Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Lùi thời hạn thông qua Nghị quyết xử lý nợ đọng thuế
Mạnh Bôn - 13/03/2019 22:25
 
Tính đến 31/12/2017, tổng số tiền thuế nợ thuế là 78.466 tỷ đồng, tương đương 7,6% tổng thu ngân sách nhà nước

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa nhất trí lùi thời hạn trình Quốc hội thông qua Nghị quyết xử lý nợ đọng thuế sang Kỳ họp thứ 8 thay vì Kỳ họp thứ 7 như dự kiến ban đầu.

Xóa nợ thuế cần thêm thời gian nghiên cứu

Dự án đầu tư công có vốn 10.000 tỷ đồng trở lên đã được xếp vào công trình trọng điểm quốc gia và theo quy định Luật Đầu tư công thì phải trình Quốc hội cho ý kiến và ra quyết định chủ trương đầu tư. Tổng số tiền nợ thuế không còn khả năng thu hồi do người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh lên tới  31.469 tỷ đồng là số tiền vô cùng lớn nên cần phải nghiên cứu hết sức kỹ trước khi trình Quốc hội cho ý kiến”, Phó chủ tịch Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Theo ông Hiển, phải cân nhắc hết sức kỹ đối tượng nào được xem xét xóa nợ, xóa ở mức độ nào và trách nhiệm của người nợ thế ra sao, trách nhiệm của người thu thuế thế nào, trách nhiệm của chính quyền địa phương đến đâu, xóa số nợ này tác động thế nào, liệu xóa nợ có thể dẫn tới lợi dụng chính sách thuế không… Chính vì vậy cần phải có thời gian nghiên cứu tiếp nên phải dời việc trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về xử lý nợ đọng thuế sang Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2019 thay vì Kỳ họp thứ 7 tới đây.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu, Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 đã quy định rất cụ thể về trường hợp được xoá tiền thuế nợ, tiền chậm nộp, tiền phạt; hồ sơ xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; thẩm quyền xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; và trách nhiệm trong việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt rồi vì thề cần phải lùi thời hạn ban hành nghị quyết xử lý nợ thuế nếu không dẫn tời trùng lặp về chính sách.

“Tất cả các chính sách thuế phải được luật hóa và thực hiện lâu dài, theo đó toàn bộ các quy định liên quan đến xử lý nợ đọng thuế phải được đưa vào Luật Quản lý thuế được sửa đổi lần này. Chỉ những vấn đề tồn tại mà Luật Quản lý thuế không xử lý được mới phải ban hành nghị quyết và nghị quyết cũng chỉ có hiệu lực trong thời gian nhất định, xử lý hết tồn tại thì nghị quyết không còn hiệu lực nữa chứ không có tính chất lâu dài như luật”, ông Giàu nhấn mạnh.

Luật chưa bao quát hết các trường hợp xóa nợ

Theo số liệu của Bộ Tài chính, số thu hồi nợ đọng thuế tăng dần qua các năm, năm sau luôn cao hơn năm trước, bình quân từ 2011-2017 thu đạt 81% số nợ có khả năng thu hồi, tốc độ tăng bình quân 16,3%/năm.

“Tỷ trọng tổng nợ trên tổng thu nội địa đã giảm mạnh từ 12,2% năm 2014, đến năm 2017 giảm xuống ở mức 7,6% và tính đến cuối năm 2018 giảm xuống chỉ còn 7%. Tuy nhiên tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao, tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày 31/12/2017 là 78.466 tỷ đồng. Trong đó, nợ do cơ quan thuế quản lý là 73.145 tỷ đồng và nợ do cơ quan hải quan quản lý là 5.320 tỷ đồng”, Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng cho biết.

Số tiền nợ đọng thu hồi tăng nhưng tổng số tiền nợ thuế vẫn tăng, theo ông Dũng là do có nhiều người nộp thuế được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất khả năng hành vi dân sự; hơn 4.800 doanh nghiệp tự giải thể nhưng không thực hiện thủ tục giải thể; hơn 620.000 người nộp thuế (cả doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân) không còn hoạt động kinh doanh, bỏ địa chỉ kinh doanh; nhiều người nộp thuế trong quá trình sản xuất, kinh doanh bị thiên tai, hoả hoạn, bệnh dịch, tai nạn bất ngờ hoặc trường hợp bất khả kháng khác dẫn đến gặp khó khăn về tài chính.

“Luật Quản lý thuế được xây dựng cách đây 10 năm, đã qua nhiều lần bổ sung, sửa đổi, tuy nhiên các trường hợp xử lý xóa nợ đọng thuế chưa bao quát hết tình hình thực tiễn do nhiều nguyên nhân bất khả kháng cũng như chưa phản ánh thực tiễn công tác quản lý thuế vì vậy Quốc hội cần phải ban hành nghị quyết để  xử lý tiền nợ thuế, tiền chậm nộp hoặc tiền phạt chậm nộp nhằm tháo gỡ khó khăn về tài chính cho những doanh nghiệp có phát sinh nợ thuế do gặp nguyên nhân bất khả kháng. Nghị quyết này còn nhằm xử lý nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp tồn tại lâu năm không còn khả năng thu ngân sách do người nộp thuế thực tế đã phá sản nhưng không thực hiện các thủ tục phá sản theo quy định pháp luật, người nộp thuế đã chấm dứt kinh doanh”, ông Dũng phát biểu.

Không xóa nợ với người nộp thuế vi phạm pháp luật

Ông Phùng Quốc Hiển đồng tình với việc phải ra một nghị quyết xóa nợ thuế phát sinh trước ngày 1/1/2019 mà Luật Quản lý thuế sửa đổi chưa bao quát hết đối tượng này, nhưng cần phải nghiên cứu lại đối tượng cần phải xóa nợ thuế trên nguyên tắc chỉ xóa nợ với đối tượng chấp hành nghiêm túc chính sách thuế không may gặp khó khăn bất khả kháng chứ không xem xét xóa nợ thuế với đối tượng chây ỳ, cố tình vi phạm chính sách thuế cũng như các quy định pháp luật về đầu tư, kinh doanh.

“Chúng ta tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động kinh doanh, thủ tục thành lập doanh nghiệp rất đơn giản, thời gian thành lập được rút xuống tối thiểu nhưng khi thành lập rồi mà có hơn 620.000 người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh không thèm thông báo với cơ quan thuế, chưa kể hơn 14.800 doanh nghiệp tự giải thể cũng không thèm làm thủ tục giải thể theo quy định. Những đối tượng này vi phạm pháp luật còn nợ thuế thì có xem xét xóa nợ hay không cần phải cân nhắc thật kỹ”, ông Hiển lưu ý.

Theo quan điểm của ông Hiển, những trường hợp tự giải thể, tự bỏ địa điểm kinh doanh trên thực tế ông chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh (người chịu trách nhiệm trước pháp luật) vẫn còn, tài sản của họ vẫn còn thì việc xóa nợ thuế phải xem lại.

Ông Hiển cho rằng, những đối tượng kể trên đã cố tình vi phạm pháp luật, nếu xóa nợ sẽ dẫn đến chính sách bị lợi dụng. “Cần phải xóa nợ thuế nhưng dứt khoát không nương tay với đối tượng vi phạm pháp luật”, ông Hiển nhấn mạnh.

Năm 2019, trọng tâm vẫn là thu hồi nợ thuế
Năm 2018, toàn ngành thuế thu được 32.055 tỷ đồng tiền nợ đọng thuế, thì riêng Hà Nội thu được 12.100 tỷ đồng. “Năm 2019, chúng tôi tiếp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư