Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Sớm xóa sổ sở hữu chéo ngân hàng bằng M&A
Thùy Vinh - 16/07/2015 09:28
 
Trong lộ trình thoái vốn theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, mua bán - sáp nhập (M&A) được xem là giải pháp để xử lý tình trạng sở hữu chéo. Vì thế, những cặp đôi ngân hàng có cùng chủ sở hữu sẽ sớm về chung nhà.

Sau các cuộc hôn phối MHB - BIDV, Mekong Bank - Maritime Bank, thì Sacombank và Southern Bank cũng vừa tiến hành đại hội đồng cổ đông bất thường để thông qua phương án sáp nhập. Đây là những thương vụ M&A mà giữa hai nhà băng đều có chung dáng dấp của một chủ sở hữu. Vì thế, việc sáp nhập không quá khó khăn sau khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức thông qua đề áp sáp nhập.

Ngoài các thương vụ trên, dự báo thị trường sẽ chứng kiến thêm vài thương vụ M&A đồng chủ sở hữu. Một trong số đó là thương vụ M&A Saigonbank - Vietcombank. Cuối năm ngoái, Vietcombank đã tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường thông qua chủ trương sáp nhập thêm một ngân hàng khác và cái tên được nhắc đến nhiều nhất sẽ về chung nhà với Vietcombank là Saigonbank. Lý do là, tỷ lệ cổ phần chi phối của Vietcombank tại Saigonbank hiện nay là gần 10%.

PG Bank được dự báo sẽ sớm về chung nhà với một ngân hàng khác. Ảnh: Đức Thanh
PG Bank được dự báo sẽ sớm về chung nhà với một ngân hàng khác. Ảnh: Đức Thanh

 

Saigonbank tiến hành đại hội đồng cổ đông thường niên 2015 vào ngày 24/4/2015, với kỳ vọng của cổ đông là được biết thông tin cụ thể về việc sáp nhập vào một ngân hàng khác (cụ thể là Vietcombank) như thông tin lan truyền trên thị trường trong những tháng đầu năm nay. Thế nhưng, điều khiến cổ đông Saigonbank bất ngờ và tỏ ra búc xúc là tại kỳ đại hội đồng cổ đông này, HĐQT Saigonbank vẫn chưa trình chủ trương sáp nhập.

Trong khi đó, ý kiến được đưa ra từ một lãnh đạo cấp cao trong ngành ngân hàng, nếu không tính đến chuyện sáp nhập, Saigonbank khó có thể đúng vững trong tương lai xa khi ngành ngân hàng đang đẩy mạnh tái cơ cấu và giảm số lượng ngân hàng xuống còn 20 đơn vị trong hệ thống vào cuối năm 2017.

Mặt khác, với thông tin sáp nhập vào Vietcombank - một ngân hàng lớn, có thương hiệu và uy tín trên thị trường hiện nay, cùng với đó là giá cổ phiếu Vietcombank đang ở mức cao hơn nhiều so với cổ phiếu Saigonbank, thì việc sáp nhập được xem là tốt đối với cổ đông của Saigonbank. Vì thế, Saigonbank cũng nên xem xét tính chuyện sáp nhập.

Không chỉ Saigonbank, với các ngân hàng quy mô nhỏ, sức cạnh tranh trên thị trường còn yếu kém thì đích cuối cùng vẫn là phải tìm kiếm đối tác để sáp nhập. Đáng chú ý là, những nhà băng hoạt động thua lỗ, ăn thâm vào vốn sẽ khó tránh khỏi việc bán lại 0 đồng cho NHNN như các trường hợp VNCB, Ocean Bank và GP Bank vừa qua.

Ngoài các thương vụ M&A thời gian qua, thị trường đang chờ đợi cuộc sáp nhập PG Bank - VietinBank, DongA Bank - ABBank, NamA Bank - Eximbank. Trong đó, Nam A Bank - Eximbank là thương vụ M&A được thị trường đồn đoán nhiều nhất. Đây là cuộc “hôn nhân” sóng gió được thị trường nhắc đến thời gian qua, nhất là khi HĐQT Eximbank giai đoạn 2015 - 2020 có 2 thành viên đến từ Nam A Bank, đó là ông Trần Ngô Phúc Vũ và ông Trần Ngọc Tâm, nguyên Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc của Nam A Bank, với tỷ lệ cổ phần nắm giữ cổ phiếu tại Eximbank trên 20%.

Mục tiêu chung của NHNN là triển khai quyết liệt M&A. Trong 3 năm qua, NHNN khuyến khích các ngân hàng sáp nhập tự nguyện. Nhưng hiện còn một số ngân hàng nhỏ, hoạt động yếu kém và khó có thể tăng năng lực tài chính, nên phải tìm kiếm đối tác để hợp sức phát triển mới có thể tồn tại trong thời gian tới.

Cùng với đó, theo quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN, các ngân hàng thương mại đang sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ quá 5% tại tổ chức tín dụng khác không còn cách nào là phải thoái vốn về mức quy định.

NHNN cho biết, thị trường vẫn còn 5 ngân hàng thương mại có cá nhân sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ 5% vốn điều lệ, 5 đơn vị có tổ chức nắm quá tỷ lệ 15% vốn và 8 ngân hàng cổ phần có nhóm cổ đông và người có liên quan sở hữu vượt tỷ lệ 20%.

Kết quả thanh tra của NHNN cũng cho thấy, ở không ít ngân hàng, cổ đông lớn và người có liên quan vi phạm quy định về sở hữu dẫn đến thao túng, chi phối, phục vụ lợi ích riêng, đẩy ngân hàng đến tình trạng hoạt động thiếu minh bạch trong quản trị, điều hành không tuân thủ nguyên tắc. Vì thế, theo Phó thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh, Thông tư 36/2014/TT-NHNN sẽ “siết” tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng. Phó thống đốc NHNN cho biết, dự kiến có 6 thương vụ M&A diễn ra trong năm nay.

Mạnh tay sáp nhập ngân hàng để xóa sở hữu chéo
Sau thương vụ sáp nhập giữa MekongBank vào MaritimeBank (2 ngân hàng cùng dáng dấp chủ sở hữu) vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông qua, trong...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư