Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 09 tháng 12 năm 2024,
Masan Consumer tạo thêm kỷ lục mới, tiến nhanh ra thị trường quốc tế
PV - 07/11/2024 18:24
 
Là mảng kinh doanh lâu đời nhất của Masan Group, Masan Consumer bền bỉ tăng trưởng mạnh mẽ hai chữ số, giữ vững vai trò một trong hai trụ cột quan trọng nhất của tập đoàn.

Masan Consumer đóng góp quan trọng vào mức tăng doanh thu quý III gần 7% so với cùng kỳ năm trước của Tập đoàn Masan. Doanh số đạt gần 8.000 tỷ đồng, Masan Consumer có mức tăng hơn 10% trong quý vừa qua, với doanh số tuyệt đối đứng thứ hai sau WinCommerce. Đặc biệt, đây cũng là mức doanh thu kỷ lục của Masan Consumer, tính theo quý III hàng năm.

Sau 9 tháng, lĩnh vực hàng tiêu dùng mang về cho Masan gần 22.000 tỷ đồng doanh thu, cao hơn 11% so với cùng kỳ, cũng là mức tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong các mảng kinh doanh của tập đoàn.

Toàn cảnh buổi chia sẻ kết quả kinh doanh của Masan

Không chỉ tiến về lượng, Masan Consumer còn tiếp tục bứt phá về chất khi biên lợi nhuận gộp được duy trì gần 47% trong một năm qua. Từ đầu năm 2023, công ty bắt đầu cải thiện tỷ suất lãi gộp thêm 5 điểm phần trăm, ngay trong lúc người tiêu dùng vẫn thận trọng chi tiêu khi tình hình kinh tế chưa quá khởi sắc.

Kết quả tăng trưởng 2 chữ số cùng mức biên lãi gộp đáng mơ ước với nhiều doanh nghiệp không xuất phát từ việc tăng giá bán mà nhờ chiến lược cao cấp hoá danh mục sản phẩm, tiết kiệm chi phí, duy trì tồn kho ở mức tối ưu với mục tiêu đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng của Masan Consumer. Thành tích này càng nổi bật trong bối cảnh chi phí vật liệu, bao bì tăng đáng kể từ đầu năm.

Những hành động cụ thể của Masan Consumer là tiếp tục thúc đẩy những sản phẩm cao cấp mới trong ngành hàng gia vị và thực phẩm tiện lợi, đồng thời giữ mức giá phù hợp với sản phẩm quan trọng. Riêng phân khúc cao cấp hiện chiếm 16% doanh số ngành hàng nước mắm công ty và 52% với thực phẩm tiện lợi, lần lượt tăng 11% và 24% so với cùng kỳ 2023.

Masan Consumer cũng giảm các hoạt động xúc tiến, quảng bá không quá cần thiết để đầu tư vào việc phát triển thêm kênh phân phối mới như thương mại điện tử, nhà hàng khách sạn, mở rộng ở khu vực nông thôn nhằm đến gần người tiêu dùng nhất có thể. Hiện công ty đã có hơn 340.000 điểm bán truyền thống như tạp hoá, chợ và 6.000 điểm ở kênh hiện đại. Hàng tồn kho tại các nhà phân phối duy trì ở mức ổn định là 14 ngày.

Bộ sản phẩm Chin-Su được thị trường Nhật Bản ưa chuộng

Đại diện Masan Consumer cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng doanh thu trong quý IV bằng việc tiếp tục thực hiện chiến lược cao cấp hóa các ngành hàng gia vị, thực phẩm tiện lợi, áp dụng thêm với đồ uống, chăm sóc gia đình và cá nhân, cà phê hoà tan, đồng thời tinh giản một số sản phẩm hoạt động kém hiệu quả để tối ưu hóa lợi nhuận.

Theo nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán SSI, Masan Consumer đang là doanh nghiệp có tốc độ đổi mới sáng tạo nhanh bậc nhất trong lĩnh vực hàng tiêu dùng ở Việt Nam với bình quân hơn 30 sản phẩm mới được giới thiệu đến khách hàng mỗi năm giai đoạn 2017-2023.

Masan Consumer mất trung bình từ 4 đến 6 tháng để đưa nhiều sản phẩm từ kế hoạch đến tay người tiêu dùng. Chu trình này trung bình với nhiều tập đoàn đa quốc gia là 2 năm. “Chúng tôi vận dụng hết nhiệt huyết, trí tuệ để giới thiệu những sản phẩm chất lượng tốt nhất, nhanh nhất ra thị trường”, đại diện công ty chia sẻ.

Với DNA đổi mới đó, việc hoàn thành mục tiêu tiếp tục đa dạng danh mục các sản phẩm cao cấp phù hợp với xu hướng tiêu dùng thay đổi hoàn toàn nằm trong tầm tay công ty.

Ngoài việc giữ vững thị phần thống trị trên kệ hàng trong nước ở những ngành quan trọng như gia vị, thực phẩm tiện lợi, bộ phận phân tích của SSI nhấn mạnh chiến lược quốc tế hoá của Masan Consumer bắt đầu trả về những trái ngọt sau thời gian dài đầu tư.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, xuất khẩu mang về cho Masan Consumer 801 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Nổi bật nhất trong hành trình “Go Global” của Masan là Chinsu khi tương ớt Chinsu Sriracha đã đạt vị trí top đầu trong các sản phẩm bán chạy trên Amazon, nền tảng thương mại điện tử lớn nhất thế giới hiện nay, theo SSI. 

Nằm trong chiến lược “Go Global", Masan Group đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Cơ quan Phát triển Xuất khẩu Canada (EDC), đơn vị chuyên về tín dụng xuất khẩu của quốc gia phát triển khối G7 này. Các lĩnh vực hợp tác chính bao gồm hàng tiêu dùng nhanh có thương hiệu, sản phẩm tươi sống và thịt có thương hiệu, bán lẻ, F&B, dịch vụ tài chính và khai thác, chế biến khoáng sản.

EDC đã mở văn phòng đại diện đầu tiên tại Việt Nam đầu năm nay trong chiến lược thâm nhập thị trường Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Canada. Masan chính là một trong những doanh nghiệp tiên phong của Việt Nam trực tiếp hợp tác với cơ quan này.

Masan sắp nhận về hơn 11.279 tỷ đồng cổ tức từ “viên kim cương” Masan Consumer
Masan Consumer sẽ chốt quyền nhận cổ tức “khủng” ngay trong tuần này và trả tiền vào tài khoản cổ đông vào 4/10. “Viên kim cương gia bảo”...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư