Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 09 năm 2024,
Ma trận giấy phép con và nền kinh tế sáng tạo (kỳ 2)
Khánh An - 16/10/2017 08:27
 
30-50% số điều kiện kinh doanh bất hợp lý phải được chính các bộ, ngành đề xuất cắt bỏ. Chính phủ đã chốt tỷ lệ này, chính thức phất cờ, bắt đầu trận chung kết của cuộc chiến kéo dài 20 năm với ma trận giấy phép con. Phần thắng không thể khác, phải thuộc về quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng trận đấu đang vô cùng căng thẳng.

Bài 2: Có gì đằng sau các rào cản kinh doanh

Cuộc chiến với “ma trận giấy phép con” kéo dài quá lâu, quá phức tạp, thậm chí quá nhạy cảm đến mức cần phải đặt câu hỏi, có gì đằng sau rào cản gia nhập thị trường này?

Ai hưởng lợi

Nỗi ngậm ngùi của bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao khi chứng kiến CEO trẻ tuổi của Công ty TNHH Cỏ May buộc phải né tránh buổi matching (kết nối hai bên bán - mua) đến giờ vẫn chưa nguôi.

Khi doanh nghiệp lớn tận hưởng quyền lực thị trường do điều kiện kinh doanh đem lại thì phần thua thiệt sẽ rơi vào nhóm doanh nghiệp nhỏ, vừa.
Khi doanh nghiệp lớn tận hưởng quyền lực thị trường do điều kiện kinh doanh đem lại thì phần thua thiệt sẽ rơi vào nhóm doanh nghiệp nhỏ, vừa.

Việc cách đây 2 tháng, tại cuộc kết nối giao thương giữa 20 nhà sản xuất Việt Nam và 50 nhà phân phối, siêu thị và chuỗi bán lẻ ASEAN, tổ chức tại Thái Lan, gian hàng của Cỏ May với những sản phẩm gạo thơm, gạo chất lượng cao được để ý, có 6 đối tác đề nghị gặp.

Nhưng, mọi việc chỉ đến đó, vì nếu gặp gỡ, Tổng giám đốc Phạm Minh Thiện của Cỏ May không thể ngồi vào bàn đàm phán. “Cỏ May không có quyền xuất khẩu gạo”,  ông Thiện nói.

Vậy, ai đang được hưởng lợi từ các điều kiện kinh doanh đang có trong Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo mà Thủ tướng Chính phủ đang yêu cầu  phải xem xét, sửa đổi?

Cuối quý II/2017, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã công bố một báo cáo riêng rà soát thể chế chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo. Bức tranh thị trường xuất khẩu gạo được dựng lại với những nét vẽ đầy rối rắm, với những rào cản ngặt nghèo, chi phí tuân thủ vô cùng lớn, với các điều kiện mà theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM là đi ngược lại nguyên tắc của thị trưởng.

Để trở thành nhà xuất khẩu gạo, trước hết, doanh nghiệp phải thỏa mãn có ít nhất 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc; có ít nhất 1 cơ sở xay, xát thóc, gạo công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ; phải xuất khẩu gạo trong thời gian 12 tháng liên tục...

Sau đó, khi đã có giấy phép, mỗi khi ký được hợp đồng xuất khẩu, doanh nghiệp buộc phải đăng ký với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) trong vòng 3 ngày làm việc. Nghĩa là, doanh nghiệp phải nộp bản sao hợp đồng, trong đó có giá xuất khẩu, báo cáo về lượng thóc, gạo sẵn có của doanh nghiệp.

“Theo tư duy thị trường, không doanh nghiệp mới nào sẵn sàng đầu tư một khối lượng tài sản lớn như vậy, có ngay được các hợp đồng xuất khẩu liên tục... trừ con, cháu của các doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành”, ông Cung nói.

Khó cho doanh nghiệp, nhưng VFA lại có quyết lực vô đối, thậm chí có quyền yêu cầu Sở Công thương địa phương xác minh lượng thóc, gạo đã báo cáo. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải báo cáo tiến độ thực hiện hợp đồng với VFA...

Cùng với VFA, 2 ông lớn của ngành lương thực, thực phẩm Việt Nam là Vinafood 1 và Vinafood 2 cũng được trao tay nhiều đặc quyền.

Đây là 2 doanh nghiệp thường nhận được việc đàm phán, ký kết và tổ chức thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung. Hai công ty này sẽ đàm phán và điều kiện giao hàng dựa trên tính toán về giá, khả năng thu mua trong nước của họ và các doanh nghiệp trong VFA, nhưng có thể ủy thác cho doanh nghiệp khác xuất khẩu để thu phí và cũng không chịu rủi ro nếu giá trong nước cao hơn.

Khi phân tích các mối quan hệ này, Báo cáo của CIEM đã nhìn thấy bóng dáng của nhóm lợi ích được tạo ra do dư địa của các điều kiện kinh doanh vô lý, sự tùy tiện trong thực thi của các cơ quản quản lý khi quyền lực thị trường được đặt vào VFA và các doanh nghiệp lớn trong ngành.

Ai chịu thiệt

Quyền lực mà Vinafood1 và Vinafood 2 có được trong thị trường xuất khẩu gạo nhờ lợi thế chính sách, nhưng đã không giúp họ kinh doanh hiệu quả hơn, cạnh tranh hơn.

Trong báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm và 3 năm gần nhất (2014-2016), Vinafood 1 đã viết: “Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tiếp tục đối diện với khó khăn không mới, nhưng ngày càng khốc liệt, đó là sự cạnh tranh mạnh mẽ và toàn diện về chất lượng, giá cả và thương hiệu của các nhà xuất khầu gạo trên thị trường thế giới... Kết thúc niên độ 2016, xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm 24,8% về khối lượng, 21,2% về giá trị so với năm 2015 và là mức giảm kỷ lục trong vòng 10 năm qua”. Và “hoạt động kinh doanh các mặt hàng lương thực nội địa của Tổng công ty tiếp tục khó khăn do những nguyên nhân không mới, như sự cạnh tranh về thuế của tư thương với các doanh nghiệp hạch toán, kê khai đầy đủ về thuế…”.

Vấn đề ở chỗ, dù được giao đàm phán hợp đồng tập trung, nhưng các doanh nghiệp lớn này lại không hề có động cơ nâng giá xuất khẩu của gạo Việt Nam, tìm cách trúng thầu giá cao vì điều quan trọng nhất là xuất khẩu được gạo.

“Với bất cứ giá xuất khẩu nào họ đều có lợi. Doanh nghiệp xuất khẩu gạo luôn là tác nhân thu lợi nhiều nhất trong chuỗi giá trị lúa gạo. Vì VFA có khả năng kiểm soát xuất khẩu, nên họ có khả năng giảm giá thu mua lúa gạo trong nước để duy trì biên lợi nhuận ngay cả khi giá xuất khẩu của họ thấp hơn mức đáng có”, TS.Đặng Quang Vinh, nghiên cứu viên, Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) phân tích.

Vậy là, ngay cả khi khoản lợi nhuận từ kinh doanh xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp tăng đều, thì lợi ích mà gạo Việt Nam đáng được nhận đã không đạt được ở mức tối đa.

Đương nhiên, khi doanh nghiệp lớn tận hưởng quyền lực thị trường do điều kiện kinh doanh đem lại thì phần thua thiệt sẽ rơi vào nhóm doanh nghiệp nhỏ, vừa. Thực tế, không chỉ các doanh nghiệp mới mà ngay cả doanh nghiệp nhỏ đang hoạt động cũng cùng cảnh cạnh tranh khó bình đẳng.

Năm 2014, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long đã xin không thực hiện hợp đồng ủy thác do Vinafood 2 giao, bởi giá quá thấp so với giá trong nước, điều kiện giao hàng khó khăn.

Tuy nhiên, sự từ chối đó rất có thể sẽ đem lại rủi ro cho doanh nghiệp này, vì trong phân tích của CIEM, Vinafood 1 và Vinafood 2 thực tế là lãnh đạo của VFA, có thể tác động đến việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu và cấp phép kinh doanh xuất khẩu gạo.

Thậm chí, các ông lớn này còn công cụ mạnh hơn để o ép doanh nghiệp khác do chính Bộ Công thương tạo ra, đó là quy định nếu trả lại hợp đồng ủy thác mà không phải trường hợp bất khả kháng thì thương nhân sẽ không được phân bố chỉ tiêu thực hiện hợp đồng tập trung trong thời hạn 6 tháng…

Còn lại gì sau những điều kiện kinh doanh vô lý?

Đặt một câu hỏi, nếu bãi bỏ các điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo của Nghị định 109/2010/NĐ-CP như doanh nghiệp đang kiến nghị, ai sẽ phản đối nhiều nhất? Câu trả lời của ông Cung là VFA và các doanh nghiệp đang có giấy phép xuất khẩu gạo.

“Điều kiện kinh doanh đã tạo ra quyền lực không hề nhỏ cho doanh nghiệp có giấy phép. Họ sẽ tìm cách duy trì giấy phép để duy trì quyền lực…”, ông Cung giải thích.

Thực tế, trước khi có Nghị định 109/2010/NĐ-CP, số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo có lúc lên tới 200, nhưng hiện tại, khoảng 145 doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu gạo, số doanh nghiệp thực sự có hoạt động xuất khẩu có thể thấp hơn.

Cách tập trung quyền xuất khẩu vào một số doanh nghiệp khiến họ có xu hướng tìm các thị trường xuất khẩu lo lớn, các loại gạo chất lượng thấp, giá rẻ thay vì nỗ lực tìm kiếm thị trường đòi hỏi loại gạo có chất lượng cao, giá bán cao hơn.

“Ngành nông nghiệp sẽ không thể tái cơ cấu theo hướng sản xuất lúa gạo chất lượng cao và xuất khẩu vào các thị trường có yêu cầu cao về chất lượng, sẵn sàng trả giá cao với cách quản lý bằng điều kiện như hiện tại”, ông Cung nói.

Trong bối cảnh này, những doanh nghiệp như Cỏ May với mục tiêu tìm kiếm giá trị cao   hơn cho gạo Việt gần như vô vọng, bởi không một bài tính kinh tế nào cho phép họ đổ ngay một đống tiền chỉ để thỏa mãn các điều kiện kinh doanh do các cơ quan quản lý áp đặt.

“Chúng tôi phải đợi tháo cùm Nghị định 109 như Thủ tướng Chính phủ đã cam kết”, ông Thiện nói.

Nhìn rộng ra, các điều kiện kinh doanh gây hạn chế thị trường, hạn chế quyền tự do kinh doanh kiểu như trên không hiếm. Kinh doanh phân phối gas phải có trên 100.000 bình gas, có ít nhất 20 đại lý, phải sở hữu trạm chiết nạp gas…; kinh doanh vận tải ô tô phải có 20 hay 50 xe tùy vùng… 

Các nhà hoạch định chính sách nhiều khi quên rằng, Nhà nước có quyền kiểm soát rủi ro từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khi nó ảnh hưởng đến lợi ích cộng đồng, nhưng không có nghĩa là can thiệp thô bạo vào các vấn đề thuộc về quyền của doanh nghiệp, như quy mô doanh nghiệp, cách thức kinh doanh…

Bình luận về các điều kiện kinh doanh trên, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) đã từng suy đoán, nhiều điều kiện có thể được thiết kế để đảm bảo quyền lợi của khách hàng khi sử dụng dịch vụ, nhưng chúng chỉ phù hợp nếu thị trường độc quyền hoặc chỉ có vài doanh nghiệp.

Nhưng, thị trường đang cạnh tranh sôi động với hàng trăm, nghìn doanh nghiệp, các doanh nghiệp đều hiểu nếu không có khách thì sẽ thua lỗ, nên việc can thiệp của Nhà nước theo cách trên là vô lý.

“Người tiêu dùng sẽ được bảo vệ khi thị trường cạnh tranh lành mạnh. Nếu chỉ những doanh nghiệp lớn tham gia thị trường, họ dễ dàng có được thị phần và không có động lực để giảm giá thành, tăng chất lượng dịch vụ. Do đó, người tiêu dùng sẽ phải mua, sử dụng hàng hoá, dịch vụ với giá cao hơn. Khi đó, hoạt động kinh doanh, vận hành của nền kinh tế sẽ đối mặt với nhiều rủi ro và bất ổn”, ông Tuấn phân tích.

Và sẽ không còn cơ hội cho các ý tưởng kinh doanh phi truyền thống...

Bài 3: Trật tự mới của điều kiện kinh doanh

Tổng giám đốc Viettel Telecom: Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là một cơ hội bứt phá cho đất nước
“Chúng tôi có niềm tin rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ là một cơ hội bứt phá cho đất nước. Viễn cảnh ấy chắc chắn sẽ trở...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư