Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 04 tháng 10 năm 2024,
“Mỏ vàng” bauxite tại Đắk Nông mắc kẹt
Hoàng Anh - 16/07/2023 08:38
 
Công nghiệp bauxite - alumin - nhôm được đánh giá là ngành công nghiệp “tỷ đô” của tỉnh Đắk Nông trong tương lai, tuy nhiên “mỏ vàng” này đang mắc kẹt trong nhiều vướng mắc.

Trữ lượng lớn, nhưng lại thiếu nguyên liệu

dự án trọng điểm của tỉnh Đắk Nông, mỗi năm đóng góp vào ngân sách nhà nước gần 400 tỷ đồng, tuy nhiên, Nhà máy Alumin Nhân Cơ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, thậm chí phải đối diện với nguy cơ ngừng hoạt động.

Hồi tháng 2/2023, trước nguy cơ phải ngừng hoạt động Nhà máy Alumin Nhân Cơ vì không có nguyên liệu đầu vào, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, ông Lê Trọng Yên đã khẩn cấp yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải xem việc giải phóng mặt bằng phục vụ cho Nhà máy là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách; đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện quy định đầu tư xây dựng các khu tái định cư phục vụ Nhà máy…

Đến cuối tháng 5/2023, theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Nông, Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ đã hoàn thành công tác xử lý sạt trượt khoang số 2 - hồ bùn đỏ; hoàn thiện được hồ sơ dự án 3 khu tái định cư, gồm Khu tái định cư thôn 13 (xã Đắk Wer), Khu tái định cư thôn Quảng Bình và Khu tái định cư số 1 thôn Quảng Bình (xã Nghĩa Thắng); vận động bàn giao mặt bằng tại khai trường năm thứ 4 - 6 với diện tích 15,6/30 ha; kiểm đếm được 112/129 hộ với diện tích thu hồi khoảng 91/97 ha đối với khai trường năm thứ 7 - 8…

Sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền tỉnh Đắk Nông đã giúp Nhà máy Alumin Nhân Cơ tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, nguy cơ hết nguyên liệu sản xuất của nhà máy này vẫn hiện hữu (dự tính sẽ hết nguyên liệu sản xuất trong tháng 7 này).

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Trọng Yên cho biết, đến nay, công suất hoạt động của Nhà máy cơ bản được đảm bảo, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

“Từ năm 2022, tỉnh đã thành lập tổ tháo gỡ khó khăn cho Nhà máy Alumin Nhân Cơ, bởi đây là nhà máy trọng điểm góp phần phát triển kinh tế của Đắk Nông, hằng năm có đóng góp ngân sách lớn cho tỉnh. Tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, cũng như vận động, thuyết phục người dân chấp hành giải phóng mặt bằng phục vụ hoạt động của Nhà máy, với phương châm ưu tiên quyền lợi cho người dân, đảm bảo đúng quy định pháp luật”, ông Yên thông tin.

Kẹt trong quy hoạch

Không chỉ gặp khó trong việc đảm bảo nguồn nguyên liệu cho Nhà máy Alumin Nhân Cơ, tỉnh Đắk Nông cũng “mắc kẹt” trong việc thực hiện các dự án nằm trong vùng quy hoạch bauxite và khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Trong báo cáo gửi Chính phủ về các khó khăn, vướng mắc mang tính đặc thù liên quan đến đầu tư các công trình, dự án nằm trong khu vực khoáng sản và vùng quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến quặng bauxite, tỉnh Đắk Nông cho hay, quy hoạch bauxite trên địa bàn tỉnh phân bố trên 5 huyện, 1 thành phố và chiếm khoảng 1/3 diện tích toàn tỉnh.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có đến 1.062 dự án, công trình có diện tích đất chồng lấn với quy hoạch bauxite và khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Ngoài ra, còn có một số dự án lớn, quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; trong đó có 6 dự án đầu tư công đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 và các dự án thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo tỉnh Đắk Nông, việc đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông, các công trình xây dựng trên địa bàn cần phải có lượng lớn nguồn đất đắp để thi công các công trình. Tuy nhiên, địa phương không thể cấp phép khai thác đất làm vật liệu san lấp, do phần lớn nguồn này đều nằm trong khu vực đã được quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản theo Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 1/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ (Quy hoạch 167).

Sau hơn 15 năm từ khi có Quy hoạch 167 đến nay, chỉ có 1/9 tổng số mỏ đã được thăm dò, phê duyệt trữ lượng được cấp phép khai thác. Hàng năm, trung bình chỉ khai thác với diện tích khoảng 100 ha để cung cấp quặng bauxite cho Nhà máy Alumin Nhân Cơ với công suất 650 ngàn tấn/năm. Trữ lượng bauxite tại Đắk Nông rất lớn, nên nếu chỉ cung cấp cho nhà máy này, thì chưa phát huy hiệu quả.

Tỉnh Đắk Nông đã đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh triển khai thực hiện các dự án, công trình nằm trong vùng quy hoạch bauxite khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, đặc biệt là các công trình, dự án thuộc danh mục đầu tư công trung hạn và Chương trình Mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đang triển khai đầu tư.

Tỉnh cũng đề xuất, việc xây dựng, sửa đổi Luật Khoáng sản, Luật Đất đai và các nghị định kèm theo cần có sự phối hợp chặt chẽ, ghi nhận ý kiến của tỉnh Đắk Nông, giải quyết thấu đáo, toàn diện những bất cập, vướng mắc liên quan đến vấn đề đầu tư trên vùng có khoáng sản bauxite của Đắk Nông...

Ngoài ra, Đắk Nông đề xuất cho phép địa phương cấp phép và đăng ký xác nhận khu vực, khối lượng, công suất khai thác đất có lẫn với bauxite làm vật liệu san lấp để phục vụ các công trình quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là tuyến cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa sắp triển khai trong thời gian tới.

Tạm yên tâm về bauxite Tân Rai và Nhân Cơ
Cho ý kiến về Báo cáo giám sát Hiệu quả tổng thể về kinh tế, xã hội gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng của dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư