Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Mở toang du lịch: Doanh nghiệp lữ hành vẫn khó trăm bề
Hồ Hạ - 26/03/2022 14:38
 
Đánh giá chính sách mở cửa lại toàn bộ du lịch Việt Nam đã khá thông thoáng, cởi mở, tuy nhiên các hãng lữ hành cho biết “vẫn trăm bề khó” để đón được du khách quốc tế.

“Một mắt xích đứt, bánh xe phải tạm dừng”

Chia sẻ với phóng viên báo Đầu tư, ông Nguyễn Phi Phong, Trưởng phòng sản phẩm của My Adventures (Mytour.vn) cho biết, theo văn bản số 2143/TPT.SPhC, Ngày 17/3/2022 của Ban phòng chống, kiểm soát và ứng phó dịch bệnh Covid-19, Bộ Ngoại giao Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (CHDCND Lào), hướng dẫn về việc các bước chi tiết trong việc xin giấy phép xuất - nhập cảnh CHDCND Lào trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, có nhiều điểm không tương đồng với chính sách mở cửa du lịch của Việt Nam và Campuchia.

Ông Nguyễn Phi Phong, Trưởng phòng sản phẩm của My Adventures. (Ảnh: NVCC).

Thứ nhất, trước khi nhập cảnh vào CHDCND Lào, tất cả người nhập cảnh phải có chứng nhận kiểm tra Covid-19 bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 72 giờ trước khi đến CHDCND Lào và có đầy đủ giấy chứng nhận tiêm chủng đủ liều vaccine phòng, chống Covid-19.

Thứ hai, khi vào tới CHDCND Lào, tất cả mọi người phải lấy mẫu để xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp RT-PCR và cách ly để chờ kết quả xét nghiệm Covid-19 ít nhất 48 tiếng. Tức là, du khách phải xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp RT-PCR ít nhất hai lần, trước và sau khi đến Lào, đồng thời cách ly tại khách sạn ít nhất 48 giờ.

“Ví dụ, một du khách Anh đã test RT-PCR trước khi đến Việt Nam. Tại thời điểm du khách từ Việt Nam sang Lào vẫn trong vòng 72 giờ thì vẫn phải test RT-PCR trước khi nhập cảnh. Sau khi vào Lào, khách lại phải test RT-PCR thêm một lần nữa rồi cách ly tại khách sạn trong 48 giờ để đợi kết quả. Quy định này gây phiền hà, mất nhiều thời gian và tiền bạc của du khách, khiến họ mất cảm hứng đi du lịch”, ông Phi Phong dẫn chứng.

Thứ ba, khi đến Lào, du khách phải có đồng hồ theo dõi sức khỏe của Lào và cài đặt và đăng ký phần mềm (app) LaoKYC trong điện thoại để dùng dịch vụ Lào xụ xụ để thuận tiện trong thời gian đi lại tại các địa điểm khác.

Thứ tư, tất cả khách quốc tế đến Lào phải đặt dịch vụ qua các công ty hoặc đại lý du lịch. Ví dụ, du khách Canada sau khi kết thúc hành trình du lịch ở Việt Nam không được phép du lịch tự do sang Lào.

Ông Phi Phong cho biết, những quy định trên của Lào đang ảnh hưởng rất lớn đến các hãng lữ hành đón khách đến ba nước Đông Dương. “Thực tế, theo ghi nhận từ đối tác của chúng tôi ở thị trường Bắc Âu và Anh, đã có khoảng 30% lượng du khách đến Đông Dương hủy tour và con số này đang tiếp tục tăng”, ông Phi Phong buồn rầu cho biết.

Do đó, My Adventures đề nghị Bộ VHTTDL và Bộ Ngoại giao các nước Đông Dương hoặc ASEAN cần họp bàn và có thống nhất chung về các quy định đón du khách quốc tế, bởi, “một mắt xích đứt, bánh xe phải tạm dừng”.

Doanh nghiệp lữ hành còn trăm bề khó

Đánh giá chính sách mở cửa lại toàn bộ du lịch của Việt Nam đã khá thông thoáng, cởi mở, tuy nhiên ông Phi Phong cho biết, các hãng lữ hành inbound vẫn còn trăm bề khó để đón được du khách quốc tế.

Đơn cử, trong Phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới được Bộ VHTTDL ban hành ngày 15/3 chưa có hướng dẫn cụ thể về cách ly và điều trị nếu trong đoàn khách quốc tế có người nhiễm Covid-19.

Du khách quốc tế khám phá Việt Nam trước dịch Covid-19. (Ảnh minh họa: Hồ Hạ)

“Các đối tác nước ngoài của chúng tôi đang lo lắng về trường hợp xấu này và cho biết, du khách cảm thấy băn khoăn rằng, khi nhiễm Covid-19 thì quy định về cách ly sẽ ra sao? Khách sẽ đi cách ly tập trung hay cách ly tại khách sạn? Nếu được cách ly tại khách sạn thì cơ sở lưu trú có hỗ trợ cho khách được ở thêm không, ở thêm bao lâu, nhất là trong trường hợp khách sạn đã kín phòng? 

Tương tự, việc văn bản không nêu rõ du khách vào Việt Nam có cần giấy chứng nhận đã tiêm vaccine hay chưa cũng khiến đối tác của chúng tôi cảm thấy lo ngại”, ông Phi Phong nói.

Một khó khăn khác được ông Phi Phong nêu là hiện du khách quốc tế có xu hướng đi nghỉ dài ngày tại Việt Nam, lên tới 17 ngày, thậm chí nhiều hơn. Tuy nhiên, hiệu lực thời hạn visa của khách quốc tế đến Việt Nam hiện chỉ được 15 ngày. Đây là rào cản cần sớm được khơi thông và doanh nghiệp inbound mong muốn thời hạn visa tăng lên 30 ngày như Thái Lan, Campuchia... đang áp dụng.

Ngoài ra, ông Phi Phong cho rằng, thiếu nhân sự và công tác truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch ở thị trường quốc tế còn yếu kém cũng là những “điểm trừ” cần sự chung sức của Chính phủ, Bộ, ngành và doanh nghiệp để tháo gỡ.

Đồng tình, bà Nghiêm Thúy Hà, CEO AADASIA GROUP đánh giá, ngành du lịch đã mở lại toàn bộ hoạt động, nhưng quy định còn chung chung, không đồng bộ. Đơn cử quy định về y tế yêu cầu du khách vào Việt Nam chỉ cần xét nghiệm RT-PCR trong 72h hoặc test nhanh trong 24h, nhưng lại không nêu rõ cơ quan nào có thẩm quyền chứng nhận kết quả test đó. “Trong khi, hệ thống y tế ở các quốc gia khác rất khác Việt Nam, thậm chí, nhiều nước coi Covid-19 chỉ như một loại cúm thông thường và có thể không có đơn vị chịu trách nhiệm cấp loại chứng nhận này”, bà Nghiêm Thúy Hà nói.

Mặt khác, kể cả du khách vào Việt Nam rồi nhưng không phải 100% nhà cung cấp dịch vụ như nhà hàng, khách sạn đã mở lại, hoặc mở lại nhưng thiếu nhân sự phục vụ. Hiện các hãng lữ hành inbound đang rất vất vả và mất nhiều thời gian khảo sát cũng như làm việc với các nhà cung ứng dịch vụ du lịch để lên lịch trình, xây dựng tour, tuyến cho du khách quốc tế.

“Trong bối cảnh đó, xung đột Nga – Ukraine vẫn tiếp diễn, giá xăng dầu tăng phi mã… Cho nên, chúng tôi dự đoán phải 4 tháng nữa, thị trường khách quốc tế mới thực sự phục hồi”, bà Nghiêm Thúy Hà dự đoán và phân tích, mùa du lịch của khách châu Âu đã qua, phải đợi đến tháng 8 một số thị trường như Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào nha mới đi du lịch và các thị trường khách quốc tế khác thường du lịch từ khoảng tháng 11 đến tháng 2 năm sau.

Một bất cập nữa của du lịch Việt Nam được CEO Nghiêm Thúy Hà chỉ ra là hiện hoạt động kinh doanh du lịch tại một số địa phương bị mất cân đối. Các ngày trong tuần rất vắng nhưng cuối tuần nhiều nơi quá tải. Vì thế, khi hãng lữ hành ra sức quảng bá và mời được du khách đi ngày thường để hưởng rẻ và không đông thì đến nơi lại không đủ nhân lực phục vụ chất lượng dịch vụ kém hơn và các show biểu diễn nghệ thuật cũng chỉ biểu diễn vào cuối tuần… Điều này gây khó cho các doanh nghiệp lữ hành, nên chính quyền địa phương và các nhà cung ứng dịch vụ chung sức xây dựng lịch trình hoạt động đều tay hơn.  

“Để ngành kinh tế xanh phục hồi nhanh, an toàn, khoa học, hiệu quả, các doanh nghiệp lữ hành rất cần những chính sách đồng bộ, thông thoáng, có nghiên cứu kỹ, và đưa ra thật nhanh. Không nhanh sẽ tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực”, CEO AADASIA GROUP nhấn mạnh.

“Phát súng mở cửa ngày 15/3” mang đến những niềm vui mới, hy vọng mới cho người làm du lịch cả nước. Không chỉ dừng ở mở cửa ngành tế xanh, mà mở cửa du lịch đồng nghĩa Việt Nam đã chính thức mở lại giao lưu, giao thương quốc tế như trước khi có đại dịch Covid-19, nhưng kèm theo một số giải pháp với tinh thần quản lý, kiểm soát rủi ro và bảo đảm an toàn cho tất cả, như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ.

Mừng vì chính sách của Chính phủ, quy định của Bộ VHTTDL, các Bộ, ngành liên quan đã thông thoáng hơn, cởi mở hơn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch dần phục hồi. Tuy nhiên, vẫn còn đó không ít khó khăn, thách thức, doanh nghiệp gặp phải trong thực tiễn trên hành trình giúp Việt Nam phục hồi, thăng hoa trở lại.

Mở cửa du lịch, cần quảng bá, xúc tiến mạnh mẽ hơn
Việt Nam đã mở cửa toàn bộ du lịch từ ngày 15/3. Các đại sứ Việt Nam tại nước ngoài và doanh nghiệp kiến nghị, Chính phủ cần đầu tư chuyên...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư