Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Lý do Donald Trump 'nghèo' đi từ ngày làm tổng thống
 
Kêu gọi 'Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại' nhưng ông Trump liên tiếp rớt hạng trong nhóm thượng lưu vì đường lối gây chia rẽ.

Năm 2000, tỷ phú Trump từng phát biểu với Fortune: "Rất có khả năng tôi sẽ là ứng viên tổng thống đầu tiên điều hành và kiếm tiền từ công việc đó".

Thực tế, ông Trump đã nỗ lực đi theo chiến lược đó nhưng chưa hề giàu lên nhờ vai trò mới, mà ngược lại. Forbes ước tính tài sản của trùm bất động sản New York giảm từ 4,5 tỷ USD năm 2015 (thời điểm vừa tuyên bố tranh cử) xuống 3,1 tỷ USD năm nay, kéo ông tụt 138 bậc trong danh sách 400 người Mỹ giàu có nhất và hiện đứng thứ 259.

Thời điểm tụt nhanh nhất chính là năm Trump bắt đầu ngồi ghế văn phòng tại Nhà Trắng, 2017, bằng cú rớt từ vị trí 156 xuống 248.

Một năm qua, tài sản của Trump không có sự thay đổi, trong khi nhiều tỷ phú khác giàu lên và vượt mặt.

Forbes đưa ra ba lý do cho việc Trump giảm giàu: những báo cáo và điều tra chuyên sâu cho thống kê tài sản chính xác hơn, tiết lộ những chi tiết như tổng thống đã phóng đại kích thước căn penthouse của mình; thị trường mở rộng, xu hướng thương mại điện tử buộc hạ giá cho thuê bất động sản; và ảnh hưởng của chức danh tổng thống đến thương hiệu "Trump".

Donald Trump điều hành nước Mỹ từ tháng 1/2017. Ảnh: Telegraph.

Donald Trump điều hành nước Mỹ từ tháng 1/2017. Ảnh: Telegraph.

Hệ quả của những ồn ào tranh cử

Từ ngày bước chân vào Nhà Trắng, ông Trump có những động thái cho thấy muốn tận dụng cương vị lãnh đạo để đem lợi ích cho các dự án riêng, từ chuyện tổ chức gặp mặt cấp cao tại sân golf của mình đến kinh doanh nhượng quyền khách sạn nhắm tới khách hàng là người bỏ phiếu cho ông.

Tuy nhiên, nhìn lại năm 2016, trong chiến dịch tranh cử tạo nên bởi vô số ồn ào, ông Trump chọc giận quá nhiều người từ các thành viên cùng đảng, người Mexico, người Hồi giáo và đến cả Giáo hoàng. Bên trong resort của ông lúc ấy, mọi người bắt đầu bàn tán xem những lùm xùm đó sẽ ảnh hưởng tới việc kinh doanh sân golf thế nào.

Một trong số họ kể lại: "Bấy giờ người ta nói qua nói lại rất nhiều về loạt phát ngôn của Trump".

Một vài tên tuổi lớn như công ty tổ chức giải đua Nascar và hãng du lịch golf PGA Tour rút mối kinh doanh của họ tại địa điểm dưới tay Trump.

Doral, siêu resort 643 phòng tại Miami của tổng thống với doanh thu bằng 10 sân golf "Trump" khác gộp lại, thất thu khoảng 100.000 đêm đặt phòng kể từ khi vị chủ nhân thắng cử, theo thông tin người nội bộ cung cấp cho Forbes.

Tổng cộng, doanh thu các tổ hợp golf của tổng thống Mỹ giảm khoảng 9% năm 2017. Mọi chuyện tệ hơn với sự việc một người xả súng trong resort của ông hồi tháng 5, để công khai thể hiện chống Trump. Khách hàng giờ đây đến các cơ ngơi tương tự phải chịu quét an ninh và bị chó nghiệp vụ đánh hơi.

 
Trump Tower (New York) mất khách thuê 6.000 m2 khi Nike dời cửa hàng biểu tượng của họ. Ảnh: Bloomberg.

Trump Tower (New York) mất khách thuê 6.000 m2 khi Nike dời đi cửa hàng biểu tượng của họ. Ảnh: Bloomberg.

Khách hàng quay lưng, bất động sản mất giá

Hiện tại, ông Trump nắm trong tay khoảng 500 bất động sản các loại gồm căn hộ chung cư cao cấp, trung tâm thương mại và biệt thự.

Giá căn hộ trong tòa Trump Tower năm nào cũng đi xuống kể từ 2015, hiện còn bằng hai phần ba mức cao điểm của nó. Điều tương tự diễn ra với các cao ốc Trump khác gần đó trong khu Manhattan, New York: Trump Parc East rớt giá 23% và Trump Park Avenue mất 19%.

Trump Tower bị nhiều đơn vị thuê bỏ trống. Thiệt hại nhất phải kể đến là Nike, người thuê một địa điểm lớn nhất của Trump Organization, dời tổ hợp 5 tầng tại đây đến nơi khác tân tiến hơn. Đại diện Nike phủ nhận động cơ chính trị nhắm vào tổng thống, nhưng hai nhân viên của họ từng tiết lộ với báo giới rằng đường lối gây chia rẽ của Trump là một nhân tố đóng góp vào quyết định của Nike.

Con gái Ivanka Trump từ ngày về Nhà Trắng làm cố vấn cho cha cũng đóng cửa cơ ngơi kinh doanh thời trang riêng ở đó. Việc đóng cửa còn được cho do người mua tẩy chay cha con họ. Hiện trong tòa nhà hầu như chỉ còn lại Gucci, Starbucks và một chuỗi "The Donald" liền kề gồm Trump Bar, Trump Café, nhà hàng Trump Grill, Trump Store và quầy kem Trump. Đương nhiên, ông chủ của chúng không tự bỏ tiền thuê đất của chính mình.

Trump không còn là nhãn hiệu biểu tượng cho đẳng cấp

Tại Chicago, trị giá chung cư của Trump cũng xuống dốc, trái ngược xu hướng thị trường chung ở đó. "Người ta từng mua các căn hộ của Trump vì cái tên đồng nghĩa với đẳng cấp quý phái. Còn bây giờ, họ cảm thấy thương hiệu ấy đại diện cho sự chia rẽ, những gì đáng xấu hổ và đạo đức phải đặt dấu hỏi", nhà môi giới bất động sản có tên Cyndy Salgado lý giải.

Sự chuyển dịch trong thái độ trên ước tính đã xóa sổ 50 triệu USD giá trị nhà ở Donald Trump nắm tại Chicago và New York.

Ngoài ra, ba đối tác khách sạn tại Toronto, Panama và New York gần đây còn lần lượt gỡ tên "Trump" khỏi tòa nhà của họ, khiến đế chế kinh doanh khách sạn của Trump mất đi khoảng 30 triệu USD.

Năm 2015, các mô hình nhượng quyền Trump sở hữu được định giá 23 triệu USD. Hiện con số xuống vỏn vẹn 3 triệu USD. Jeff Lotman, nhà điều hành công ty nhượng quyền Global Icons, cho biết: "Ông ấy gây chia rẽ đến mức người ta e ngại làm ăn cùng. Trump đang làm xấu đi đáng kể bộ mặt thương hiệu".

Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng gấp đôi thuế nhập khẩu đối với nhôm và thép của Thổ Nhĩ Kỳ
Ngày 10/8, quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục leo thang khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định tăng gấp đôi mức thuế đối...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư