Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 09 tháng 05 năm 2024,
Bệnh mề đay hành hạ bệnh nhân mùa nắng nóng
D.Ngân - 27/04/2024 09:14
 
Mùa nắng, số bệnh nhân mắc mề đay tăng lại nhiều cơ sở y tế, trong đó có nhiều trường hợp mất ngủ, nhiễm trùng, sưng mặt, khó thở, sốc phản vệ.

Anh N.X.T. 22 tuổi nhưng tới 12 năm bị mề đay. Đang vào mùa cao điểm ôn thi tốt nghiệp nhưng T. “cúp học”, đi bệnh viện liên tục. Điều đầu tiên T. hỏi bác sĩ là “làm sao để không còn ngứa do mề đay?”. Tất cả vùng da khuỷu chân, khuỷu tay, quanh bụng của T. đều dày cộm.

Mùa nắng, số bệnh nhân mắc mề đay tăng lại nhiều cơ sở y tế, trong đó có nhiều trường hợp mất ngủ, nhiễm trùng, sưng mặt, khó thở, sốc phản vệ.

Thạc sĩ bác sĩ nội trú CKI Trần Nguyễn Anh Thư, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, tư vấn T. phải “cai” gãi thì mới hạn chế số lần ngứa xuất hiện. T. lắc đầu không làm được.

Kết quả xét nghiệm 60 dị nguyên tìm nguyên nhân gây dị ứng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho thấy anh T. dị ứng với nhiều nhóm, trong đó có nhóm dị nguyên về hô hấp như bụi nhà và mạt bụi nhà.

Bên cạnh đó, anh còn có cơ địa nổi mề đay khi thời tiết thay đổi. Đây là nguyên nhân khiến anh thường xuyên bị ngứa khi nổi mề đay. Trước đây anh đã từng 3 lần phải nhập viện cấp cứu vì bệnh này.

Lần gần nhất cách đây 5 ngày, vài tiếng sau chuyến du lịch từ Đà Lạt về TP HCM, anh T. đột ngột nổi sẩn phù ở hai cánh tay, ngứa nhẹ. Anh uống thuốc chữa mề đay theo đơn của người quen, nhưng tình trạng bệnh khá nặng không đáp ứng với thuốc. Mề đay vẫn nổi dày toàn thân, sưng đau, ngứa dữ dội.

Người bệnh được chẩn đoán nổi mề đay cấp tính do cơ thể chưa kịp thích nghi với thay đổi nhiệt độ khi di chuyển từ vùng lạnh sang nóng.

Thời tiết thay đổi do giao mùa, chuyển vùng đột ngột, tắm nước quá nóng hoặc quá lạnh khiến da khô, mất độ ẩm tự nhiên dễ kích thích nổi mề đay, bác sĩ Thư cho biết.

Thời điểm này ở TP.HCM, nhiệt độ ban ngày duy trì ở mức cao từ 35-38 độ C, trong khi đó Đà Lạt thấp hơn, khoảng 27-29 độ C, ban đêm thấp nhất là 13-15 độ C.

Mề đay (hay mày đay) là phản ứng của của hệ miễn dịch trước các tác nhân gây dị ứng. Mề đay mạn tính như anh T. thường đáp ứng kém với các giải pháp điều trị.

Bệnh dù đa phần nhẹ, ít gây nguy hiểm ngay lập tức nhưng nếu không chăm sóc và điều trị đúng cách dễ gây ra các biến chứng như chàm hóa (viêm da cơ địa), tăng sắc tố da (sạm da) và làm tăng nguy cơ mắc thêm các bệnh dị ứng khác.

Một số trường hợp nặng, không được cấp cứu kịp thời, người bệnh có nguy cơ sốc phản vệ, tử vong. Những đợt cấp tính của mề đay mạn còn ảnh hưởng đến các cơ quan hô hấp và tiêu hóa dẫn đến khó thở, đau nhức cơ, nôn mửa, tiêu chảy…

Do đó, bác sĩ Thư khuyến cáo anh T. duy trì sử dụng thuốc kháng histamin hàng ngày, theo đúng chỉ định của bác sĩ để kiểm soát bệnh. Đồng thời, hạn chế tiếp xúc với các dị nguyên gây dị ứng, cũng như tránh thay đổi nhiệt độ môi trường quá đột ngột.

Bà P.T.A. (46 tuổi, Đồng Nai) cũng khốn khổ khi bị rối loạn giấc ngủ vì mề đay trong mùa nắng nóng. Từ sau Tết tới nay, mề đay khởi phát với tần suất nhiều hơn.

Khắp người bà nổi sẩn phù, ngứa nhiều tới nỗi cào gãi xước da. Ban đêm cơn ngứa càng dữ dội, khiến bà không ngủ được, ảnh hưởng cuộc sống và công việc.

Khi làm xét nghiệm dị nguyên, phát hiện bà A. dương tính với nhiều dị nguyên thuộc nhóm hô hấp và thức ăn. Người bệnh được kê đơn kết hợp thuốc kháng histamin với liều cao gấp 4 lần bình thường mới kiểm soát được tình trạng bệnh ổn định. Hiện sau 3 tháng điều trị, bà A. chỉ còn dùng thuốc duy trì ở liều bình thường.

Mề đay là bệnh dị ứng phổ biến, khoảng 15%-25% dân số mắc bệnh này. Nổi mề đay xảy ra khi hệ miễn dịch phản ứng với tác nhân gây dị ứng.

Lúc này, tế bào mast (một loại tế bào bạch cầu trong cơ thể) đóng vai trò chính, giải phóng histamin, leukotriene, chemokine, cytokine và bradykinin sau khi được hoạt hóa.

Trong đó bradykinin (hoạt chất trung gian hóa học của quá trình viêm) có vai trò gây hoạt hóa tế bào nội mô mạch máu, dẫn tới giãn mạch, tăng tính thấm thành mạch gây biểu hiện phù mạch trên lâm sàng.

Bệnh chia thành 2 loại. Nếu thời gian diễn tiến bệnh dưới 6 tuần là mề đay cấp tính. Còn mề đay mạn tính diễn ra trong vòng ít nhất 6 tuần liên tiếp, xuất hiện triệu chứng của mề đay ít nhất 2 ngày/tuần.

Theo bác sĩ Thư, có rất nhiều nguyên nhân gây mề đay, phổ biến nhất là do thức ăn (trứng, cá, sữa, thịt, hải sản, đồ hộp, đồ lên men, tinh bột, thức uống có cồn); thuốc; nọc độc côn trùng; tác nhân đường hô hấp (bụi, lông chó mèo, khói thuốc); hoá chất (thuốc nhuộm, chất bảo quản, mỹ phẩm).

Khoảng 50% số ca mề đay mạn tính do các yếu tố vật lý, như dị ứng ánh nắng, nước hay thời tiết quá lạnh hoặc quá nóng; do gắng sức, stress; do rung lắc. Mề đay cũng xuất hiện khi mắc các bệnh tự miễn, đái tháo đường, viêm mạch, hoặc ung thư. 50%-60% người bị mề đay liên quan đến yếu tố di truyền. Mề đay tự phát (vô căn) là không tìm ra nguyên nhân, chiếm khoảng 50% ca bệnh.

Mề đay cấp tính mức độ nhẹ có thể tự khỏi theo thời gian khi ngừng tiếp xúc với dị nguyên, hoặc đáp ứng tốt giảm dần với thuốc kháng histamin trong vài ngày đến vài tuần.

Tuy nhiên, mề đay mạn tính do di truyền và vô căn khả năng tự khỏi thấp. Bệnh tái phát nhiều lần nên điều trị chính là thuốc kháng histamin để giảm bớt triệu chứng ngứa, khó chịu. Người bệnh phải dùng thuốc duy trì kéo dài nếu triệu chứng của bệnh gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Khi bị mề đay người bệnh thường cảm thấy nóng rát và ngứa vùng thương tổn cả ngày lẫn đêm. Nhiều người càng gãi càng ngứa, và sang thương mề đay càng lan rộng hơn.

Đặc biệt, mề đay mạn tính dai dẳng, liên tục tái phát làm mất tập trung, rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng thẩm mỹ, tâm lý khiến người bệnh tự ti, giảm chất lượng sống, bác sĩ Thư cho biết.Mề đay có thể nổi ở mọi vị trí, nổi ở cổ, mặt gây mất thẩm mỹ, mặc cảm cho người bệnh.

Đặc điểm chung của bệnh nhân mề đay mạn tính là có cơ địa (gene) dị ứng. Tức là người bệnh dễ đồng mắc các bệnh dị ứng khác như viêm da cơ địa, viêm mũi dị ứng, hen suyễn… gây khó chịu ở nhiều cơ quan cùng lúc và tăng nguy cơ diễn tiến nặng.

Bên cạnh đó, có hàng ngàn dị nguyên gây bệnh mề đay nhưng chỉ một phần nhỏ có thể xét nghiệm chẩn đoán, bác sĩ Thư cho biết. Một người có thể bị ứng với nhiều dị nguyên, và các loại dị nguyên có thể khác nhau ở mỗi thời điểm.

Bác sĩ khuyến cáo người bệnh không nên tự điều trị mề đay. Khi da có triệu chứng là các nốt sẩn phù nhiều hình dạng (tròn, bầu dục, vòng) với nhiều kích thước (vài mm đến hơn 10cm), kèm ngứa nhiều, châm chích cần tới bệnh viện khám để tìm nguyên nhân và có phương pháp điều trị phù hợp…

Đặc biệt, nếu nổi mề đay kèm sưng môi, buồn nôn, tim đập nhanh, lạnh run, người bệnh có thể đang rơi vào sốc phản vệ, cần được đưa đến khoa cấp cứu tại bệnh viện ngay lập tức.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư