Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Một năm qua, việc xử lý các dự án thua lỗ của PVN mới dừng ở tranh luận, thảo luận
Thanh Hương - 08/07/2017 08:49
 
Ngay trong tuần tới, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phải hoàn tất việc rà soát phương án giải cứu cho 5 dự án thua lỗ mà đơn vị này quản lý.
.
Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng tại cuộc làm việc với PVN chiều ngày 7/7/2017

Ngoài phương án như Ban chỉ đạo đã quyết cho một số dự án là cổ đông tiếp tục bỏ tiền để đưa dự án vào vận hành thì cần xây dựng phương án cho phép phá sản ngay từ đầu. Đây là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng tại cuộc làm việc với PVN chiều ngày 7/7/2017. 

Trước đó ngày 5/5, do các dự án suốt thời gian dài không thoát khỏi tình trạng yếu kém nên Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã phê bình nghiêm khắc lãnh đạo PVN và khẳng định, nếu thời gian tới không chuyển biến thì Chính phủ sẽ có những biện pháp mạnh.

Theo Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn, trong bối cảnh giá dầu thấp, 100% các đơn vị dịch vụ hoạt động không có lãi, khâu tốt nhất là khai thác dầu khí cũng ngấp nghé lỗ nên áp lực với ngành dầu khí không hề nhỏ.  

“Ngay sau cuộc họp với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, PVN họp khẩn cấp, phân công cụ thể lãnh đạo. Tập đoàn chỉ đạo từng dự án. Chúng tôi đã thảo luận về hiện trạng hiện nay của từng dự án, nhanh chóng cập nhật các phương án, số liệu với mục tiêu hoàn thành ngay trong tuần sau phương án cụ thể cho các dự án này. Nếu được phê duyệt, chúng tôi hứa sẽ triển khai quyết liệt nhất”, ông Sơn cho biết.

PVN hiện có 3 nhà máy đang bị dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn là Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất, Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước và Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ – PVTex. Hai dự án còn lại là Công ty đóng tàu Dung Quất đang vận hành sản xuất kinh doanh nhưng bị thua lỗ và sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ đang dừng thi công do chi phí tăng cao và thiếu vốn.

Tổng giám đốc PVN cũng cho hay, việc xử lý đối với các dự án thua lỗ trong suốt một năm qua đến nay chưa có chuyển biến. Mọi hoạt động mới chỉ dừng lại ở tranh luận, thảo luận và chưa có hành động gì.

Hiện tại PVN đã có phương án, đề xuất cụ thể hướng xử lý đối với từng dự án và gửi lên cơ quan hữu trách. Tuy nhiên, do một số lý do cùng vướng mắc lớn nhất là nguồn tài chính để xử lý nên công việc chưa triển khai được nhiều.

Để xử lý các dự án này, vướng mắc lớn nhất được lãnh đạo PVN cho là theo chủ trương không được rót thêm vốn Nhà nước để phục vụ cho các dự án, nên rất khó tìm nguồn để khởi động lại dự án trước khi có thể thoái vốn tại đây.

Cũng tính tới phương án dừng hoạt động các nhà máy để thanh lý, chuyển nhượng hoặc phá sản, PVN đã cho triển khai đồng loạt việc thuê tư vấn đánh giá tài sản, xây dựng phương án thoái vốn. “Dẫu đây là phương án không mong muốn nhưng nếu muốn thực hiện cũng cần từ 18 tháng đến 24 tháng mới xong theo trình tự”, ông Sơn nói.

Cho rằng, nếu khởi động lại được dự án và sau đó bán hay thoái vốn thì sẽ xấu ít hơn so với tình trạng tĩnh – dự án không hoạt động, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cũng yêu cầu PVN phải có các giải pháp cụ thể và quyết liệt hơn nữa.

Cả PVN lẫn nhiều đơn vị chức năng của Bộ Công thương cũng cho rằng, PVN phải nhanh chóng có tờ trình tới Chính phủ, để được hướng dẫn rõ cách hiểu về việc “không bỏ thêm vốn Nhà nước cho các dự án thua lỗ”, nhằm làm rõ câu chuyện có thể huy động các nguồn tài chính nào cho tái tái khởi động lại các nhà máy trước khi thoái vốn.

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình: Tập trung xử lý các dự án thất thoát, thua lỗ lớn
Phát biểu tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV sáng nay, Phó thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư