Chủ Nhật, Ngày 20 tháng 07 năm 2025,
“Mách nước” doanh nghiệp Việt xuất hàng sang Mỹ
Thế Hải - 20/07/2025 09:22
 
Nhận diện triển vọng kinh doanh thương mại Việt - Mỹ thời gian tới, nhiều nhà bán lẻ, doanh nghiệp Mỹ cho biết, họ đánh giá cao nguồn cung ứng hàng hóa từ Việt Nam bởi giá cả cạnh tranh, mẫu mã đa dạng…
Hoa Kỳ là một trong những thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam  (Ảnh: Đức Thanh)
Hoa Kỳ là một trong những thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh

Chinh phục thị trường tiêu dùng lớn

Những khó khăn liên quan đến chính sách thương mại, thuế quan có thể làm chậm một chút dòng chảy xuất nhập khẩu, nhưng sẽ không làm nản lòng các nhà cung ứng Việt Nam trong việc tìm đường xuất khẩu sang Mỹ, bởi đây là thị trường có sức tiêu dùng hàng hóa lên tới hàng ngàn tỷ USD/năm.

Thông tin tới các doanh nghiệp tại Hội thảo Xúc tiến thương mại sang thị trường Mỹ, do Bộ Công thương tổ chức giữa tuần này, ông Marc Mealy, Phó chủ tịch điều hành Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) cho biết, Mỹ là quốc gia nhập khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới, với kim ngạch nhập khẩu trên 4.000 tỷ USD/năm từ các nhà cung ứng toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Hàng hóa nhập khẩu cũng hết sức đa dạng, từ máy móc, thiết bị, tới hàng tiêu dùng (hàng dệt may, dược phẩm, giày dép, điện tử…), tạo cơ hội lớn cho các quốc gia xuất khẩu.

“Mỹ là thị trường tiêu dùng hàng hóa cực lớn và rất tiềm năng, nhưng với các nhà xuất khẩu mới, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiếu kinh nghiệm, việc thâm nhập thị trường này sẽ khó khăn, phức tạp hơn, do thuế nhập khẩu có xu hướng tăng”, ông Marc Mealy nói.

Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1995, nâng cấp thành Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2023. Suốt 30 năm qua, Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của nước này.

Kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng ấn tượng, gấp khoảng 300 lần, từ 450 triệu USD vào năm 1995 lên gần 150 tỷ USD hiện tại. Không chỉ nông sản, Việt Nam có nhiều mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang Mỹ, như máy móc, thiết bị điện tử, giày dép, dệt may...

Tham gia Hội thảo từ đầu cầu Mỹ, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho hay, bất chấp biến động về kinh tế, thương mại toàn cầu, Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ, là nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng quốc tế, địa điểm cung ứng hàng hóa cạnh tranh.

Số liệu của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hàng Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ năm ngoái.

Sở dĩ có sự tăng cao là do các nhà nhập khẩu Mỹ tăng tốc nhập hàng để dự trữ trước lo ngại về thuế quan. Điều này cũng đồng nghĩa, hàng hóa Việt Nam sản xuất được nhà nhập khẩu và người tiêu dùng Mỹ đánh giá cao do giá cạnh tranh, mẫu mã đa dạng.

“Mách nước” cho doanh nghiệp Việt

“Mách nước” cho doanh nghiệp Việt tiếp cận người tiêu dùng Mỹ trong bối cảnh thuế quan phức tạp, ông Marc Mealy khuyến nghị 3 nội dung quan trọng.

Thứ nhất, doanh nghiệp cần sản xuất và tiếp thị các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, bởi giá cả dù có thể đắt đỏ hơn, nhưng người tiêu dùng vẫn phải chi trả.

Thứ hai, tập trung vào các phân khúc thị trường ngách hoặc đặc thù. Ví dụ, thực phẩm chứng nhận hữu cơ, bởi nhóm sản phẩm này có thể bán giá cao do người tiêu dùng sẵn sàng chi trả.

Thứ ba, doanh nghiệp nên tham gia nhiều hơn các hội chợ và hội nghị thương mại chuyên ngành tại Mỹ. Theo ông, cách xúc tiến thương mại này giúp doanh nghiệp nắm bắt nhanh “khẩu vị” của người tiêu dùng, gặp gỡ thêm được khách hàng mới.

Chia sẻ với doanh nghiệp Việt về các kênh thúc đẩy xuất khẩu sang Mỹ, ông Trịnh Khắc Toàn, Giám đốc khu vực miền Bắc (Amazon Global Selling Việt Nam) cho rằng, trong bối cảnh kinh tế số phát triển mạnh mẽ, xu hướng tiêu dùng thay đổi, doanh nghiệp không thể chỉ dựa vào kênh xuất khẩu truyền thống như trước, mà phải có chiến lược đầu tư để khai thác xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới.

Theo ông Toàn, ngành bán lẻ toàn cầu đã thay đổi và chuyển dịch nhanh chóng sang thương mại điện tử, trong đó thương mại điện tử xuyên biên giới là cơ hội cho doanh nghiệp chuyển đổi và tận dụng để vươn ra toàn cầu.

Dù mới chỉ tham gia những năm gần đây, nhưng hiện tại, nhiều doanh nghiệp Việt không còn xa lạ với xuất khẩu bằng phương thức này. Minh chứng là, nếu năm 2023, doanh số xuất khẩu qua thương mại điện tử đạt trên 3 tỷ USD, thì dự báo đến năm 2028, con số này sẽ là 8,1 tỷ USD.

Dự báo đến năm 2027, tổng doanh số xuất khẩu qua thương mại điện tử trên toàn cầu có thể đạt 4.000 tỷ USD, cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của thương mại điện tử trong bán lẻ toàn cầu… “Nếu doanh nghiệp thực sự coi trọng và tham gia năng động, thì kênh thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ mang về doanh số xuất khẩu lớn, nằm trong Top 10 của Việt Nam”, ông Toàn khẳng định.

 Dư địa tăng trưởng thương mại còn lớn

Sau 30 năm thiết lập quan hệ Việt - Mỹ, các chuyên gia kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, còn rất nhiều dư địa của hàng hóa từ Việt Nam sang Mỹ và ngược lại, với đặc thù thương mại bổ trợ cho nhau, chứ không cạnh tranh trực tiếp.

Ông Nguyễn Tuấn Việt, Tổng giám đốc Công ty Xúc tiến xuất khẩu Vietgo đánh giá, thế mạnh của sản xuất trong nước là các nhóm hàng hóa như hàng dệt may, nông, lâm, thủy sản, da giày… và đây cũng là những mặt hàng được xuất nhiều sang Mỹ.

Ở chiều ngược lại, theo ông Việt, doanh nghiệp Việt cần chủ động đón làn sóng đầu tư từ Mỹ về Việt Nam, bởi điều này không chỉ mang lại công nghệ, mà còn hỗ trợ Việt Nam kiểm soát chuỗi giá trị xuất khẩu ngay từ bên trong lãnh thổ.

Trong khi đó, nhận diện triển vọng kinh doanh thương mại, ông Đỗ Ngọc Hưng cho hay, qua trao đổi với các nhà bán lẻ, doanh nghiệp Mỹ, họ vẫn đánh giá cao nguồn cung ứng hàng hóa từ Việt Nam. “Walmart, Costco, Amazon…, những ông lớn của Mỹ đều tiết lộ, họ sẽ đến Việt Nam tìm kiếm nhà cung ứng tại sự kiện Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế (Vietnam International Sourcing) và Diễn đàn xuất khẩu 2025, dự kiến được tổ chức ngày 4 - 6/9/2025 tại TP.HCM”, ông Hưng nói.

Ở chiều ngược lại, trong nỗ lực giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp thuộc các ngành hàng xuất khẩu vài chục tỷ USD của Việt Nam, như thủy sản, dệt may, giày dép, đồ gỗ… đều duy trì các chương trình xúc tiến thương mại thường niên, tại nhiều sự kiện quy mô tại Mỹ (Magic Show, Hội chợ thủy sản Bắc Mỹ, Food Expo…).

Kết quả khảo sát của Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) mới đây cũng phản ánh sự lạc quan trong quan hệ thương mại giữa hai nước, bởi bên cạnh những lo ngại về thuế quan, phần lớn doanh nghiệp vẫn tin vào tiềm năng tăng trưởng trong tương lai gần, khi Việt Nam có vai trò ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Để xuất khẩu bền vững, ông Hưng lưu ý doanh nghiệp phải cập nhật thường xuyên, kịp thời chính sách thương mại của Mỹ, tránh thông tin chưa được kiểm chứng, ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh.

Một vấn đề được phía Mỹ “để mắt” rất kỹ là quy tắc xuất xứ. Vì thế, ông Hưng lưu ý, doanh nghiệp xuất khẩu cần chú trọng công tác thống kê, có hồ sơ đầy đủ để khi nhà chức trách nước bạn yêu cầu làm rõ, thì có sẵn dữ liệu để chứng minh.

Xuất khẩu sang Mỹ: “Cửa” có sáng trong năm 2025?
Năm 2025, dù có thể tận dụng cơ hội từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nhưng doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng đối mặt với các biện pháp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư