Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
M&A ngân hàng: Ai nhận "miếng bánh ngon"?
 
Kể từ khi Ngân hàng Nhà nước bắt tay vào thực hiện đề án tái cấu trúc ngành đến nay, để các thương vụ sáp nhập, hợp nhất thành công, trong hầu hết các phương án M&A giữa các nhà băng, cổ đông ngân hàng nhỏ luôn nhận được phần ưu ái hơn.
Cổ đông của không ít nhà băng nhỏ kỳ vọng được nhanh chóng M&A vào ngân hàng lớn
Cổ đông của không ít nhà băng nhỏ kỳ vọng được nhanh chóng M&A vào ngân hàng lớn

Thực tế thời gian qua cho thấy, đã có không ít thương vụ M&A ngân hàng hoàn tất nhanh chóng và đạt được sự đồng thuận cao giữa cổ đông của hai bên. Một trong những lý do dẫn đến thành công đó chính là tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu cũng như quyền lợi của ngân hàng bị sáp nhập được đảm bảo sau khi hoàn tất M&A.

Chẳng hạn, thương vụ sáp nhập DaiA Bank vào HDBank được hoàn tất cuối năm 2013, với tỷ lệ cổ phiếu chuyển đổi 1:1, cổ đông của DaiA Bank được đảm bảo hài hòa lợi ích, quyền lợi. Bởi DaiA Bank là ngân hàng nhỏ, vốn điều lệ chỉ 3.000 tỷ đồng và trong giai đoạn năm 2012-2013, Ngân hàng phải đối diện với việc thoái vốn của cổ đông lớn là Tập đoàn Tín Nghĩa và ACB. Không chỉ với cổ đông mà tất cả các cán bộ, nhân viên của DaiA Bank đều được giữ nguyên sau sáp nhập.

Trong làn sóng M&A, có không ít ngân hàng nhỏ phải đối mặt với việc sáp nhập, hợp nhất. Các phương án M&A đưa ra luôn nghiêng về quyền lợi của nhà băng bị sáp nhập, nhằm nhận được sự đồng thuận cao từ các cổ đông của ngân hàng nhỏ. Điểm qua một số thương vụ sáp nhập như: Mekongbank sáp nhập MaritimeBank, với tỷ lệ cổ phiếu chuyển đổi 1:1; MHB sáp nhập BIDV tỷ lệ chuyển đổi cũng là 1:1, dù quy mô của BIDV và Maritime Bank đều lớn hơn ngân hàng bị sáp nhập rất nhiều.

2 ngân hàng bị sáp nhập nói trên, mặc dù quy mô còn nhỏ, nhưng đều không nằm trong diện tái cơ cấu bắt buộc, đồng thời nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp. Vì thế, để đạt được thỏa thuận sáp nhập trong thời gian sớm nhất, HĐQT BIDV và MaritimeBank đã đưa ra phương án chuyển đổi cổ phiếu ở tỷ lệ tương đối phù hợp, đảm bảo được quyền lợi cho các cổ đông của nhà băng nhỏ.

Cổ phiếu MekongBank và MaritimeBank đều đang giao dịch trên sàn OTC, song giá cổ phiếu của Mekongbank thấp hơn nhiều so với MaritimeBank. Ngoài việc được hưởng lợi về giá cổ phiếu, sáp nhập vào MaritimeBank, cổ đông của Mekongbank cũng sẽ trở thành cổ đông của một NHTM lớn hơn.

Tương tự, với cặp M&A SouthernBank - Sacombank, cho dù tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu là 1:0,75 (1 cổ phiếu SouthernBank chuyển đổi thành 0,75 cổ phiếu Sacombank), do SouthernBank hoạt động thua lỗ, nợ xấu tăng và phải đối mặt với sáp nhập, nhưng cổ đông của Southernbank vẫn tỏ ra vui mừng và đồng thuận với tỷ lệ gần 100% thông qua kế hoạch sáp nhập trong ĐHCĐ bất thường diễn ra vào ngày 14/7/2015.

Nhìn chung, với các thương vụ sáp nhập giữa nhà băng lớn và ngân hàng nhỏ, quyền lợi của đơn vị bị sáp nhập luôn được ưu ái. Chính vì vậy, cổ đông của không ít nhà băng nhỏ kỳ vọng được nhanh chóng M&A vào ngân hàng lớn. Một trong những thương vụ M&A được cổ đông của ngân hàng kỳ vọng sớm diễn ra hiện nay chính là Nam A Bank - Eximbank và Saigonbank - Vietcombank.

Trong đó, câu chuyện của Nam A Bank - Eximbank đang vào giai đoạn cao trào, trước thềm ĐHCĐ thường niên của Eximbank diễn ra vào ngày 21/7 tới. Tuy tại ĐHCĐ bất thường của Nam A Bank ngày 15/7, các cổ đông không đề cập đến vấn đề này và HĐQT Nam A Bank tập trung vào nội dung chính là miễn nhiễm chức danh HĐQT đối với ông Nguyễn Quốc Toàn, thay vào đó là ông Trần Đình Tân lên làm Chủ tịch, song dường như các cổ đông đều biết câu chuyện sáp nhập Nam A Bank - Eximbank đang dần đi vào hồi kết. Nhiều người cho rằng, việc ông Toàn từ nhiệm chức danh HĐQT Nam A Bank có liên quan đến ghế “nóng” Eximbank.

Một cặp M&A khác đang được cổ đông ngân hàng nhỏ kỳ vọng nhiều là Saigonbank - Vietcombank. Trong ĐHCĐ thường niên của Saigonbank diễn ra ngày 26/4 vừa qua, cổ đông Saigonbank rỏ ra khá bất ngờ vì HĐQT nhà băng này không trình chủ trương sáp nhập, mà cụ thể là về chung nhà với Vietcombank. Bởi trước đó, thông tin về thương vụ sáp nhập này đã được lan truyền khá rộng rãi trên thị trường.

Cuối năm 2014, Vietcombank cũng đã họp ĐHCĐ bất thường để thông qua chủ trương sáp nhập thêm một ngân hàng khác, dù cái tên Saigonbank không được nhắc tới.

Lãnh đạo NHNN cho biết, NHNN đã chấp thuận cho 2 nhà băng trên tìm hiểu với nhau, nhưng quyền quyết định vẫn thuộc về 2 bên, bởi Saigonbank không phải là ngân hàng trong diện tái cơ cấu bắt buộc. Thế nhưng, cổ đông chi phối lớn nhất tại Saigonbank là Thành ủy (UBND TP. HCM) đã không đồng ý với thương vụ này. Đây chính là lý do vì sao thương vụ trên chưa có hồi kết.

Trong khi đó, cổ đông nhỏ, lẻ của Saigonbank lại mong muốn được sáp nhập vào Vietcombank. Vì theo một cổ đông của Saigonbank, dù tỷ lệ cổ phiếu được chuyển đổi 1:0,8 thì cổ đông của Saigonbank vẫn được hưởng lợi lớn. Đồng thời, về với Vietcombank, cổ đông Saigonbank sẽ có nhiều quyền lợi hơn khi Ngân hàng có hoạt động kinh doanh, tăng trưởng ổn định .

Ngược lại, nếu không sáp nhập, Saigonbank cũng như các ngân hàng nhỏ khác khó có thể đảm bảo cạnh tranh, nhất là trước tình hình hiện nay, cùng với việc đẩy mạnh tái cấu trúc ngành của NHNN. Tuy Saigonbank có tình hình tài chính ổn định, nợ xấu được kiểm soát, song nhà băng này được ví như “con gà mái không đẻ được trứng” khi quy mô hoạt động vẫn thuộc ngân hàng nhỏ sau hơn 20 năm hoạt động, vốn điều lệ hiện cũng chỉ ở mức hơn 3.000 tỷ đồng. 

Sớm xóa sổ sở hữu chéo ngân hàng bằng M&A
Trong lộ trình thoái vốn theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư