Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Minh bạch thông tin để xoá dần khác biệt
Bảo Duy - 10/11/2015 08:57
 
Kể từ thời điểm này, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sẽ phải tuân thủ đúng, đầy đủ yêu cầu công bố thông tin theo Nghị định 81/2015/NĐ-CP chính thức có hiệu lực vào cuối tuần qua.
.
Doanh nghiệp nhà nước sẽ phải công bố thông tin định kỳ

Như vậy, sẽ có nội dung phải công bố định kỳ, có nội dung thuộc diện công bố bất thường, nhưng tựu trung, với các yêu cầu minh bạch hóa hoạt động, doanh nghiệp nhà nước sẽ không còn là ngoại lệ so với doanh nghiệp khác trên thị trường. Khi vi phạm quy định này, doanh nghiệp nhà nước cũng sẽ bị nêu danh, để thị trường phán xét giống như doanh nghiệp niêm yết, chứ không chỉ giới hạn trong nội bộ các cơ quan quản lý nhà nước như trước.

Đây chính là những điều kiện cần, quan trọng để áp đặt kỷ luật thị trường, chấm dứt những hệ lụy từ sự khác biệt giữa doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp khác trong quản trị, điều hành doanh nghiệp, hạn chế tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong khu vực doanh nghiệp này…

Đặc biệt, trong bối cảnh Chính phủ đang quyết liệt thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, việc tuân thủ các yêu cầu về minh bạch thông tin sẽ là hấp lực thu hút các nhà đầu tư tầm cỡ bỏ vốn vào doanh nghiệp, tạo sự thay đổi lớn về chất tại các đơn vị mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn.

Tất nhiên, không dễ để có ngay những thay đổi tại khu vực doanh nghiệp hiện nắm một nguồn lực rất lớn của đất nước. Cách đây 8 năm, trong Lễ trao giải Báo cáo thường niên tốt nhất năm đầu tiên do Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HSX), Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Báo Đầu tư phối hợp tổ chức, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như Bộ Tài chính, khi phát biểu trước các doanh nghiệp niêm yết đã đặt kỳ vọng vào sự thay đổi rất lớn về quản trị, về tầm vóc doanh nghiệp Việt Nam khi yếu tố minh bạch được tôn vinh. Khi đó, các vị lãnh đạo đã nói tới kế hoạch sẽ phải minh bạch hóa hoạt động của doanh nghiệp nhà nước như doanh nghiệp niêm yết, để tạo nên sự thay đổi lớn về quản trị trong khối doanh nghiệp này.

Từ đó đến nay, ít nhất có 8 văn bản pháp lý ở tầm nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về trách nhiệm công bố các thông tin liên quan tới các nội dung khác nhau trong hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, nhưng hiệu quả thực thi khá hạn chế. Nguyên nhân được xác định là các quy định phân tán, rải rác và chưa tạo thành một khung khổ thống nhất về công bố thông tin. Đồng thời, trách nhiệm, trình tự, thủ tục công bố thông tin của doanh nghiệp và các bên liên quan cũng chưa được quy định đầy đủ, thống nhất.

Nghị định 81/2015/NĐ-CP đã giải quyết những khó khăn trên với các quy định cụ thể cho từng đối tượng liên quan tới doanh nghiệp nhà nước. Có nghĩa, không chỉ doanh nghiệp, mà các cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến doanh nghiệp nhà nước đều có nghĩa vụ và trách nhiệm đảm bảo thông tin của khu vực này đến được với thị trường theo đúng yêu cầu. Bất cứ đối tượng vào vi phạm, đều sẽ bị xử phạt tương ứng với trách nhiệm của mình, từ khiến trách, đến hạ bậc lương, thậm chí là thôi việc… 

Mặc dù vậy, có lẽ vẫn cần một chế tài nghiêm khắc hơn, quyết liệt hơn, quy định cụ thể trách nhiệm của từng chức danh có liên quan đến công việc này. Và điều quan trọng nữa là tính khả thi của các chế tài đưa ra. Có thể nói, đây là điều kiện cần để nhanh chóng áp đặt kỷ luật thị trường đối với các doanh nghiệp nhà nước.

Từ 5/11, DNNN bắt buộc phải công bố công khai thông tin định kỳ
Với quy định cao hơn về nghĩa vụ công bố thông tin cùng cơ chế gắn trách nhiệm của từng vị trí công việc với yêu cầu công bố thông tin và chế...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư