Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 24 tháng 01 năm 2025,
Mở đường cho doanh nghiệp FDI
Bảo Duy - 24/05/2013 06:48
 
Ngày mai (25/5), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh sẽ trình bày trước Quốc hội Tờ trình Dự án Luật sửa đổi Điều 170, Luật Doanh nghiệp. Theo lịch trình, Dự án Luật chỉ gồm 2 điều này sẽ được các đại biểu Quốc hội xem xét, biểu quyết ngay tại nghị trường vào ngày 20/6 tới.
TIN LIÊN QUAN

Đa phần DN thuộc diện phải đăng ký lại đã có thời gian hoạt động khá dài và ổn định tại Việt Nam (Ảnh minh họa).

Hiện tại, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được thành lập và cấp giấy phép đầu tư trước ngày 1/7/2006, nhưng không thực hiện thủ tục đăng ký lại trước ngày 1/7/2011, đang hồi hộp chờ đợi sự quyết định số phận của mình.

Lý do là, một khi Dự án Luật sửa đổi Điều 170, Luật Doanh nghiệp được thông qua, thì nguy cơ phải chấm dứt hoạt động, giải thể của hàng loạt doanh nghiệp này sẽ được giải toả.

Hơn thế, với việc cho phép các doanh nghiệp trên quyền hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (bất kể họ có đăng ký lại hay không), thì đây sẽ là lần đầu tiên kể từ khi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp có hiệu lực vào ngày 1/7/2006, doanh nghiệp FDI không đăng ký lại có thêm cơ sở pháp lý để thực hiện các dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng tại Việt Nam.

Đặc biệt là, 27 DN FDI của TP.HCM, với tổng vốn điều lệ 634,4 triệu USD đã hết thời hạn hoạt động vào năm 2012, có thể được phép tiếp tục sản xuất, kinh doanh, mà không phải thực hiện các thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động theo quy định hiện hành.

Rõ ràng, việc sửa đổi Điều 170, Luật DN theo hướng này đã chính thức mở đường cho các DN FDI duy trì hoạt động và tự chủ trong việc quyết định phương thức tổ chức và hoạt động kinh doanh. Song cũng phải khẳng định, việc DN FDI không thực hiện đăng ký lại trong thời hạn quy định của pháp luật, dù đã được gia hạn 2 lần, thuộc về trách nhiệm và sự lựa chọn của chính các DN. Trong 5 năm (kể từ ngày 1/7/2006), chỉ có 3.000 trong số 6.000 DN FDI thuộc diện phải đăng ký lại thực hiện thủ tục trên.

Cho dù có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng tới sự lựa chọn này, thì những hệ lụy mà nhiều DN FDI đang gánh chịu khi không tuân thủ yêu cầu pháp luật là điều đã được tiên liệu và được thông báo tới DN.

Tuy nhiên, đúng như giải trình của Dự án Luật sửa đổi Điều 170, Luật DN, xét về tổng thể lợi ích của môi trường đầu tư Việt Nam, thực trạng này tác động tiêu cực tới môi trường đầu tư. Đa phần DN thuộc diện phải đăng ký lại đã có thời gian hoạt động khá dài và ổn định tại Việt Nam. Phần lớn trong số họ đã tiên phong đầu tư vào Việt Nam từ trước năm 1993 trong bối cảnh kinh tế Việt Nam gặp khó khăn. Khi đó, pháp luật về đầu tư chỉ cho phép dự án FDI có thời hạn không quá 20 năm.

Cũng phải nói rõ, một số DN dù muốn, nhưng đã không thực hiện được thủ tục đăng ký lại theo yêu cầu, do không đạt được sự nhất trí giữa các bên liên doanh trong việc thực hiện thủ tục này. Nguyên do là, theo quy định của Luật Đầu tư nước ngoài trước đây và theo Điều lệ DN, việc gia hạn hoặc tổ chức lại DN phải thực hiện theo nguyên tắc nhất trí.

Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, nếu các DN FDI này phải tiến hành thủ tục chấm dứt hoạt động, giải thể, thì khả năng gây thêm những bất ổn cho môi trường kinh doanh Việt Nam là hiện hữu. Hơn thế, với các DN muốn tiếp tục hoạt động, họ phải mất 1 năm để làm các thủ tục giải thể DN cũ, thành lập DN mới. Việc này không chỉ làm gián đoạn hoạt động của DN, mà còn ảnh hưởng lớn tới người lao động, thị trường tiêu thụ sản phẩm của DN.

Chính vì vậy, việc sửa đổi Điều 170, Luật DN chắc chắn sẽ tạo điều kiện giúp DN FDI ổn định hoạt động, khuyến khích khu vực này mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư