trong tố tụng hình sự phải dựa vào thời điểm khởi tố vụ án.

Nhằm ngăn chặn việc chuyển nhượng dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật, ngay từ trước khi khởi tố vụ án và khởi tố bị can Tuyến, thực hiện yêu cầu của cơ quan điều tra, Sở Tài Nguyên và Môi Trường đã chỉ đạo cập nhật trên hệ thống thông tin tại Văn phòng Đăng ký đất đai Thành phố là tạm dừng các giao dịch liên quan đến khu đất tại dự án, giữ nguyên tình trạng pháp lý.

Như vậy, cả về mặt pháp lý và trên thực tế, hợp đồng chuyển nhượng dự án bị coi là vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật. Giao dịch chuyển nhượng dự án đã được ngăn chặn, quyền sở hữu dự án cập nhật trên giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền trên đất và quyền sử dụng đất đã bị hạn chế, nên chưa phát sinh hậu quả thiệt hại và thực tế thiệt hại nếu có đã được ngăn chặn liên quan việc chuyển nhượng dự án này.

Nói cách khác, trong vụ án này, toàn bộ giao dịch chuyển nhượng giữa SAGRI và Phong Phú đã bị hủy bỏ, tài sản Nhà nước là giá trị quyền sử dụng đất và các tài sản khác gắn liền với đất đối với dự án của SAGRI đã không bị mất đi và Phong Phú không thể đương nhiên trở thành sở hữu giá trị quyền sử dụng đất của dự án.

Trong trường hợp này, SAGRI không bị thiệt hại do hợp đồng chuyển nhượng đã bị hủy bỏ trước thời điểm khởi tố vụ án, nên cáo trạng căn cứ vào kết luận của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự ở trung ương quy buộc trách nhiệm của các bị can, trong đó có ông Tuyến gây thiệt hại cho Nhà nước 672 tỷ là chưa bảo đảm căn cứ cả về mặt pháp lý và trên thực tế.

Bị cáo Trần Vĩnh Tuyến trao đổi với Luật sư bào chữa trước khi vào phiên tòa
Bị cáo Trần Vĩnh Tuyến trao đổi với luật sư bào chữa trước khi vào xét xử.

Luật sư bào chữa cho rằng, cá nhân ông Tuyến nguyên là một cán bộ lãnh đạo có nhiều đóng góp cho thành phố, gia đình có truyền thống cách mạng, không hề vụ lợi, đặc biệt là hậu quả đã được ngăn chặn kịp thời từ trước khi khởi tố vụ án. Do vậy, luật sư xin miễn trách nhiệm hình sự cho thân chủ.

Luật sư cũng đề nghị HĐXX cân nhắc và đánh giá một cách khách quan, thấu tình đạt lý về bản chất hành vi và nhận thức chủ quan, giới hạn phạm vi trách nhiệm của ông Tuyến để xem xét lại tội danh. Ngoài ra, một số nội dung và kết luận chưa thật sự phù hợp với thực tế khách quan và bản chất sự việc so với diễn biến kết quả điều tra vụ án nêu trong cáo trạng.

Theo luật sư, bị cáo Tuyến thẳng thắn thừa nhận trách nhiệm khi ký Quyết định 6077 và do có phần nể nang, ơn nghĩa như đã trình bày với cơ quan điều tra trước đó. Quá trình này cũng thể hiện trạng thái tâm lý và nhận thức theo áp lực của tiến trình điều tra, thời điểm ký Quyết định 6077 có căn cứ cho thấy ông Tuyến không thể hiểu biết đầy đủ về pháp luật, không thể biết sai mà vẫn ký.

“Khi làm việc với cơ quan điều tra, ông Tuyến đã có sự chuyển biến trong nhận thức, thừa nhận hành vi sai phạm của mình liên quan trách nhiệm được phân công khi ký quyết định này”, luật sư bào chữa nói và cho rằng, ông Tuyến khai nhận biết sai mà vẫn ký chính là nhờ sự phân tích của cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát TP.HCM vào thời điểm đã khởi tố vụ án và bị can, thông qua các buổi làm việc và hỏi cung, chứ không phải tại thời điểm ký Quyết định 6077.

Sau khi luật sư bào chữa, bị cáo Trần Vĩnh Tuyến đồng ý toàn bộ với nội dung bào chữa của luật sư. Đồng thời, bị cáo Tuyến cảm ơn HĐXX vì đã để cho bị cáo được trình bày trung thực lời khai tại phiên tòa.

Bị cáo Tuyến cho rằng, mình đã trình bày trung thực tại tòa, không chỉ bào chữa cho mình, mà còn bào chữa cho các bị cáo khác. “Với đề nghị của Viện Kiểm sát, nó vượt xa ngoài suy nghĩ của tôi, vì tôi không làm trái, lại chủ động khắc phục hành vi này, nên mong HĐXX xem xét hành vi của bị cáo đúng pháp luật”, bị cáo Trần Vĩnh Tuyến trình bày.

Bị cáo Lê Tấn Hùng bật khóc xin tòa xem xét lại hành vi phạm tội của mình
Cho rằng, bản thân luôn cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ, bị cáo Lê Tấn Hùng, cựu Tổng giám đốc SAGRI bật khóc xin tòa xem xét lại hành vi phạm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư