Thứ Sáu, Ngày 16 tháng 05 năm 2025,
Mận tam hoa mang lại thu nhập ổn định cho người dân vùng cao Sơn La
Linh Nguyễn - 15/05/2025 22:15
 
Nhờ giữ được mức giá ổn định và áp dụng kỹ thuật canh tác hiện đại, mận tam hoa dần trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân tại Sơn La, giúp nhiều hộ thoát nghèo, cải thiện đời sống.

Sau những vạt trắng tinh khôi, tinh khiết như tuyết phủ trên khắp các triền đồi vào những ngày đông, Sơn La dần chuyển mình sang một gam màu mới, rực rỡ và đầy sức sống của mùa hè. Đó là thời điểm những vườn mận tam hoa trĩu quả, khoác lên mình chiếc áo đỏ thắm quyến rũ, báo hiệu một vụ thu hoạch bội thu. 

Những trái mận nhỏ nhắn, khi còn xanh mang vị chua thanh dịu mát, đến khi chín lại căng mọng, ngọt ngào, được người dân nơi đây trìu mến ví như những “trái cherry Sơn La" căng tràn nhựa sống.

Nhờ khả năng thích ứng tốt với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của vùng đất này, cây mận dần trở thành nguồn thu nhập ổn định, thậm chí là chủ lực của nhiều hộ gia đình. Từ việc chăm sóc, thu hái đến khâu phân loại, đóng gói và tiêu thụ, mỗi công đoạn đều tạo ra công ăn việc làm, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. 

Mận tam hoa không còn là cây trồng chơi mà đã trở thành cây trồng chủ lực, góp phần xóa nghèo cho nhiều gia đình vùng cao Sơn La.

Từng thuộc diện khó khăn, gia đình bà Tòng Thị Thanh ở bản Hùn, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình canh tác sang trồng cây ăn quả, đặc biệt là mận tam hoa. Nhờ đó, kinh tế gia đình bà dần khởi sắc với diện tích gần 2 ha mận, năng suất đạt 8 tấn/ha.

“Từ khi áp dụng kỹ thuật mới như tưới tự động, bón phân hữu cơ và tỉa cành đúng cách, sản lượng mận của gia đình tăng đáng kể. Năm nay, ước đạt khoảng 12 tấn quả, mang lại lợi nhuận hơn 150 triệu đồng”, bà Thanh chia sẻ.

Ông Lò Văn Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chiềng Cọ tự hào chia sẻ, toàn xã hiện sở hữu gần 800 ha mận, trong đó mận tam hoa chiếm 280 ha, ước tính mang lại sản lượng khoảng 5.600 tấn mỗi vụ. Chính vì vậy, cây mận trở thành "cần câu cơm" hiệu quả, thay đổi rõ rệt đời sống kinh tế của người dân nơi đây. Hàng năm, cứ đến đợt thu hoạch, không khí tại Chiềng Cọ lại trở nên vô cùng nhộn nhịp, tấp nập cảnh thương lái từ khắp các tỉnh thành tìm về thu mua.

Tại các chợ trung tâm của thành phố Sơn La, mận tam hoa luôn là một trong những mặt hàng được người tiêu dùng đặc biệt ưa chuộng. So với các địa phương khác, quả mận tam hoa ở xã Chiềng Cọ ngon, giòn hơn, do vậy được thị trường ưa chuộng. Về giá cả, mận tam hoa hiện có mức giá ổn định hơn so với mận hậu đầu vụ, dao động từ 60.000 - 70.000 đồng/kg. 

Bà Điêu Thị Xiên ở tổ 3, phường Chiềng An cho biết, vụ mận năm nay khá thuận lợi, quả chín đều, giòn ngọt, tiêu thụ nhanh. “Trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, nhiều khách hàng từ Hà Nội đặt hàng chục kg mận để làm quà”, bà Xiên chia sẻ.

Nhận thức rõ tiềm năng kinh tế của cây mận tam hoa, thành phố Sơn La đã có những bước đi chiến lược, quy hoạch vùng trồng tập trung nhằm hướng tới sự phát triển bền vững cho loại cây đặc sản này. Hiện, trên địa bàn thành phố đã hình thành vùng chuyên canh mận với tổng diện tích khoảng 2.246 ha, trong đó mận tam hoa chiếm gần một nửa, khoảng 1.000 ha. Với năng suất ổn định từ 8 - 10 tấn/ha, sản lượng mận tam hoa hàng năm của thành phố ước đạt gần 10.000 tấn.

Người dân hái mận mang xuống bán tại các chợ ở thành phố Sơn La.

Ông Nguyễn Văn Thản, Phó chủ tịch UBND thành phố Sơn La nhấn mạnh, để nâng cao năng suất và chất lượng mận tam hoa, địa phương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Theo đó, các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác tiên tiến được tổ chức thường xuyên, khuyến khích bà con nông dân mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, từ khâu chọn giống, chăm sóc đến phòng trừ sâu bệnh.

Song song với đó, thành phố cũng đặc biệt chú trọng đến việc mở rộng và đa dạng hóa các kênh tiêu thụ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để sản phẩm mận tam hoa đến tay người tiêu dùng, đảm bảo đầu ra ổn định và giá cả hợp lý cho người trồng.

“Việc mạnh dạn áp dụng các mô hình canh tác tiên tiến giúp các hộ dân nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Đặc biệt, tạo ra động lực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cho bà con vùng cao, góp phần xây dựng một Sơn La ngày càng giàu đẹp và văn minh”, ông Thản nói.

Đưa đặc sản dâu tây Sơn La lên các chuyến bay của Vietnam Airlines
Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác toàn diện giai đoạn 2024 – 2028 giữa UBND tỉnh Sơn La và Tổng công ty...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư