Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 11 tháng 12 năm 2024,
Lùi thời gian nộp đề xuất Dự án PPP đường sắt Việt Lào trị giá 27.485 tỷ đồng
Anh Minh - 06/11/2024 07:10
 
Liên danh nhà đầu tư đề xuất lùi thời gian trình hồ sơ thẩm định, phê duyệt hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án tuyến đường sắt Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ theo phương thức PPP.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Liên danh Công ty Thương mại Dầu khí Lào - Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả vừa đề nghị Bộ GTVT chấp thuận điều chỉnh thời gian đệ trình hồ sơ thẩm định, phê duyệt hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án PPP đường sắt Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ.

Theo đó, Liên danh Công ty Thương mại Dầu khí Lào - Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả sẽ trình hồ sơ báo cáo đầu kỳ vào ngày 26/11/2024; trình hồ sơ báo cáo cuối kỳ vào sau đó 1 tháng và hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trên cơ sở vốn ngân sách Nhà nước được dự kiến bố trí (nếu có) vào giữa tháng 1/2025.

Vào tháng 10/2023, Bộ GTVT chấp thuận Liên danh Công ty Thương mại Dầu khí Lào - Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả là nhà đầu tư đề xuất dự án thực hiện lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tuyến đường sắt này theo phương thức PPP.

Liên danh phải nộp hồ sơ đề xuất dự án tại trụ sở Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) trước ngày 10/10/2024. Trường hợp quá thời hạn nêu trên, nhà đầu tư đề xuất không trình nộp hồ sơ theo quy định, được hiểu nhà đầu tư đề xuất không còn quan tâm nghiên cứu dự án.

Được biết, hiện đơn vị tư vấn đã cơ bản thực hiện xong công tác khảo sát hiện trường, đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

Tuy nhiên trong thời gian vừa qua Công ty Thương mại Dầu khí Lào đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của kinh tế vĩ mô và sự tái cấu trúc của công ty mẹ do đó chưa có sự phối hợp tốt để Liên danh Nhà đầu tư đề xuất dự án hoàn thành nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, công tác dự báo nhu cầu vận tải (hàng/khách) cho dự án phụ thuộc vào kết quả dự báo của Dự án đường sắt Vientiane - Thakhek - Mụ Giạ, hiện nay dự án này vẫn chưa có kết quả cụ thể.

Đối với nội dung kỹ thuật công nghệ, liên danh nhà đầu tư cần có nhiều thời gian để lựa chọn và đánh giá cũng như tham khảo các công nghệ kỹ thuật đường sắt khác nhau từ Trung Quốc, Châu Âu, Nhật Bản...

Ngoài ra, cần có thêm thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng các điểm đặt ga, công tác đấu nối trong nước, quốc tế để phù hợp với các quy hoạch liên quan, cũng như nghiên cứu các phương án đầu tư phù hợp đảm bảo lợi ích hài hoà giữa các bên tham gia thực hiện Dự án.

Dự án đường sắt Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ thuộc tuyến đường sắt Vientiane - Vũng Áng, nằm trong quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được phê duyệt theo Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, lộ trình đầu tư trước năm 2030.

Đây là dự án quan trọng, nằm trong tổng thể Dự án đường sắt Việt - Lào, là một trong những ưu tiên của Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào, được thể hiện trong quá trình triển khai các thoả thuận cấp cao giữa hai Đảng, hai Nhà nước về phát triển kinh tế, phát triển hạ tầng.

Vào tháng 3/2022, FLC và Công ty Thương mại Dầu khí Lào cũng đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển dự án tuyến đường sắt Vientiane - Vũng Áng kết nối Lào - Việt Nam.

Tuyến đường sắt Vientiane - Vũng Áng có tổng chiều dài 554,7 km, trải dài trên địa bàn 2 nước Lào và Việt Nam. Dự án có quy mô đường đôi, khổ ray 1.435 mm, vận tốc 150 km/h, tổng mức đầu tư khoảng 149.550 tỷ đồng, thực hiện theo phương thức PPP.

Trong đó, đoạn Mụ Giạ - Tân Ấp - Vũng Áng cũng được đề xuất đầu tư theo phương thức PPP với tổng chiều dài khoảng 103 km, gồm 8 nhà ga (1 ga chính, 7 ga trung gian) với tổng mức đầu tư khoảng 27.485 tỷ đồng.

Tuyến đường sắt này sẽ kết nối Vientiane tới cảng Vũng Áng, kết nối với tuyến đường sắt Lào - Trung Quốc, kỳ vọng sẽ tạo ra tuyến vận tải hàng hóa mở rộng đến Bắc Lào và Nam Trung Quốc.

Điểm cuối của tuyến đường sắt này là cảng Vũng Áng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động kinh tế của 2 nước thông qua trao đổi thương mại và vận tải hàng hải, hướng tới các thị trường Đông Bắc Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư