Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 09 tháng 05 năm 2024,
Mỗi hộp sữa phải giảm 50 - 70 ngàn đồng
Phan Long - HảiYến - 29/04/2014 21:39
 
 “Để áp giá trần sản phẩm sữa, phải nắm được giá gốc. Việc này không dễ nhưng phải làm quyết liệt để giảm 50-70 nghìn đồng trên mỗi hộp sữa để giảm gánh nặng cho các gia đình”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên nói. 
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Bài toán giá sữa chưa có lời giải
Thanh tra cũng mặc, giá sữa cứ leo thang
Hà Nội sờ gáy 7 doanh nghiệp kinh doanh sữa
“Thượng đế” còn khổ với giá sữa
  áp giá trần sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi của Bộ Tài chính để bình ổn giá sữa.  
  Sẽ áp giá trần sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi của Bộ Tài chính để bình ổn giá sữa  

Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 4 chiều nay, 29/4, đại diện Bộ Tài chính đã thông báo với báo giới kết quả thanh tra về việc chấp hành quy định về giá và thuế tại 5 doanh nghiệp đồng loạt tăng giá sữa trong năm 2013 và đầu năm 2014.

Cụ thể, việc thanh tra được thực hiện từ ngày 10/3 - 10/4 tại 5 công ty gồm: Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty TNHH Nestlé Việt Nam, Công ty Friesland Campina Việt Nam, Công ty Mead Johnson Nutrition (Việt Nam), và Công ty CP Dinh dưỡng 3A - nhà phân phối sản phẩm sữa Abbott.

Đây là 5 công ty chiếm tới 90% thị phần các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi tại Việt Nam, với hình thức bán hàng chủ yếu là mua đứt, bán đoạn thông qua hệ thống các nhà phân phối.

Có 3/5 công ty nhập khẩu sữa thành phẩm để phân phối và có 2/5 công ty nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất sữa trong nước.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, theo kết quả thanh tra, năm 2013, có 4 công ty tăng giá 1 lần, riêng Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition (Việt Nam) tăng giá 2 lần.

Trong đó, mặt hàng tăng thấp nhất cũng là 2,4%, mặt hàng tăng cao nhất là 30,668%. Không có trường hợp nào giảm giá.

Trong 3 tháng đầu năm 2014, có 2/5 công ty đã tăng giá bán là Công ty Cổ phần sữa Việt Nam, một đợt tăng giá 27/32 sản phẩm, và đợt hai tăng giá 5/32 sản phẩm với mức tăng từ 7% -14%.

Công ty TNHH Nestle Việt Nam tăng giá 11/24 sản phẩm với mức tăng từ 5% - 9%.

Căn cứ Báo cáo kết quả thanh tra, Bộ Tài chính đã chỉ đạo xử phạt vi phạm hành chính về giá đối với Công ty TNHH Nestle Việt Nam với mức 45 triệu đồng, do trong năm 2013 đã kê khai thiếu giá của 3/24 sản phẩm sữa.

Trong lĩnh vực thuế, thanh tra Bộ Tài Chính đã phát hiện và truy thu đối với 4/5 công ty có hành vi đã kê khai thiếu thuế phải nộp năm 2013 với số tiền hơn 10,2 tỷ đồng.

Cụ thể, Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam kê khai thiếu thuế TNDN, thuế nhà thầu phải nộp gần 5,3 tỷ đồng.  

Công ty Cổ phần sữa Việt Nam kê khai thiếu thuế TNDN, thuế GTGT gần 2,75 tỷ đồng.

Công ty TNHH Dinh Dưỡng 3A (Việt Nam) kê khai thiếu thuế TNDN gần 1,9 tỷ đồng.

Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition (Việt Nam) kê khai thiếu thuế GTGT là 317.091.664 đồng.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đang xem xét để xử lý theo quy định đối với số tiền phải trả về phí bản quyền, các khoản thu hộ, chi hộ tại Công ty TNHH Nestle Việt Nam.

Kết quả thanh tra tại 5 doanh nghiệp sữa vừa qua còn cho thấy, chỉ có Vinamilk thực hiện đúng quy định về chi phí quảng cáo tiếp thị, còn 4 DN còn lại đều chi vượt mức quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp với số tiền hơn 386 tỷ đồng và là nguyên nhân cơ bản làm tăng giá bán sữa.

Điều này đã làm tăng giá thành, tăng giá bán sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, tương ứng từ 2,18% đến 16,39%.

Theo đó, Công ty TNHH Dinh Dưỡng 3A (Việt Nam) đã chi vượt mức quy định là 69 tỷ đồng; Công ty TNHH Mead Jonhson Nutrition (Việt Nam) đã chi vượt mức quy định là 249 tỷ đồng; Cty TNHH Nestle Việt Nam đã chi vượt mức là 67 tỷ đồng; Cty TNHH Friesland Campina Việt Nam đã chi vượt mức là 817 triệu đồng.

Công ty Cổ phần sữa Việt Nam chi phí quảng cáo, khuyến mại đối với hoạt động kinh doanh các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi là 811 tỷ đồng..

Đáng nói, có doanh nghiệp  đã thu lời từ 23 đến 36% trên tổng doanh thu. Trong khi đó, theo các chuyên gia kinh tế, lợi nhuận tối đa của một doanh nghiệp thông thường chỉ là 10-15% doanh thu là hợp lý.

Liên quan đến thống tin các doanh nghiệp sữa trong diện thanh tra lãi rất khủng, trước câu hỏi của phóng viên yêu cầu cung cấp thông tin về việc có công ty đạt mức lợi nhuận đến 23-30%, rất tiếc, đại diện Bộ Tài chính từ chối trả lời với lý do không đủ thời gian và đề nghị các phóng viên liên hệ với Bộ để tìm hiểu sau.

Trước vi phạm về giá và thuế của các doanh nghiệp sữa với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng, Bộ Tài chính đã kiến nghị với Chính phủ 2 phương án bình ổn giá sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi, bằng biện pháp áp giá trần có thời hạn. 

Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 29/4, Bộ này đã trình Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ thông qua các biện pháp bình ổn giá sữa.

Theo đó, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết phiên họp thường kỳ, Bộ Tài chính sẽ yêu cầu các công ty sữa phải đăng ký giá đối với các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trong thời gian 6 tháng.

Thực hiện các biện pháp quy định giá tối đa đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trong vòng 12 tháng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho rằng, để áp được giá trần thì phải nắm rõ được giá gốc.

“Việc này hoàn toàn không dễ, nhưng phải làm quyết liệt để giảm được 50-70 nghìn đồng trễn mỗi hộp sữa để giảm gánh nặng cho các gia đình với 10 triệu trẻ em trên cả nước”, Bộ trưởng Nên khẳng định.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư