Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Lùm xùm tại Công ty cổ phần Địa ốc Đà Lạt: Dai dẳng cuộc chiến quyền lực
Ngọc Tuấn - 17/01/2018 16:13
 
Mâu thuẫn có tính chất mấu chốt đã được toà án phán quyết, song “cuộc đấu” giành quyền kiểm soát giữa các nhóm cổ đông lớn vẫn khiến Công ty cổ phần Địa ốc Đà Lạt chưa thể tìm ra lối thoát.

Tòa bác yêu cầu của “con nợ”

Toàn án Nhân dân quận 1, TP.HCM đã bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Trịnh Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Địa ốc Đà Lạt (Địa ốc Đà Lạt) nhiệm kỳ 2015 - 2016.

Tại Bản án số 2324/2017/DS - ST ngày 19/12/2017, Toàn án Nhân dân quận 1 nêu rõ: “Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Trịnh Ngọc Thanh về việc yêu cầu Tòa án hủy Thoả thuận ba bên số 001/2015/TTBB ngày 29/9/2015; hủy Giấy đề nghị xác nhận và phong toả chứng khoán ngày 29/9/2015; hủy Giấy ủy quyền bán chứng khoán ngày 29/9/2015; hủy Giấy cam kết của ông Trịnh Ngọc Thanh ngày 29/9/2015; hủy giao dịch chuyển nhượng chứng khoán cho ông Phan Tấn Dũng, ông Lê Ngọc Khánh Việt và hoàn trả lại tài sản cho ông Trịnh Ngọc Thanh là 1.323.036 cổ phiếu DLR”.  

Địa ốc Đà Lạt tiếp tục chìm trong khủng hoảng khi cuộc chiến quyền lực chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Địa ốc Đà Lạt tiếp tục chìm trong khủng hoảng khi cuộc chiến quyền lực chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Trước đó, mâu thuẫn nổ ra khi ông Thanh (người vay nợ) mất khả năng trả nợ khoản vay cầm cố chứng khoán dù đã quá thời điểm đáo hạn gần 1 năm và bị ông Nguyễn Minh Trí (chủ nợ) và Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Gia bán số lượng 1.323.036 cổ phiếu DLR do ông Thanh cầm cố để thu hồi công nợ. Do không đồng tình việc bán cổ phiếu cấn trừ nợ này, ông Thanh gửi đơn kiện tới Tòa án Nhân dân quận 1.

Cần thông tin thêm rằng, nội dung Thoả thuận số 001/2015/TTBB là ông Thanh ký kết vay 7 tỷ đồng của ông Trí để mua cổ phiếu DLR trong thời hạn 3 tháng (lãi suất 21%/năm). Nhằm đảm bảo khoản vay, ông Thanh thế chấp 900.000 cổ phiếu DLR (tương đương 20% vốn điều lệ Địa ốc Đà Lạt) do mình nắm giữ trong tài khoản lưu ký chứng khoán tại Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Gia. Cùng với ký thỏa thuận, ông Thanh lập Giấy cam kết và Ủy quyền bán, chuyển nhượng, xử lý tài sản thế chấp cho bên nhận ủy quyền là ông Trí và Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Gia. Sau khi mua thêm, ông Thanh sở hữu tổng số lượng 1.323.036 cổ phiếu (tương ứng 29,4% vốn điều lệ) và nắm giữ chức Chủ tịch HĐQT, người đại diện pháp luật của Địa ốc Đà Lạt.

Bên cạnh việc không chấp nhận yêu cầu của ông Thanh, cơ quan xét xử cũng chấp nhận yêu cầu phản tố của ông Trí buộc ông Thanh trả cho ông Trí số tiền nợ gốc 7 tỷ đồng và tiền lãi hơn 1,2 tỷ đồng ngay khi bản án có hiệu lực. 

Ngày 26/12/2017, Chi cục Thi hành án dân sự quận 1 (TP.HCM) ra Quyết định 60/QĐ - CCTHADS đình chỉ việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp với 2 cổ đông lớn là ông Phan Tấn Dũng và Lê Ngọc Khánh Việt. Cụ thể, Chi cục này chấm dứt việc tạm dừng đăng ký, chuyển nhượng sở hữu, sử dụng thay đổi hiện trạng tài sản là 650.000 cổ phiếu DLR đứng tên ông Dũng và 673.36 cổ phiếu đứng tên ông Việt. 

Muôn trùng khó

Động thái tòa án hoàn thành xét xử vụ kiện tranh chấp cho vay, cầm cố lượng lớn cổ phiếu DLR giữa ông Thanh và các cá nhân liên quan giúp Địa ốc Đà Lạt gỡ một trong những nút thắt quan trọng.

Ông Nguyễn Quang Trung, thành viên HĐQT đánh giá, đây là thắng lợi của nhóm cổ đông sở hữu cổ phần chi phối, nhưng chưa nắm được quyền điều hành Địa ốc Đà Lạt.

“Chuyện tranh chấp cổ phiếu là cái cớ để HĐQT và Ban Điều hành Địa ốc Đà Lạt nhiệm kỳ 2015 - 2016 nhiều lần lần lữa, phớt lờ tổ chức Đại hội cổ đông bất thường lẫn thường niên năm 2017. Đây cũng là một trong các lý do khiến Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng chưa chấp thuận hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp”, ông Trung nói. Theo ông, sau khi nhóm cổ đông lớn tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2017 (ngày 16/9/2017), Ban Lãnh đạo mới được bầu của Địa ốc Đà Lạt tiến hành nộp hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng, với đề nghị ông Nguyễn Hồ Hưng làm Chủ tịch HĐQT thay ông Trịnh Ngọc Thanh.

Ông Trung cho biết, Ban lãnh đạo mới đang tiếp tục hoàn thiện nộp hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng để giành lại quyền điều hành, kiểm soát doanh nghiệp để sớm định hình lại hoạt động của Địa ốc Đà Lạt. Tuy nhiên, ông Trung dự báo tình hình sẽ còn rất “căng” và sẽ gặp muôn trùng khó khăn.

Ngoài lý do tranh chấp giao dịch cho vay, cầm cố cổ phiểu của ông Thanh, lý do khác khiến Sở Kế hoạch và Đầu tư giữ quan điểm là căn cứ  thực hiện điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là Nghị quyết số 01/2017/NQ - ĐHĐCĐ không có hiệu lực pháp luật. Cơ quan này chưa xem xét hồ sơ vì ông Thanh gửi các văn bản khẳng định Nghị quyết trên không có hiệu lực pháp luật vì Đại hội đồng cổ đông bất thường không hợp pháp. Tuy nhiên, cả phía cơ quan công quyền tỉnh Lâm Đồng và ông Thanh không chứng minh, lý giải được thế nào là không hợp pháp.

Ở phía ngược lại, ông Trung khẳng định, Đại hội cổ đông bất thường năm 2017 và hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do nhóm cổ đông lập đúng theo quy định của pháp luật. Việc Sở Kế hoạch và Đầu tư không chấp thuận việc thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh là không có cơ sở và vô cảm. Theo ông Trung, cơ quan phụ trách đăng ký kinh doanh tỉnh Lâm Đồng đã bỏ qua những hướng dẫn cụ thể từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ kế hoạch và Đầu tư) khi xử lý vụ việc.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, Địa ốc Đà Lạt  đang bị bủa vây bởi các khoản nợ xấu, nợ thuế, nợ lương, nợ bảo hiểm, nợ nhà cung cấp… và đều không có phương án xử lý. Năm 2016, Địa ốc Đà Lạt ngậm ngùi với khoản lỗ 8 tỷ đồng và tình hình năm 2017 còn thê thảm hơn nhiều. Lướt qua các con số được công bố cho tới quý III/2017 cho thấy, tình cảnh bi đát như doanh thu khoảng hơn 10 tỷ đồng/quý, lợi nhuận sau thuế luôn ở mức âm, tổng tài sản sụt giảm trong khi nợ ngắn hạn cũng như tổng nợ tăng. Trong bối cảnh thị trường bất động sản năm 2017 tăng trưởng và nhiều doanh nghiệp kiếm bộn tiền, thì các chỉ số kinh doanh của Địa ốc Đà Lạt làm cho các cổ đông mất hết niềm tin, giá cổ phiếu rớt thê thảm. Mới đây, cồ phiếu DLR bị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đưa vào diện bị cảnh báo, kiểm soát và nhắc nhở trên toàn thị trường.

Ban Điều hành Địa ốc Đà Lạt nhiệm kỳ 2016 - 2017 đã 3 lần ra thông báo huy động vốn thanh toán nợ vay ngân hàng và nguồn vốn thực hiện giai đoạn I, Dự án khu dân cư Đồi An Tôn (TP. Đà Lạt). Lượng vốn dự kiến huy động khoảng 35,5 tỷ đồng, thời hạn 3 tháng, lãi suất 9%/năm. Đặc biệt, Địa ốc Đà Lạt lấy quyền sở hữu nhà và đất hiện đang thế chấp tại ngân hàng làm tài sản đảm bảo khoản vay. Bước đi này làm dấy lên nhiều nghi ngại cho các cổ đông vì ẩn chứa nhiều bất cập và rủi ro.

Thứ nhất, việc huy động lượng vốn lớn so với vốn điều lệ của Địa ốc Đà Lạt nhưng lại chưa được Đại hội cổ đông quyết nghị.

Thứ hai là, lý do huy động để trả nợ, trong khi tổng nợ hơn 65 tỷ đồng, nhưng chỉ huy động 35 tỷ đồng. Hơn nữa, phương án mang toàn bộ quyền sở hữu nhà và đất “vàng” tại TP. Đà Lạt của Địa ốc Đà Lạt (đang được cầm cố ở ngân hàng) làm tài sản đảm bảo khiến doanh nghiệp này chịu rất nhiều rủi ro.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Quang Trung cho rằng, nhóm cổ đông nắm cổ phần chi phối đang rất lo ngại vì đây có thể là mưu đồ “luộc” tài sản của Ban Điều hành nhiệm kỳ 2016 - 2017 khi họ đang chiếm quyền kiểm soát bất hợp pháp.

Công ty cổ phần Địa ốc Đà Lạt: Doanh nghiệp… “xác sống” có... hai HĐQT, hai Ban điều hành
Kinh doanh thua lỗ, nợ quá hạn lút đầu, dự án đầu tư đình trệ, sa thải lao động vô tội vạ, con dấu bị chiếm giữ mang ra ngoài trụ sở, hiện...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư