Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
"Lục địa già" đón dòng vốn kỷ lục 60 tỷ USD chảy vào công nghệ
Lê Quân - 19/06/2021 14:11
 
Vốn chảy vào lĩnh vực công nghệ của châu Âu trong nửa đầu năm 2021 đã phá vỡ kỷ lục của năm trước khi vượt mốc 60 tỷ USD.
Công ty công nghệ tài chính (fintech) Klarna của Thụy Điển đã huy động được hơn 1,6 tỷ USD trong 2 vòng gọi vốn từ đầu năm đến nay. Ảnh: Reuters
Công ty công nghệ tài chính (fintech) Klarna của Thụy Điển đã huy động được hơn 1,6 tỷ USD sau hai vòng gọi vốn từ đầu năm đến nay. Ảnh: Reuters

Các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ ở châu Âu đã huy động được dòng vốn "khổng lồ" 43,8 tỷ EUR (tương đương 60,9 tỷ USD) trong nửa đầu năm 2021, theo số liệu tổng hợp từ Dealroom. Con số này dễ dàng vượt qua dòng vốn kỷ lục 38,5 tỷ EUR vào lĩnh vực này trong năm 2020.

Điều đáng chú ý là số lượng các thỏa thuận đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực công nghệ châu Âu trong 6 tháng đầu năm nay chỉ bằng một nửa số thỏa thuận ký kết trong năm trước. Cụ thể, số vòng tài trợ đã được huy động vốn của các startup trong nửa đầu năm nay chỉ khoảng 2.700, bằng một nửa so với con số 5.200 trong năm 2020, theo ghi nhận của Dealroom.

Công ty công nghệ tài chính (fintech) Klarna của Thụy Điển đã huy động được hơn 1,6 tỷ USD sau hai vòng gọi vốn từ đầu năm đến nay, trong khi ứng dụng giao dịch chứng khoán Trade Republic (Đức) đã gom được 900 triệu USD trong đợt gọi vốn hồi tháng 5, còn nhà cung cấp dịch vụ thanh toán Checkout.com (Anh) đã gọi vốn thành công 450 triệu USD vào tháng 1.

Diễn biến các vòng gọi vốn từ đầu năm đến nay cho thấy các công ty công nghệ châu Âu đã huy động được số tiền trên mỗi khoản đầu tư lớn hơn nhiều so với những năm trước, bất luận những bất ổn do đại dịch Covid-19 gây ra.

Ông Guillaume Pousaz, Giám đốc điều hành Checkout.com cho biết các công ty khởi nghiệp thường được thành lập trong thời kỳ khủng hoảng, bằng chứng là sự xuất hiện của những công ty fintech mới sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

"Khi mọi người mất việc làm, người ta thực sự dành nhiều thời gian ở nhà hoặc phải xem xét lại cuộc sống của mình", ông Guillaume Pousaz cho biết. "Khi có một sự thay đổi lớn trong xã hội, thường là lúc bạn nhận thấy sự xuất hiện của rất nhiều công ty khởi nghiệp. Chúng tôi đặc biệt vui mừng vì điều này", Giám đốc điều hành Checkout.com nói thêm.

Đầu tuần này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông hy vọng sẽ có ít nhất 10 công ty công nghệ ở châu Âu trị giá hơn 100 tỷ EUR được thành lập vào năm 2030. Châu Âu hiện là quê hương của nhiều startup kỳ lân trị giá hơn 1 tỷ USD, nhưng vẫn chưa có những công ty công nghệ "khổng lồ" như Mỹ và Trung Quốc.

Sáng kiến Scale-Up Europe (Mở rộng quy mô châu Âu) của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra 21 khuyến nghị nhằm giúp châu Âu xây dựng "thế hệ tiếp theo của những gã khổng lồ công nghệ". Các khuyến nghị này liên quan đến mức tín dụng thuế cho những doanh nghiệp đầu tư vào các startup và những thay đổi quy định phù hợp với những đổi mới sáng tạo.

Ông Sebastian Siemiatkowski, Giám đốc điều hành Klarna đánh giá Vương quốc Anh đang đi đầu châu Âu về chính sách công nghệ, còn đối với Liên minh châu Âu (EU), cần phải giải quyết một số vấn đề trước khi có thể tạo ra những "gã khổng lồ" công nghệ của riêng mình.

"Tôi lo ngại về việc môi trường pháp lý ở Liên minh châu Âu đã phát triển như thế nào", Giám đốc điều hành Klarna nhận định, trong khi ông đánh giá cao việc Anh tập trung vào các quy tắc hỗ trợ người tiêu dùng chuyển từ dịch vụ công nghệ này sang dịch vụ công nghệ khác dễ dàng hơn.

Ông Sebastian Siemiatkowski cho rằng quy định của EU đối với cookie như một ví dụ về "quy định tồi" dựa trên vô số thông báo đồng ý mà người dùng nhận được khi họ truy cập các website khác nhau. "Điều đó khiến chúng ta trở nên tự mãn hơn và ít lo lắng hơn về quyền riêng tư, thay vì phản đối", ông Siemiatkowski nói.

Giám đốc điều hành Klarna hy vọng: "Liên minh châu Âu sẽ cải tiến và bắt đầu đề ra các quy định thực sự có lợi cho sự tự do và di chuyển của người tiêu dùng nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh trong các lĩnh vực như ngân hàng, bán lẻ và công nghệ nói chung".

Tuy nhiên, khi các startup kỳ lân trị giá 1 tỷ USD ở châu Âu tiếp tục tăng lên về số lượng, thì số lượng các công ty châu Âu được mua lại cũng tăng lên. Nửa đầu năm 2021 đã chứng kiến một số thương vụ mua lại đáng chú ý, bao gồm việc Etsy chi 1,6 tỷ USD mua lại ứng dụng bán hàng thời trang Depop của Vương quốc Anh và JPMorgan thâu tóm Công ty quản lý đầu tư trực tuyến Nutmeg (London).

Nửa đầu năm 2021 cũng ghi nhận những thương vụ niêm yết đáng chú ý ở châu Âu, đặc biệt tại London, đơn cử như ứng dụng giao đồ ăn Deliveroo, Công ty an ninh mạng Darktrace và website đánh giá Trustpilot. Công ty cung cấp dịch vụ chuyển tiền Wise, trước đây được gọi là TransferWise, cũng đã sớm có kế hoạch chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Vương quốc Anh.

Ông Siemiatkowski cho biết còn quá sớm để nói khi nào Klarna - công ty được định giá 45,6 tỷ USD trong lần gần nhất - sẽ tiến hành IPO, nhưng điều này có thể xảy ra trong 1 hoặc 2 năm tới. Còn Giám đốc điều hành Checkout.com cho biết kế hoạch IPO khó có thể xảy ra trong tương lai gần, nhưng "tất nhiên một ngày nào đó chúng tôi sẽ trở thành công ty đại chúng".

Có 13 start-up được chọn tham gia SK Startup Fellowship 2021
Trong gần 200 start-up đăng ký tham dự SK Startup Fellowship 2021 do Tập đoàn SK Group (Hàn Quốc) tổ chức, chỉ có 13 start-up được chọn và đều được...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư