Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Mất 470 tỷ đồng thuế, DN xăng dầu muốn gặp Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng
Thanh Hương - 17/06/2014 12:15
 
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam lại có văn bản đề nghị gặp Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng xung quanh vụ việc truy thu thuế với xăng dầu tạm nhập nhưng không tái xuất hết.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Đại biểu quyết “đòi nợ” Bộ Tài chính - Công thương
Công khai thu nhập, tiền thưởng của cán bộ Petrolimex, EVN
PG Bank thừa nhận sáp nhập để “né” thoái vốn
Ngã ngửa với lợi nhuận của Petrolimex
Tạm đình chỉ 13 cửa hàng xăng dầu tại TP.HCM

Trong đề xuất của mình, Hiệp hội Xăng dầu cho hay, cuộc gặp sẽ chỉ đề cập tới cơ sở pháp lý và nội dung của văn bản số 17060/TB-BTC hồi tháng 12/2012.

Liên quan đến văn bản này là câu chuyện truy thu khoảng 470 tỷ đồng tiền thuế nhập khẩu với các lô hàng xăng dầu được các thương nhân đầu mối tạm nhập nhưng không tái xuất mà chuyển tiêu thụ nội địa trong năm 2012.

  Các doanh nghiệp xăng dầu không cam chịu mất 470 tỷ đồng  
  PV Oil bị truy thu 66 tỷ đồng thuế nhập khẩu trong vụ việc này  

Trước đó, câu chuyện truy thu thuế xăng dầu tạm nhập không tái xuất hết và chuyển tiêu thụ nội địa trong năm 2012 đã gây ồn ào dư luận khi Bộ Tài chính ra các quyết định truy thu với những ông lớn là đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu gồm Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Công ty Xăng dầu quân đội, Công ty Nam Việt…

Tổng cộng số tiền truy thu theo các quyết định được công bố ban đầu là khoảng 330 tỷ đồng, trong đó riêng Petrolimex là khoảng 170 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi Kiểm toán Nhà nước kết thúc kiểm toán chuyên đề quản lý hàng tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập năm 2012 của Tổng cục Hải quan đã đưa ra con số 469,664 tỷ đồng thuế cần truy thu với xăng dầu tạm nhập tái xuất.

Theo Bộ Tài chính, việc truy thu thuế xăng dầu tạm nhập không tái xuất hết và chuyển tiêu thụ nội địa cũng dừng lại trong năm 2012 mà không tính cho giai đoạn 2009-2011 bởi lý do các doanh nghiệp đã quyết toán tài chính, nếu truy thu sẽ không có nguồn để thực hiện, gây nên ảnh hưởng khó khăn cho doanh nghiệp.

Liên quan đến chuyện này, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính cũng đã có những văn bản qua lại để nói về tính hợp pháp của văn bản số 17060/TB-BTC.

Bộ Tư pháp có văn bản 170/KTrVB cho rằng, công văn 17060/TB-BTC không tính đến và đã làm thay đổi cơ chế khai hải quan đã được xác lập tại Thông tư 194/2010/TT-BTC, đồng thời đã dẫn tới việc thay đổi thời điểm tính thuế với hàng hóa tạm nhập không tái xuất hết và chuyển tiêu thụ nội địa. Bởi vậy, Bộ Tư pháp đã đề nghị Bộ Tài chính hủy bỏ công văn 17060/TB-BTC.

Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Lê Hồng Sơn cũng cho rằng, không thể dùng công văn hành chính cá biệt như văn bản 17060/TB-BTC để “bẻ ghi”, thay thế cơ chế đã được xác lập tại Thông tư 194/2010/TT-BTC. Nếu Bộ Tài chính thấy cần xác lập quy chuẩn mới về vấn đề liên quan thì phải ban hành thông tư mới thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thông tư hiện hành làm cơ sở cho các bên liên quan thực hiện.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã không đồng ý quan điểm này và cho biết, bởi e ngại khi thực hiện Thông tư 194/2010/TT-BTC về thủ tục hải quan với trường hợp thay đổi loại hình nhập khẩu và áp dụng tính thuế với mặt hàng xăng dầu chuyển tiêu thụ nội địa có thể dẫn đến cách hiểu khác nên Bộ Tài chính đã ra Thông báo số 17060/TB-BTC.

“Đây là văn bản hành chính để đôn đốc công tác tổ chức thực hiện về khai và đăng ký tờ khai, thu, nộp thuế thống nhất trong toàn lực lượng hải quan, đảm bảo việc thực thi đúng quy định pháp luật, thu đủ thuế đối với hàng nhập khẩu tiêu thụ nội địa. Việc làm này thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính theo khoản 2, điều 10 Luật quản lý thuế về chỉ đạo thực hiện quản lý thuế, chứ không phát sinh quy pháp pháp luật mới”, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính, ông Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định với Bộ Tư pháp.

Trước khi ra các quyết định truy thu, Bộ Tài chính cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về về câu chuyện này và được yêu cầu “hướng dẫn thực hiện đúng quy định pháp luật thuế, pháp luật hải quan hiện hành và kết quả kiểm tra của Bộ Tài chính, tránh hồi tố trách nhiệm pháp lý nặng hơn với doanh nghiệp”.

Được biết các doanh nghiệp xăng dầu cũng có những kiến nghị liên quan lên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội và Ủy ban này đã đề nghị Bộ Tài chính có các giải đáp cho doanh nghiệp.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư