Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 16 tháng 09 năm 2024,
Mở đường bay thẳng thương mại tới Hoa Kỳ: Cơ hội rộng mở, nhưng không dễ
Lê Quân - 21/11/2021 08:11
 
Trong bối cảnh vận tải biển tắc nghẽn, việc mở đường bay thẳng thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trở nên hết sức ý nghĩa.

Tuy nhiên, tham gia sâu vào sân chơi đẳng cấp như thị trường Hoa Kỳ không hề dễ với doanh nghiệp Việt, dù cơ hội được cho là nhiều hơn thách thức. 

Đường bay thẳng tới Hoa Kỳ sẽ mở ra cơ hội lớn cho ngành logistics và cơ hội vận chuyển bằng đường hàng không sẽ tăng mạnh.

Gia nhập sân chơi cạnh tranh bậc nhất thế giới

Mất tới 15 năm, tính từ lúc bắt đầu triển khai kế hoạch mở đường bay thẳng tới Hoa Kỳ đến ngày 16/11 - thời điểm Vietnam Airlines đón nhận chứng chỉ cấp phép khai thác thường lệ các chuyến bay thẳng thương mại không dừng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết: “Việc mở đường bay thẳng đến Hoa Kỳ không đơn giản. Thị trường hàng không này rất lớn và nhiều tiềm năng, nhưng đây cũng là thị trường cạnh trạnh bậc nhất thế giới”.

Theo đại diện hãng hàng không này, đối với Vietnam Airlines, thị trường hành khách đi lại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đang là thị trường vận tải hàng không lớn nhất. Tệp khách hàng mà Việt Nam Airlines nhắm đến không chỉ là cộng đồng 2,2 triệu người Việt Nam đang học tập, sinh sống tại Hoa Kỳ, mà còn phục vụ hành khách trên tuyến bay này.

Vietnam Airlines sẽ thực hiện 2 chuyến bay thẳng tới Hoa Kỳ mỗi tuần, nối TP.HCM với San Francisco (bang California). Dự kiến, chuyến bay thẳng đầu tiên đến Hoa Kỳ sẽ cất cánh vào ngày 28/11/2021.

Đây là tin mừng cho ngành logistics đang mắc kẹt trong khó khăn. Ông Đào Trọng Khoa, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, đường bay thẳng tới Hoa Kỳ sẽ mở ra cơ hội lớn cho ngành logistics và cơ hội vận chuyển bằng đường hàng không sẽ tăng mạnh.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng lại có những quy định ngặt nghèo về cấp phép hàng không và vận tải biển cho doanh nghiệp.

Theo quan sát của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, thị trường Hoa Kỳ trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn trong vấn đề vận tải biển và đứt gãy chuỗi cung ứng. Vận tải biển từ Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng gấp 5 - 6 lần trong thời gian qua, nhưng hàng hóa bị tắc nghẽn.

Trong bối cảnh doanh nghiệp hai bên đang gặp các khó khăn về logistics, bà Virginia Foote, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) tin rằng, việc mở đường bay thẳng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ tích cực cho hoạt động logistics, để hướng tới mục tiêu phục hồi, tái thiết chuỗi cung ứng.

Hết sức lưu tâm những quy định khắt khe

Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Hoa Kỳ, trong khi Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. “Hoa Kỳ là thị trường có sức tăng trưởng lớn nhất của Việt Nam, do đó, tới đây, cần có những định hướng tập trung vào một số ngành có triển vọng dài hạn như năng lượng, hàng không, hạ tầng… tạo động lực phát triển”, ông Nguyễn Thắng Vượng, đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) lưu ý.

Trước mắt, Covid-19 đang dần được kiểm soát tại Hoa Kỳ, tạo đà cho kinh tếtiêu dùng tại thị trường này phục hồi. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho rằng, khi mở rộng hợp tác sâu rộng với đối tác lớn mạnh như Hoa Kỳ thì thách thức cũng rất lớn.

Đầu tiên phải kể đến việc chính quyền Tổng thống Joe Biden có xu hướng kế thừa có chọn lọc từ người tiền nhiệm Donald Trump trong việc tạo áp lực lớn lên các đối tác trong quá trình đàm phán. Bên cạnh đó, trong quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ, có khoảng cách lớn giữa yêu cầu và khả năng đáp ứng, nên cần tập trung khắc phục trong thời gian tới.

Hơn nữa, trong quá trình đàm phán các hiệp định, Hoa Kỳ luôn coi Việt Nam là đối tác thương mại đang hưởng lợi từ các bất ổn toàn cầu, nên cần tính toán kỹ lưỡng và cân đối trong giao thương.

Thách thức nữa là việc đảm bảo nguồn nguyên liệu hợp pháp. Ông Ngô Sĩ Hoài, Phó chủ tịch Hiệp hội Lâm sản Việt Nam cho biết, tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu gỗ xuất khẩu được phía Hoa Kỳ rất quan tâm.

Với mặt hàng giày dép, triển vọng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ được dự báo tăng trưởng tới 20%/năm. “Tuy nhiên, các đơn hàng từ thị trường Hoa Kỳ rất lớn, nên chỉ các doanh nghiệp có năng lực, quy mô đủ lớn mới đáp ứng được. Đây là hạn chế khi chúng ta không đáp ứng được đơn hàng”, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam nói.

Chưa kể, các đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ phải đáp ứng các chứng chỉ và điều này là trở ngại đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam. Để có mặt tại thị trường Hoa Kỳ, đại diện Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, doanh nghiệp Việt Nam phải thông qua các nhãn hàng nổi tiếng, bởi người tiêu dùng ở thị trường này quen sử dụng hàng có thương hiệu.

Lập đường bay thẳng tới Hoa Kỳ: Sân chơi kén người
Sẽ cần thêm khoảng 2 - 3 năm nữa để các hãng hàng không trong nước hiện thực hóa tham vọng mở chuyến bay thẳng thương mại đầu tiên từ Việt Nam...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư