Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Một số chỉ tiêu nợ công có thể vượt ngưỡng
An Nguyên - 16/10/2020 18:39
 
Đến cuối năm 2021, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước có thể lên mức 27,4%, so với ngưỡng Quốc hội cho phép là 25%.
.
Tốc độ tăng dư nợ nước ngoài ngắn hạn dự kiến vẫn trong hạn mức được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Chính phủ dự báo, chỉ tiêu trả nợ nước ngoài của quốc gia so với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ năm 2020 có thể lên mức 34,6% (so với giới hạn được Quốc hội cho phép là 25%),

Và đến cuối năm 2021, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước (NSNN) có thể lên mức 27,4% (ngưỡng được Quốc hội cho phép cũng là 25%).

Vay thêm từ trong nước

Báo cáo về tình hình nợ công năm 2020 và dự kiến năm 2021 vừa được Chính phủ gửi tới các vị đại biểu Quốc hội.

Với 2020, về huy động vốn vay trong nước của Chính phủ, báo cáo nêu, trong 9 tháng đầu năm, khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) đạt 223.342 tỷ đồng (đạt 72,3% kế hoạch năm), trong đó 100% khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 5 năm trở lên, khoảng 94% khối lượng phát hành có kỳ hạn 10 năm trở lên, kỳ hạn phát hành bình quân 9 tháng duy trì ở mức cao, đạt 13,2 năm, với lãi suất phát hành bình quân đạt 2,94%/năm, thấp nhất từ trước tới nay giúp giảm chi phí huy động vốn cho NSNN.

Bên cạnh đó, trong điều hành dự toán NSNN 9 tháng đầu năm 2020, Chính phủ đã chủ động huy động vốn từ nguồn tồn ngân Kho bạc Nhà nước 50.000 tỷ đồng để đảm bảo cân đối NSNN và đáp ứng nhu cầu chi đầu tư phát triển.

Dự kiến cả năm 2020, khối lượng phát hành TPCP khoảng 309.090 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch cả năm, đảm bảo các mục tiêu về tỷ lệ giới hạn kỳ hạn TPCP phủ theo Nghị quyết của Quốc hội (tối đa 30% khối lượng trái phiếu có kỳ hạn dưới 5 năm ).

Thông tin cập nhật, Chính phủ cho biết, trong bối cảnh thu NSNN gặp khó khăn đang trình Quốc hội phương án tăng bội chi NSNN năm 2020 so với dự toán đã được thông qua (không quá 234.800 tỷ đồng, tương đương 3,44% GDP).  Trường hợp Quốc hội phê duyệt tăng bội chi năm 2020, Chính phủ sẽ tính toán khối lượng vay tăng thêm từ các nguồn trong nước, đảm bảo phù hợp với nhu cầu thị trường.

Về trả nợ, theo cập nhật tạ báo cáo, ổng trả nợ của Chính phủ 9 tháng đầu năm 2020 khoảng 241.375 tỷ đồng (tương đương với 65,8% kế hoạch cả năm), trong đó trả nợ trong nước khoảng 180.950 tỷ đồng (trả gốc 108.533 tỷ đồng, trả lãi và phí 72.417 tỷ đồng),  trả nợ nước ngoài 60.425 tỷ đồng (trả gốc 50.226 tỷ đồng, trả lãi 10.199 tỷ đồng).

Về vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiêp và tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả, Chính phủ dự tính, trường hợp dịch bệnh được kiểm soát tại Việt Nam và trên thế giới trong những tháng cuối năm, dự báo mức rút vốn ròng trung, dài hạn cả năm 2020 có thể ở mức 5.000-5.500 triệu USD.

Mức này nằm trong hạn mức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tối đa là 6.090 triệu USD. Tốc độ tăng dư nợ nước ngoài ngắn hạn dự kiến trong hạn mức được Thủ tướng Chính phủ cho phép (16-18%/năm so với dư nợ tại thời điểm 31/12/2019).

Chính phủ dự kiến các chỉ tiêu nợ đến cuối năm 2020: nợ công khoảng 56,8% GDP; nợ Chính phủ khoảng 50,8% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN ước khoảng 24,1% ; nợ nước ngoài quốc gia khoảng 47,9% GDP; trả nợ nước ngoài của quốc gia so với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ khoảng 34,6%.

Theo đánh giá của Chính phủ , đến cuối năm 2020 về cơ bản dự kiến các chỉ tiêu nợ so với GDP duy trì trong các ngưỡng an toàn được Quốc hội cho phép. Riêng chỉ tiêu trả nợ nước ngoài của quốc gia so với kim ngạch xuất khẩu vượt ngưỡng 25% chủ yếu do hoạt động rút vốn và trả nợ gốc các khoản vay nước ngoài ngắn hạn của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng tăng mạnh, cần có biện pháp kiểm soát dòng tiền để đảm bảo an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.

Nghĩa vụ trả nợ vượt ngưỡng

Dự kiến kế hoạch vay, trả nợ công năm 2021, Chính phủ cho biết nhiệm vụ huy động vốn vay của Chính phủ cho cân đối ngân sách trung ương ( NSTƯ) năm 2021 khoảng 579.772 tỷ đồng, bao gồm vay bù đắp bội chi NSTƯ khoảng 318.870 tỷ đồng, vay để trả nợ gốc của NSTƯ khoảng 260.902 tỷ đồng.

Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 368.276 tỷ đồng, trong đó trả nợ trong nước khoảng 323.093 tỷ đồng và nước ngoài khoảng 45.183 tỷ đồng; bằng khoảng 27,4% so với thu NSNN. Chỉ tiêu trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN vượt ngưỡng Quốc hội cho phép đối với giai đoạn 2016-2020 là 25% chủ yếu do các khoản TPCP trong nước phát hành trong giai đoạn trước đây đáo hạn ở mức cao vào năm 2021 (187.001 tỷ đồng, chiếm 13,9% thu NSNN) - Chính phủ giải thích.

Nghĩa vụ trả nợ vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài về cho vay lại khoảng 27.628 tỷ đồng (trả gốc 21.301 tỷ đồng, trả lãi 6.327 tỷ đồng), theo báo cáo.

Dự báo của Chính phủ là đến cuối năm 2021 nợ công khoảng 46,1% GDP trên cơ sở GDP đánh giá lại (khoảng 58,6% trên cơ sở GDP chưa đánh giá lại), nợ Chính phủ khoảng 41,9% GDP trên cơ sở GDP đánh giá lại (khoảng 53,2% trên cơ sở GDP chưa đánh giá lại). Đặc biệt, báo cáo nhấn mạnh, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN có thể lên mức 27,4%, cần có biện pháp để kiểm soát chỉ tiêu này

Ứng 51,9 triệu USD cho Bộ Giao thông vay để trả nợ cho 2 dự án BT
Khoản tiền trị giá 51,9 triệu USD để thanh toán cho 2 dự án BT ngành giao thông được ứng từ Quỹ Tích lũy trả nợ do Bộ Tài chính quản lý.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư