Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Tiêu điểm ngân hàng tuần qua
Mạnh tay hơn ngăn sở hữu chéo; Ngân hàng được giãn nợ, giảm hệ số rủi ro với nhiều dự án bất động sản
T.L - 19/03/2023 08:38
 
Ngân hàng Nhà nước dự kiến ban hành các quy định chặt chẽ hơn để ngăn chặn sở hữu chéo, rót vốn sân sau; Nghị quyết số 33/NQ-CP đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc về nguồn vốn tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp.

Có tới 67 doanh nghiệp chậm trả nợ trái phiếu

Trong tháng 2/2022 chỉ có 2 doanh nghiệp phát hành TPDN là bất động sản Sơn Kim và Tập đoàn Masan. Trong khi đó, số doanh nghiệp chậm thanh toán nghĩa vụ nợ trái phiếu đã lên tới 67.

Báo cáo của FiinGroup cho thấy, tháng 2 ghi nhận tổng cộng 3 lô trái phiếu phát hành thành công trị giá 2.000 tỷ đồng, doanh nghiệp phát hành là Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Sơn Kim (phát hành riêng lẻ) và Công ty cổ phần tập đoàn Masan (phát hành ra công chúng).

Cụ thể, lô trái phiếu riêng lẻ của Sơn Kim trị giá 500 tỷ đồng, lãi suất danh nghĩa 13,5%/năm cho kỳ hạn 2 năm. Hai lô trái phiếu phát hành của Masan có tổng giá trị 1.500 tỷ đồng, với lãi suất cố định của hai kỳ đầu tiên là 9,5%. Cả 3 lô trái phiếu đều không chuyển đổi và không kèm chứng quyền.

Như vậy, khối lượng phát hành riêng lẻ trong tháng 2 chỉ tương đương 17,4% so với tháng liền kề, nhưng tổng giá trị phát hành đã tăng đáng kể trên nền phát hành thấp của tháng trước.

“Theo chúng tôi, đây là một chiều hướng đáng chú ý và có thể tiếp tục tiếp diễn trong thời gian tới, đặc biệt khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP đã ra đời với mục tiêu tháo gỡ khó khăn, nhất là trong giai đoạn đáo hạn cao điểm của trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2023 và 2024”, chuyên gia phân tích FiinGroup nhận định.

Về trái phiếu mua lại trước hạn: trong tháng 2, lượng trái phiếu doanh nghiệp mua lại trước hạn  đạt gần 6.000 tỷ đồng, tương đương 65,9% so với tháng trước và tăng gần 36% so với cùng kỳ năm 2022.

Mặc dù hoạt động mua lại thường có xu hướng tăng vọt vào thời điểm cuối các kỳ báo cáo bán niên hoặc cuối năm và giảm mạnh vào đầu năm, hoạt động mua lại cũng phụ thuộc lớn vào mức độ sẵn có nguồn tiền hiện tại, hoặc khả năng thu xếp nguồn vốn khác ngoài tín dụng trái phiếu.

Gần 90.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đang bị chậm thanh toán

Ngày 21/2/2023, HNX đã công bố danh sách 54 tổ chức phát hành chậm thực hiện nghĩa vụ nợ trái phiếu. Mặc dù một số doanh nghiệp đã thực hiện thanh toán sau đó, số liệu của FiinGroup cho thấy, số lượng doanh nghiệp chậm thanh toán nghĩa vụ nợ trái phiếu đã lên đến 67, trong đó có 63 doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ nợ và 4 doanh nghiệp đã thực hiện tái cơ cấu nợ thông qua việc giãn kỳ hạn. Hầu hết các doanh nghiệp đưa ra lãi suất nhằm đền bù cho nhà đầu tư, từ đó phản ánh lên mức lãi suất mới cao hơn của toàn thị trường.

Tổng giá trị các lô trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận chậm thanh toán đạt 89.300 tỷ đồng, chiếm gần 55% lượng trái phiếu đang lưu hành của các doanh nghiệp trên.

Khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ cho các lô trái phiếu này phụ thuộc vào phân kỳ đáo hạn sắp tới, khả năng huy động nguồn vốn khác của doanh nghiệp cũng như kỳ vọng vào dòng tiền từ hoạt động kinh doanh.

Tính trên tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phi tài chính đang lưu hành, tỷ lệ nợ xấu từ các lô trái phiếu được chúng tôi tính toán ở mức 11,3%. Riêng đối với các tổ chức phát hành là doanh nghiệp bất động sản, tỷ lệ nợ xấu ở mức cao hơn là 18,7%. Các doanh nghiệp này cũng có dư nợ vay ngân hàng và các nguồn vốn vay khác.

Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong năm 2023 được ước tính ở mức 235.000 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp bất động sản có số dư trái phiếu sẽ đến hạn ở mức 100.000 tỷ đồng.

Tổng dư nợ trái phiếu riêng lẻ đáo hạn trong hai quý sắp tới lần lượt ở mức 36.200 tỷ đồng vào quý II và 35.400 tỷ đồng vào quý III/2023.

“Chúng tôi kỳ vọng các chính sách mới hiện nay, bao gồm Nghị định 08 về trái phiếu riêng lẻ và Nghị quyết 33 vừa ban hành của Chính phủ, sẽ là nền tảng tạo điều kiện cho các thành viên thị trường thực hiện hoạt động tái cấu trúc nợ, cũng như hỗ trợ chủ đầu tư tiếp cận nguồn tín dụng mới khi các biện pháp cho vấn đề pháp lý bất động sản được triển khai”, báo cáo FiinGroup nhận định.

Cảnh báo đỏ cho ngân hàng đầu tư trái phiếu, bất động sản

 Liên tiếp 3 ngân hàng của Mỹ tuyên bố phá sản khiến thị trường tài chính toàn cầu rúng động.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, sự sụp đổ của các ngân hàng này là cảnh báo với các ngân hàng mạnh tay đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, cho vay bất động sản trong thời gian qua.

TS
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng 

Giới đầu tư đang rất lo ngại và choáng váng khi liên tiếp 3 ngân hàng của Mỹ phá sản, ngừng hoạt động chỉ trong vòng chưa đầy một tuần. Theo ông, liệu sự cố này có châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu?

Việc Silicon Valley Bank (SVB), Signature Bank và trước đó là  Silvergate Capital sụp đổ đang dẫn tới sự lan truyền trên thị trường tài chính Mỹ. Ngoài 3 ngân hàng trên, nhiều ngân hàng khác tại Mỹ cũng đang bị người dân rút tiền, bán tháo cổ phiếu. Nói cách khác, hệ thống ngân hàng Mỹ đang bị khủng hoảng, tại các ngân hàng nhỏ và vừa, hiện tượng “run on the bank” (rút tiền gửi khỏi ngân hàng tăng đột biến) đang diễn ra bởi hiệu ứng domino. Tại một số quốc gia châu Âu, hiện tượng này cũng bắt đầu xuất hiện.

Tác động của các ngân hàng Mỹ phá sản tới Việt Nam ra sao, thưa ông?

Hiện tại, các tác động chỉ mới dừng ở mặt tâm lý. Tuy nhiên, chúng ta không thể chủ quan. Các ngân hàng Việt Nam không cho vay với lĩnh vực tiền số, không cho vay quá nhiều lĩnh vực khởi nghiệp, hay bị thua lỗ bởi nắm giữ trái phiếu chính phủ… như các ngân hàng Mỹ vừa sụp đổ, song nhiều ngân hàng đang nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp và cho vay bất động sản lớn.

Trong năm nay, một lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp mà ngân hàng nắm giữ đến kỳ đáo hạn, nếu doanh nghiệp không thể thanh toán, thì Hệ số An toàn vốn (CAR) của ngân hàng sẽ bị kéo xuống. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tại thời điểm tháng 10/2022, CAR của các ngân hàng thương mại là gần 12%, đây là con số còn khá khiêm tốn so với các ngân hàng trong khu vực. 

Hệ thống ngân hàng Việt Nam có đặc điểm là tỷ lệ tiền gửi ngắn hạn lớn (80-90%), các ngân hàng lấy vốn ngắn hạn đi đầu tư, cho vay trung, dài hạn (trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản) sẽ rất rủi ro. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, hiện hơn 20% dư nợ toàn hệ thống là cho vay bất động sản, đây là rủi ro rất lớn cho hệ thống ngân hàng.

Một trong những lý do khiến Việt Nam phải đặc biệt cẩn trọng với phá sản ngân hàng là năng lực của cơ quan bảo hiểm tiền gửi. Khi 3 ngân hàng mới đây sụp đổ, Chính phủ Mỹ tuyên bố bảo vệ người gửi tiền, tăng cường thanh khoản cho hệ thống, bảo vệ an toàn hệ thống, nhưng không giải cứu ngân hàng nào.

Trong bối cảnh rủi ro gia tăng, theo ông, các ngân hàng Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước cần phải làm gì?

Bài học đầu tiên cho ngân hàng Việt Nam là phải đa dạng danh mục. Các ngân hàng của Mỹ sụp đổ thời gian gần đây chủ yếu do tập trung vào các công ty khởi nghiệp, công ty kỹ thuật số - những lĩnh vực dễ tổn thương khi nền kinh tế lao dốc. Đáng mừng là, danh mục cho vay của các ngân hàng Việt Nam hiện nay tương đối đa dạng, trừ một số ít ngân hàng quá tập trung vào bất động sản.

Bài học thứ hai mà các ngân hàng thương mại phải lưu ý là chuẩn bị lượng dự phòng lớn về tiền mặt để sẵn sàng đề phòng nếu người dân ồ ạt rút tiền. Bên cạnh đó, các ngân hàng phải đưa ra hạn mức giới hạn khi cho vay các ngân hàng khác, tăng lượng tiền dự trữ tại Ngân hàng Nhà nước, thực hiện giải pháp stress test để đánh giá sức chịu đựng của ngân hàng mình.

Các ngân hàng cũng phải sẵn sàng nguồn dự phòng rủi ro cho trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, nếu tình hình thị trường tiếp tục diễn biến xấu.

Về lâu dài, các ngân hàng vẫn phải liên tục tăng vốn để cải thiện CAR, nâng cao khả năng phòng thủ. Hiện nay, CAR của nhiều ngân hàng còn mỏng, do tín dụng tăng nhanh hơn tốc độ tăng của vốn chủ sở hữu.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, trước các rủi ro của thị trường, cơ quan này chắc chắn sẽ siết chặt hoạt động quản trị rủi ro an toàn hệ thống như: thực hiện tiêu chuẩn Basel II tiến tới Basel III; siết tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn; kiểm soát chặt tín dụng các lĩnh vực rủi ro… Hệ thống ngân hàng, thị trường bất động sản và thị trường vốn (trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán) có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, nên cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ và luôn dự phòng kịch bản xử lý để hành động nhanh khi sự cố xảy ra.

Mừng lãi suất, lo khó vay

Tín dụng đến nửa đầu tháng 3/2023 chỉ tăng hơn 1%, hàng loạt ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm. Mặc dù lãi suất điều hành và lãi suất huy động đã hạ nhiệt, song nhiều yếu tố cho thấy, dòng tín dụng chưa thể sớm khai thông.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa quyết định hạ một số loại lãi suất điều hành thêm 0,5 - 1%, khiến nhiều doanh nghiệp vui mừng, song những nỗi lo thấp thỏm vẫn còn đó.

Ông Nguyễn Kim Hùng, Viện trưởng Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp và kinh tế số Việt Nam, cũng là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kim Nam cho hay, việc NHNN hạ lãi suất kịp thời đã tạo niềm tin cho doanh nghiệp, nhưng chưa thể tác động tích cực ngay đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, do việc tiếp cận vốn trên thực tế vẫn rất khó khăn.

“Lãi suất giảm là rất đáng hoan nghênh, song tiếp cận vốn mới là vấn đề quan trọng hàng đầu, đặc biệt là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Tăng trưởng tín dụng quý I năm nay thấp hơn nhiều so với năm ngoái là minh chứng cho thấy, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu đi. Đây là điều cần quan tâm để ban hành thêm các chính sách phù hợp, cộng hưởng với lãi suất hạ, thì mới có thể hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Hùng nhận định.

Theo ông Hùng, Luật Các tổ chức tín dụng quy định rõ về chuẩn cho vay, NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại nâng cao tiêu chuẩn quản trị rủi ro. Trong khi đó, các doanh nghiệp SME lại gặp nhiều khó khăn về tài sản, vốn chủ sở hữu, rất khó tiếp cận vốn ngân hàng. Chính vì vậy, bên cạnh khuyến nghị doanh nghiệp chủ động cải thiện vốn chủ sở hữu, năng lực quản trị để tạo niềm tin cho ngân hàng, NHNN cần có chính sách riêng cho nhóm doanh nghiệp SME, cho phép áp dụng chuẩn riêng khác chuẩn vay thông thường, thì doanh nghiệp mới có thể tiếp cận vốn.

Theo số liệu của NHNN, tính tới ngày 9/3/2023, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 1,12% so với cuối năm 2022. Tốc độ tăng tín dụng trong 2 tháng đầu năm nay sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank cho biết, 2 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của Agribank bị âm. “Agribank sẵn sàng nguồn vốn, song việc tìm kiếm khách hàng tốt để giải ngân không phải là điều dễ dàng”, bà Phượng nói.

Thực tế, các khách hàng vay vốn tại Agribank được đánh giá tốt vẫn được hưởng mức lãi suất khá “dễ thở”. Ông Phan Thanh Thiên, Tổng giám đốc Trường Sinh Group cho hay, hiện Trường Sinh Group còn dư nợ khoảng 100 tỷ đồng tại Agribank với lãi suất 6,5%/năm.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi như vậy. Sau Covid-19, “sức khỏe” của doanh nghiệp suy yếu, không ít doanh nghiệp rơi vào nợ xấu, không đáp ứng được điều kiện vay ngân hàng. Bên cạnh đó, đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, lãi suất tăng cao, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, bất trắc… khiến các doanh nghiệp đủ chuẩn e ngại vay vốn mới. Những doanh nghiệp khát vốn và chấp nhận vay bằng mọi giá là các doanh nghiệp bất động sản, song đây là lĩnh vực mà các ngân hàng hết sức thận trọng.

Cung - cầu không gặp nhau là một trong những lý do khiến tín dụng tăng trưởng rất chậm trong hơn 2 tháng đầu năm. Các chuyên gia cho rằng, dù lãi suất có giảm, dòng vốn vẫn chưa thể sớm khai thông.

Phân tích kỹ hơn về động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp không nên vui mừng quá sớm.

Thực tế, trong lần cắt giảm lãi suất điều hành này, NHNN vẫn giữ nguyên lãi suất tái cấp vốn và trần lãi suất huy động (6%/năm). Qua đây, có thể thấy, NHNN rất thận trọng với thanh khoản hệ thống và vẫn chú trọng hút tiền về. Trong hơn 2 tháng đầu năm, huy động vốn chỉ tăng 0,4%, chứng tỏ thanh khoản tại nhiều ngân hàng nhỏ vẫn chưa mấy dồi dào.

Với lãi suất cho vay, trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam giảm 1%, song chỉ áp dụng với một số ngành ưu tiên. Điều này đồng nghĩa, các doanh nghiệp khát vốn nhất trên thị trường hiện nay là bất động sản không được hưởng lợi.

Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, giảm lãi suất chỉ là liều thuốc “cấp cứu” tạm thời. Để cứu được “con bệnh”, cần phải có dòng tiền thật đi vào thị trường. Muốn vậy, phải có thêm nhiều giải pháp khác. Trong đó, giải pháp và cũng là dòng tiền khả thi nhất là đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công, tạo sức lan tỏa. Giải pháp cần kíp tiếp theo là gỡ vướng thủ tục pháp lý để doanh nghiệp có thể bán Dự án, thanh lý tài sản, tạo dòng tiền. Đây cũng là giải pháp mà Trung Quốc đang làm.

Theo bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc phân tích của VNDirect, ngoài giảm lãi suất - yếu tố tác động mang tính ngắn hạn, thì giải pháp căn cơ hơn để tăng dòng tiền cho nền kinh tế là cần phát huy hiệu quả của Nghị định số 08/2023/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp và đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.

“Về phần mình, bản thân các doanh nghiệp cần mạnh mẽ hơn trong công khai, minh bạch thông tin cũng như đưa ra lộ trình tái cấu trúc. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần tháo gỡ hàng loạt vướng mắc pháp lý liên quan tới dự án bất động sản để giúp doanh nghiệp nhanh chóng giải phóng hàng tồn kho, thu hồi dòng tiền. Ngoài ra, kinh nghiệm của nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc cho thấy, việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng cũng là rất quan trọng”, bà Hiền bình luận.

Cùng với đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và gỡ vướng mắc pháp lý, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trong bối cảnh thị trường thế giới suy giảm hiện nay, Chính phủ cần nghiên cứu gói hỗ trợ dành cho doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là các ngành xuất khẩu chủ lực.

Về xu hướng lãi suất, các chuyên gia kinh tế vẫn cảnh báo, dù lãi suất có xu hướng tạo đỉnh và đảo chiều, song lãi suất trung bình năm 2023 vẫn cao hơn năm ngoái, gây nhiều thách thức cho các ngân hàng thương mại trong việc giảm lãi vay. Hiện lãi suất huy động trung bình của các ngân hàng thương mại là 8 - 9%/năm, cao hơn 2% so với mức trung bình năm 2022.

Ngoài ra, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể chững lại lộ trình tăng lãi suất tháng 3/2023, nhưng sẽ “bù đắp” bằng lần tăng lãi suất mạnh hơn vào những tháng tới. Chính vì vậy, trong năm nay, lãi suất cho vay có thể chưa kéo giảm về được mức doanh nghiệp mong muốn.

Bảo hiểm cho trái phiếu doanh nghiệp để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư

Đây là đề xuất của ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) tại Tọa đàm "Giải pháp khơi thông thị trường vốn" nhằm khơi thông thị trường trái phiếu.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP về về việc sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, việc lấy lại niềm tin của nhà đầu tư không thể một sớm một chiều.

Theo ông Nguyễn Tú Anh, cốt lõi của thị trường TPDN hiện nay là niềm tin. Muốn lấy lại niềm tin,ngoài sự minh bạch, thị trường vĩ mô ổn định thì phải bảo vệ được lợi ích của các nhà đầu tư. Một trong các giải pháp bảo vệ nhà đầu tư mà chúng ta đang “quên”, theo TS. Tú Anh, đó là vai trò của bảo hiểm.

“Nếu có bảo hiểm đầu tư tham gia  (công ty bảo hiểm) thì nhà đầu tư sẽ mạnh dạn xuống tiền. Bảo hiểm là không bắt buộc nhưng giúp thị trường có thêm lựa chọn”, ông Tú Anh nêu quan điểm.

Bảo hiểm cho trái phiếu là vấn đề khá mới, gây tranh cãi. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, tại Mỹ không có tổ chức nào dám đứng ra bảo hiểm cho TPDN vì rủi ro cao, chi phí lớn. Ở Mỹ chỉ có hình thức ngân hàng đứng ra bảo lãnh trái phiếu.

Theo ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm lưu ký, UBCKNN, câu chuyện bảo hiểm của tổ chức kinh doanh chứng khoán được đặt ra từ lúc xây dựng thị trường. Theo ông Sơn, trái phiếu riêng lẻ chào bán cho nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể hiểu là sự dàn xếp tài chính giữa trái chủ và các tổ chức phát hành. Việc cần bảo hiểm hay không do hai bên cân nhắc, nếu bên mua muốn bảo hiểm thì chi phí bảo hiểm sẽ đưa vào giá vốn phát hành, làm giá vốn đội lên. Nên việc có bảo hiểm hay không sẽ do thị trường quyết định.

Về vấn đề này, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cho hay, thị trường chứng khoán Mỹ có định chế được thành lập từ năm 1970 để bảo hiểm cho khoản đầu tư nhằm bảo hiểm cho tài sản của nhà đầu tư trong trường hợp công ty chứng khoán có hành vi trái pháp luật như ăn cắp tiền trên tài khoản hoặc sử dụng trái phép chứng khoán của nhà đầu tư… Còn việc bảo hiểm cho trái phiếu thì phải cân nhắc tính khả thi, phụ thuộc rất lớn vào chất lượng kinh doanh của tổ chức phát hành.

Trước mắt, để tạo niềm tin cho nhà đầu tư, các chuyên gia cho rằng, cần có cơ chế phân loại trái phiếu, ví dụ xếp hạng tín nhiệm.

“Nên khuyến khích các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đánh giá tín nhiệm cho toàn bộ các doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Hiện tại nghị định 08/2023/NĐ-CP đã ngưng hiệu lực thi hành đối với quy định về kết quả xếp  hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu cho đến hết năm 2023. Đây cũng là khoảng thời gian cần thiết để giúp các doanh nghiệp có thể lên lộ trình cụ thể vào việc tham gia xếp hạng tín nhiệm, tuy nhiên cần phải xác định rõ đây là một nhiệm vụ cấp bách để giúp lấy lại niềm tin của nhà đầu tư với thị trường, làm minh bạch hóa thị trường, giúp nâng hạng thị trường vốn Việt Nam, điều mà nhiều nước phát triển trong khu vực đã có từ rất lâu”, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc phụ trách nguồn vốn Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công thương kiến nghị.

Ngoài ra, để phát triển toàn diện thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ngoài việc nâng cao chất lượng, tính minh bạch đối với trái phiếu riêng lẻ, các chuyên gia cũng đề nghị Bộ Tài chính, UBCK có giải pháp khuyến khích, thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp niêm yết phát triển song song.

Theo đó,  cần đẩy nhanh quy trình phê duyệt cho các doanh nghiệp niêm yết trái phiếu, khuyến khích cơ quan quản lý rút ngắn thời gian phê duyệt hồ sơ phát hành trái phiếu doanh nghiệp niêm yết. Từ đó tiếp cận được với đại đa số nhà đầu tư để huy động nguồn vốn cũng như đa dạng hóa danh mục trái phiếu doanh nghiệp niêm yết có chất lượng.

Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng nên tích cực, tăng cường quảng bá các sản phẩm trái phiếu niêm yết, giới thiệu những lợi ích của trái phiếu niêm yết, để tăng thêm sự thu hút của nhà đầu tư và chú trọng tăng cường hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế, các nước phát triển trên thế giới nhằm học hỏi kinh nghiệm, hỗ trợ phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam.

Gỡ khó cho TPDN, khơi thông nguồn vốn: Mỗi bên cần lùi lại một chút

 Nghị định 08/2023/NĐ-CP mở đường cho doanh nghiệp đàm phán với trái chủ. Tuy nhiên, để có thể gỡ khó, cả ngân hàng thương mại, công ty quản lý quỹ, trái chủ nhìn bức tranh rộng ra, xem xét, cân nhắc giãn nợ cho doanh nghiệp.

Theo số liệu của Fiin Group, hiện số doanh nghiệp chậm thanh toán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã lên tới 67, cao hơn con số 54 doanh nghiệp mà HNX công bố hồi cuối tháng 2/2023.  

Trước lo ngại về rủi ro vỡ nợ trái phiếu lan rộng, ông Dương Hồng Hà, Phó Trưởng ban Ban giám sát tổng hợp, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho hay, bất kỳ thị trường TPDN quốc gia nào đều có rủi ro nhất định, tỷ lệ vỡ nợ TPDN trung bình trên thế giới vào khoảng 3%. Hiện tổng dư nợ TPDN phát hành của 67 doanh nghiệp chậm thanh toán đang là 110.000 tỷ đồng, chiếm gần 10% tổng lượng TPDN đang lưu hành trên thị trường. Trong đó có hơn 30.000 tỷ đồng đáo hạn năm nay (trong điều kiện chưa áp dụng Nghị định 08/2023/NĐ-CP). Tuy vậy, Nghị định 08 ra đời sẽ giải tỏa bớt áp lực cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thêm thời gian trả nợ nhà đầu tư.

Việc triển khai Nghị định 08 cần thêm thời gian để đánh giá, song ông Hà cho rằng, trước mắt, không nên đề cập đến vấn đề đổ vỡ TPDN vì sẽ ảnh hưởng đến tâm lý thị trường và ảnh hưởng dây chuyền. Khi đó, các hệ lụy có thể xảy ra là: mất mát tài sản của nhà đầu tư cá nhân, chủ doanh nghiệp phải bán tài sản để trả nợ, ảnh hưởng đến kết quả xếp hạng tín nhiệm quốc gia…  

Dù vậy, theo chuyên gia này, cần cân nhắc dự phòng các giải pháp mạnh hơn, đơn cử thành lập quỹ hỗ trợ trái phiếu. Nhìn xa hơn, cần phối hợp giải pháp khác khi nguồn cầu từ nhà đầu tư cá nhân trong thời gian tới sụt giảm, có giải pháp khuyến khích nguồn cầu của nhà đầu tư tổ chức.

Về Nghị định 08/2023/NĐ-CP, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho rằng, Nghị định chủ yếu hỗ trợ doanh nghiệp phát hành tái cấu trúc. Riêng với phát hành TPDN mới vẫn sẽ khó khăn do tâm lý nhà đầu tư vẫn rất yếu (nguồn cầu). Về phía cung, nhu cầu phát hành của doanh nghiệp vẫn rất lớn nhưng năng lực, chất lượng tổ chức phát hành bị hạn chế, cần có thời gian để doanh nghiệp nâng tầm lên và thích ứng với bối cảnh thị trường.

Chìa khóa để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, theo ông Quỳnh, phải đến từ sự minh bạch. Minh bạch đến từ sự chủ động của doanh nghiệp, đến từ yêu cầu của cơ quan quản lý, các quy định của pháp luật.

Ngoài ra, minh bạch chưa đủ mà phải đi kèm với sự nâng cao hiểu biết của nhà đầu tư. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp phát hành đã minh bạch thông tin song nhiều nhà đầu tư chỉ mua theo phong trào mà không hiểu được nội dung của các bản cáo bạch. Vì vậy, nâng cao hiểu biết của các thành viên tham gia thị trường là rất quan trọng.

Ngoài ra, cần một thể chế giám sát để các thành phần tham gia thị trường được đảm bảo công bằng. Cuối cùng là nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp - chất lượng của con nợ - và tổ chức phát hành. Làm được như vậy thị trường TPDN sẽ phát triển bền vững.

Để khơi thông nguồn vốn cho thị trường, ông Nguyễn Hải Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội ví von, tình cảnh hiện nay giống như tắc đường, mỗi bên phải lùi lại một chút, không chỉ khư khư giữ lại quyền lợi của mình, tạo điều kiện cho các kênh vốn.

Nghị định 08/2023/NĐ-CP mở đường cho doanh nghiệp đàm phán với trái chủ. Tuy nhiên, để có thể gỡ khó, cả ngân hàng thương mại, công ty quản lý quỹ, trái chủ nhìn bức tranh rộng ra, xem xét, cân nhắc giãn nợ cho doanh nghiệp.

Về phía doanh nghiệp cần có sự cơ cấu lại. Về phía cơ quan quản lý cần có sự kiểm soát, tăng cường công khai, minh bạch, nắm chắc dữ liệu nhà đầu tư để phân biệt. Các ngân hàng thương mại cần tích cực, thiện chí trong gỡ khó, khơi thông, thời hạn nợ, phân loại nợ, chuyển nhóm nợ nhằm giải quyết vấn đề về thanh khoản.

Ngoài ra, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cần thực hiện nhanh, quyết liệt hơn nữa để đảm bảo củng cố niềm tin nhà đầu tư. Sự phản ứng rất nhanh của Mỹ trong xử lý vấn đề thanh khoản là một bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Doanh nghiệp SME vẫn than đói vốn, ngân hàng nêu loạt lý do khó cho vay

 Tại Hội nghị “Các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi sản xuất kinh doanh” do NHNN tổ chức chiều nay, nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn khó tiếp cận vốn.

Theo đại diện Hiệp hội lương thực Việt Nam, vốn tín dụng là vấn đề được cộng động thương nhân xuất khẩu gạo vùng ĐBSCL quan tâm nhất hiện nay. Hầu như tất cả thương nhân đều gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn, nhất là vốn lưu động. Hạn mức tín dụng thấp làm ảnh hưởng đến tiến độ thu mua của các thương nhân, nhất là thời điểm chính vụ.

Trong khi đó, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp kinh doanh có uy tín thì việc vay vốn không có gì vướng mắc, tuy nhiên hiện nay lãi suất cho vay quá cao. Còn doanh nghiệp vừa và nhỏ lại khó khăn về nguồn vốn.

“Thực tế đang diễn ra là là nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) khi vay vốn ngân hàng thì không đủ chuẩn, thiếu minh bạch tài chính, phương án kinh doanh không khả thi. Đây là những hạn chế của DNNVV mà họ không thể sửa ngay. Do đó, để tạo thuận lợi cho tiếp cận nguồn vốn thì các ngân hàng có thể linh hoạt cho DNNVV vay những gói tín dụng nhỏ, tăng cho vay tín chấp thông qua phương án kinh doanh. Ngoài ra, cần có chỉ đạo từ phía NHNN Việt Nam về việc nâng cao tỷ lệ vay tín chấp dựa vào dòng tiền ra, vào và phương án sản xuất kinh doanh của DNNVV", đại diện Hiệp hội đề xuất.  

Cũng theo Hiệp hội này, ngân hàng nên thay đổi, tăng cường khả năng đánh giá, nhận biết chính xác về phương án kinh doanh của DNNVV, từ đó đánh giá tính khả thi và dòng tiền mang lại trong tương lai. Đồng thời phải nâng cao năng lực cán bộ tín dụng bởi rất nhiều cán bộ tín dụng quen với việc thẩm định những DN lớn có kết quả kinh doanh tốt, báo cáo tài chính minh bạch, phương án sản xuất kinh doanh rõ ràng, khả thi nên khi chuyển sang thẩm định các DNNVV mà không đạt các tiêu chuẩn đó thì họ không thẩm định được, kết quả là không dám cho vay vì lo ngại nợ xấu.   

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, thời gian qua, NHNN đã triển khai nhiều chính sách để thúc đẩy cho vay lĩnh vực này thông qua nhiều kênh như: tín dụng thương mại tại các NHTM, tín dụng ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội  và tín dụng tại các ngân hàng có bảo lãnh của các Quỹ bảo lãnh doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Hiện nay hầu hết các TCTD đã tham gia cho vay đối với các doanh nghiệp lxinh vực này. Bình quân giai đoạn 2018-2022, dư nợ tín dụng đối với DNNVV tăng 14,17%, cao hơn bình quân chung toàn nền kinh tế. Đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với DNNVV tăng 8,28% so với cuối năm 2021, chiếm khoảng gần 19% tổng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế.

Ông Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc BIDV khẳng định, thời gian qua, hệ thống ngân hàng luôn đồng hành, triển khai đồng bộ các chương trình hỗ trợ nguồn vốn cho sự phát triển của DNNVV. Tại BIDV, nhóm DNNVV chiếm 98% về số lượng, 40 % về dư nợ KHDN trong nước, là phân khúc khách hàng quan trọng trong chiến lược kinh doanh được BIDV ưu tiên các nguồn lực, hỗ trợ các giải pháp toàn diện để thúc đẩy và phát triển.  

Thời gian qua, BIDV triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi cho khách hàng DNNVV; nghiên cứu cắt giảm thủ tục, thời gian vay vốn cũng như phát  các sản phẩm tín dụng đặc thù, nhằm tháo gỡ khó khăn về tài sản đảm bảo cho đối tượng này…  

Mặc dù vậy, Phó Tổng Giám đốc BIDV cũng thừa nhận, nhưng trong quá trình triển khai cho vay DNNVV, BIDV cũng đối diện với nhiều khó khăn.

Thứ nhất, về nguồn vốn, NHNN quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn 5%/năm đối với DNNVV thuộc đối tượng ưu tiên, tuy nhiên các ngân hàng thương mại phải dùng nguồn vốn thương mại từ huy động vốn cá nhân/tổ chức (với mức lãi suất huy động cao) để cho vay. Bên cạnh đó, với đối tượng khách hàng này, ngân hàng phải dành nhiều thời gian tác nghiệp cho khoản vay quy mô nhỏ, dẫn tới chi phí đầu vào cao.

 Về điều kiện tín dụng, DNNVV thường có mô hình kinh doanh nhỏ lẻ, thiếu minh bạch giữa tài chính của cá nhân, chủ sở hữu và doanh nghiệp, báo cáo tài chính thường chưa được kiểm toán, trình độ quản lý, tổ chức, điều hành, nguồn vốn, năng lực sản xuất, trình độ kỹ thuật còn hạn chế … nên trong nhiều trường hợp khó đáp ứng điều kiện vay vốn Ngân hàng.

Về Tài sản bảo đảm, doanh nghiệp nhỏ và vừa thường không có đủ TSBĐ để đáp ứng nhu cầu tín dụng ngày tăng cao để phát triển kinh doanh. Mặc dù Chính phủ đã có cơ chế bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tại Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) và bảo lãnh tín dụng tại các Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương tuy nhiên việc triển khai các cơ chế bảo lãnh tín dụng cho DNNVV còn kém hiệu quả, gặp nhiều vướng mắc khó khăn, và rất ít Doanh nghiệp có thể tiếp cận được.

Phía NHNN cũng khẳng định, sở dĩ vẫn còn có phản ánh DNNVV khó tiếp cận vốn ngân hàng là do nhiều vướng mắc.

Về phía ngành ngân hàng, thứ nhất, trong bối cảnh thực hiện cơ cấu lại hoạt động ngân hàng, các TCTD đang ngày càng đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, đòi hỏi ngày càng cao tính minh bạch về thông tin, tài chính, tài sản bảo đảm của khách hàng, do đó, không thể thực hiện các giải pháp về “hạ chuẩn” điều kiện cấp tín dụng.

Thứ hai, DNNVV là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên được áp dụng chính sách trần lãi suất cho vay ngắn hạn, do đó, các DNNVV phải đáp ứng được điều kiện về tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh để được tiếp cận chính sách ưu tiên trần lãi suất theo quy định.

Thứ ba, thời gian qua trước diễn biến lạm phát kinh tế thế giới và trong nước, mặt bằng lãi suất cho vay có giai đoạn tăng cao, việc tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ còn gặp khó khăn.

Thứ tư, việc tiếp cận thông tin về các DNNVV còn hạn chế do hiện nay các TCTD chủ yếu khai thác thông tin thông qua việc tìm hiểu trực tiếp doanh nghiệp và qua Trung tâm thông tin tín dụng (CIC), chưa khai thác được tối đa các thông tin từ các hiệp hội, ngành nghề, cơ quan thuế, cơ quan hải quan...  

Về phía doanh nghiệp SME cũng còn nhiều vướng mắc nội tại.

Thứ nhất, hầu hết các DNNVV là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nên quy mô vốn, vốn chủ sở hữu, năng lực tài chính, trình độ quản trị hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi, số liệu tài chính thiếu minh bạch, chính xác, thiếu tài sản bảo đảm, không có báo cáo tài chính được kiểm toán… không đáp ứng các chuẩn mực theo quy định nên ngân hàng khó xem xét cấp tín dụng.

Thứ hai, đa số các DNNVV khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng là các DNNVV mới thành lập, mới gia nhập các ngành, lĩnh vực kinh tế mới, vì vậy, TCTD không có dữ liệu lịch sử hoạt động, không thể thực hiện xếp hạng tín nhiệm khi thẩm định, đánh giá khả năng trả nợ của DNNVV, các TCTD khó khăn trong việc quản lý dòng tiền do nhiều DNNVV chưa có sự hợp tác chặt chẽ với ngân hàng.

Thứ ba, các DNNVV trong thời gian qua đã từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả nợ hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn…

Thứ tư, các DNNVV còn hạn chế về kỹ năng hoạch định, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh nên các phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thường thiếu tính khả thi và chưa có kế hoạch ứng phó với biến động thị trường.

Thứ năm, vướng mắc pháp lý đối với tài sản thế chấp của DNNVV, vướng mắc tài sản là hợp đồng thế chấp tại khu công nghiệp; tình trạng quy hoạch treo, công trình trên đất không có giấy phép xây dựng hoặc chưa hoàn công…dẫn đến không đáp ứng được điều kiện vay vốn của doanh nghiệp.

Ngân hàng được giãn nợ, giảm hệ số rủi ro với nhiều dự án bất động sản

Nghị quyết số 33/NQ-CP đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc về nguồn vốn tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp.

Về tín dụng, các giải pháp đáng lưu ý mà Nghị quyết đưa ra là: tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng; có biện pháp xử lý phù hợp cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn (giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ…); tập trung các Dự án, phương án vay vốn khả thi, khách hàng có năng lực tài chính, khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn; ưu tiên các dự án bất động sản nhà ở, đáp ứng nhu cầu thực của người dân, có hiệu quả, thanh khoản tốt như nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, văn phòng cho thuê, bất động sản phục vụ sản xuất, công nghiệp, du lịch…

Đặc biệt, Nghị quyết cũng chính thức thông qua Chương trình Tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng với chủ lực là 4 ngân hàng thương mại nhà nước cho vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn 1,5 - 2% lãi suất thị trường (Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí được thụ hưởng Chương trình).

Ngoài ra, Nghị quyết cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét điều chỉnh phù hợp hệ số rủi ro đối với các phân khúc bất động sản khác nhau; chỉ đạo các tổ chức tín dụng đánh giá tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, tiềm năng của từng dự án và loại hình phân khúc bất động sản để xem xét điều chỉnh các điều kiện cho vay mà không đánh đồng chính sách với các dự án có những rủi ro.

Nói cách khác, về nguồn vốn tín dụng, ngoài gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, Nghị quyết đã “mở” cơ chế cho các ngân hàng thương mại được giãn nợ cho các doanh nghiệp bất động sản. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cũng có cơ sở để giảm bớt điều kiện cho vay, hạ hệ số rủi ro với một số phân khúc bất động sản có độ rủi ro thấp, từ đó tăng khả năng tiếp cận vốn cũng như hạ lãi suất cho doanh nghiệp bất động sản.

Theo các doanh nghiệp bất động sản, Nghị quyết số 33/NQ-CP đã mở ra triển vọng khai thông thế kẹt dòng vốn cho thị trường, nhưng để Nghị quyết đi vào cuộc sống, vẫn cần các hướng dẫn cụ thể hơn.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, gói 120.000 tỷ đồng là “liều thuốc bổ” với thị trường.

“Mong rằng, NHNN và Bộ Tài chính nhanh chóng đưa ra hướng dẫn cụ thể về điều kiện, đối tượng tiếp cận nguồn vốn này. Theo tôi, ngoài nhóm đối tượng phát triển nhà ở xã hội, giá rẻ, thì cũng nên cho cả các dự án bất động sản đang ở giai đoạn gần hoàn thành, nhưng chỉ vì thiếu vốn nên tắc nghẽn được tiếp cận chương trình này, kể cả đó là dự án nhà trung và cao cấp. Khi đó, dòng vốn sẽ được gỡ nghẽn”, ông Đính kiến nghị.

Tuy nhiên, gói 120.000 tỷ đồng có thể chưa được giải ngân ngay, dù nguồn tiền của các ngân hàng đã sẵn sàng. Lý do là vẫn phải chờ Bộ Xây dựng đưa ra tiêu chí về đối tượng tiếp cận vốn. Ngoài ra, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân… vẫn còn hạn chế và không thể cấp phép ngay cho các dự án trong một sớm, một chiều.

Giải pháp “cấp cứu” được nhiều doanh nghiệp mong đợi sẽ được ngân hàng vào cuộc tích cực nhất hiện nay theo quy định của Nghị quyết số 33/NQ-CP là giãn nợ. Mới đây, các tập đoàn bất động sản lớn cũng đồng loạt đề nghị NHNN cho phép cơ cấu nợ, giãn nợ.

NHNN tán thành với ý kiến cho rằng, Bộ Xây dựng cần rà soát, xem dự án nào mang tính đầu cơ, dự án nào gắn với sản xuất - kinh doanh, thương mại - dịch vụ, thì sẽ có ứng xử về các giải pháp tháo gỡ riêng.

Việc điều chỉnh lại hệ số rủi ro bất động sản cũng được doanh nghiệp hoan nghênh. Đại diện Vingroup cho hay, hiện hệ số rủi ro kinh doanh bất động sản được áp dụng chung ở mức 200%. Tuy nhiên, mức độ rủi ro tùy thuộc vào từng doanh nghiệp, từng dự án. Với các dự án đầy đủ cơ sở pháp lý, sẽ không có nhiều rủi ro. Việc áp dụng hệ số rủi ro cao cào bằng sẽ ảnh hưởng tới doanh nghiệp.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cũng nhấn mạnh, việc phân loại bất động sản để điều chỉnh hệ số rủi ro với bất động sản là rất cần thiết.

Như vậy, hàng loạt vướng mắc về tín dụng đã và sắp được tháo gỡ, mang lại nhiều hy vọng cho doanh nghiệp bất động sản. Hiện nay, thanh khoản hệ thống ngân hàng khá dồi dào, nhiều ngân hàng sẵn sàng rót vốn cho các dự án bất động sản khả thi, có pháp lý đầy đủ. Tuy vậy, ngay cả khi NHNN “bật đèn xanh”, số dự án đáp ứng được điều kiện giải ngân cũng không nhiều, do đa số dự án vẫn đang vướng mắc về pháp lý.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho hay, 2 tháng đầu năm, tín dụng bất động sản tăng chậm so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Thống đốc, khó khăn chủ yếu của bất động sản hiện nay là vấn đề pháp lý, nếu khó khăn này được tháo gỡ, các tổ chức tín dụng mới có điều kiện thúc đẩy giải ngân tín dụng bất động sản.

Giai đoạn hiện tại, để gỡ nghẽn thanh khoản, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp nên tận dụng Nghị quyết số 33/NQ-CP để đàm phán với ngân hàng giãn nợ, đàm phán với trái chủ cơ cấu kỳ hạn trả nợ hoặc thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng thu hẹp danh mục dự án, “chịu đau” bán tài sản để trả nợ. Tất nhiên, điều này phải được thực hiện song song với quá trình đề nghị các cơ quan chức năng tháo gỡ vướng mắc pháp lý, bởi với các dự án còn vướng mắc pháp lý, doanh nghiệp không thể bán hoặc hoán đổi cho trái chủ.

Ngăn sở hữu chéo ngân hàng: Vì sao voi vẫn chui lọt lỗ kim?

Ngân hàng Nhà nước dự kiến ban hành các quy định chặt chẽ hơn để ngăn chặn sở hữu chéo, rót vốn sân sau. Mặc dù vậy, việc ngăn chặn sở hữu chéo ngân hàng rất khó khăn.

Trong Dự thảo Luật tổ chức tín dụng sửa đổi mà Ngân hàng Nhà nước đang đưa ra lấy ý kiến, rất nhiều quy định mới được sửa đổi, bổ sung nhắm  siết chặt hơn giới hạn về cho vay và tỷ lệ sở hữu cổ phần của một hoặc một nhóm cổ đông tại ngân hàng.

Theo đó, dư nợ cấp tín dụng tối đa đối với một khách hàng dự kiến giảm từ mức 15% như hiện hành xuống còn 10%, tính trên vốn tự có nhà băng.

Tổng dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại, giảm so với quy định hiện hành là 25%.

Dự thảo cũng rút tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ ngân hàng của một cá nhân từ mức 5% hiện nay xuống còn 3%.  Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng (hiện tại là 15%), trừ ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt hoặc sở hữu của nhà nước tại ngân hàng. Tỷ lệ sở hữu tối đa của nhóm cổ đông và người liên quan cũng được đề xuất giảm từ 20% xuống 15%.

Nhiều ngân hàng thương mại cho rằng, các quy định trên là quá chặt và có thể làm ảnh hưởng đến dòng chảy vốn đến nền kinh tế.  Tuy vậy, ông Tạ Quang Đôn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, đề xuất giảm giới hạn cho vay là nhằm tăng cường tính đại chúng của ngân hàng, chống sở hữu chéo, chống thao túng, chống lạm quyền cấp tín dụng và gia tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng cho người dân.

Mặc dù quy định về sở hữu chéo và cấp tín dụng sân sau ngày càng thắt chặt  song việc ngăn cổ đông lớn lũng đoạn ngân hàng không đơn giản nếu cổ đông lớn cố tình che giấu người liên quan.

Trong báo cáo gửi tới Quốc hội cuối năm 2022 (ngay sau khi SCB bị đưa vào kiểm soát đặc biệt), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, thực tế việc xử lý vấn đề sở hữu vượt mức quy định và sở hữu chéo vẫn rất khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che giấu, nhờ cá nhân/tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật về sở hữu chéo/sở hữu vượt mức quy định. Việc này chỉ có thể được phát hiện và nhận diện thông qua điều tra, xác minh của cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật.

Trao đổi với Báo điện tử Đầu tư - baodautu.vn, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, mặc dù Luật Các tổ chức tín dụng đã có quy định về cho vay với người liên quan, tránh ông chủ vay tiền cho các công ty con, song các tập đoàn lách quy định bằng việc đẻ ra hàng trăm công ty con để vay tiền.

“Nói cách khác, luật chúng ta đã có, song chưa làm được nhiệm vụ trinh sát, chưa nói đến “đánh trận”. Vì vậy, vấn đề an ninh tiền tệ, an toàn hệ thống phải là trọng tâm xử lý của điện tử và phải tập trung nguồn lực thật sự không chỉ năm 2023, mà còn nhiều năm tới, vì xử lý sở hữu chéo không thể hoàn thành trong 1-2 năm”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, sở hữu chéo là tồn tại lâu đời của  hệ thống ngân hàng Việt Nam, cũng là cội nguồn của mọi cuộc khủng hoảng tiền tệ ở nước ta.

Phát hiện sở hữu chéo không hề đơn giản. Có hiện tượng sở hữu chéo thanh tra ngân hàng có thể nhìn thấy, song cũng có những biểu hiện thì chỉ khi cơ quan an ninh điều tra mới phát hiện ra được.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong thanh tra, giám sát ngân hàng, song dường như chưa thể xoay chuyển được tình thế để đáp ứng được một hệ thống ngân hàng lành mạnh, hướng được tới các mục tiêu lớn trong tương lai, như công nghiệp hóa đất nước. Đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng Ngân hàng Nhà nước, mà cả bộ máy Chính phủ, Quốc hội phải vào cuộc mạnh mẽ hơn trong những năm tới. Chỉ khi giữ được an ninh tiền tệ, thì mới giữ được niềm tin của dân chúng, giúp cho nền kinh tế phát triển ổn định.

Chỉ Sơn Kim, Masan phát hành thành công, có tới 67 doanh nghiệp chậm trả nợ trái phiếu
Trong tháng 2/2022 chỉ có 2 doanh nghiệp phát hành TPDN là bất động sản Sơn Kim và Tập đoàn Masan. Trong khi đó, số doanh nghiệp chậm thanh toán nghĩa vụ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư