Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Một số dấu hiệu gần giống nhau dễ khiến người dân nhầm sốt xuất huyết và Covid-19
D.Ngân - 21/03/2022 14:48
 
Hai trường hợp đầu tiên trong năm 2022 tử vong vì sốt xuất huyết, chuyên gia chỉ rõ cách phân biệt sốt xuất huyết và Covid-19, đồng thời khuyến cáo người dân không chủ quan khi sốt.

Ngày 21/3, Bộ Y tế có báo cáo số 379/BC-BYT về công tác y tế trong tháng 3/2022 gửi Văn phòng Chính phủ.

Theo đó, từ ngày 18/2 đến 17/3, cả nước ghi nhận 4.287 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 2 trường hợp tử vong tại tỉnh Bình Dương. Đây cũng là hai trường hợp tử vong do sốt xuất huyết đầu tiên trong năm nay.

Đã có 2 ca tử vong đầu tiên do sốt xuất huyết trong năm 2022.

Theo Bộ Y tế, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 9.919 trường hợp sốt xuất huyết, trong đó có 2 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số ca sốt xuất huyết giảm 65,4%.

Theo các chuyên gia y tế, dù số ca hiện nay giảm, nhưng thời điểm giao mùa như hiện nay, thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện thuận lợi để muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi, phát triển. 

Thêm vào đó, sốt xuất huyết và Covid-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch do vi rút gây ra với các biểu hiện ban đầu giống nhau, có thể gây nhầm lẫn như: Sốt, đau đầu, đau mỏi người. Do đó, người dân không được chủ quan.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, triệu chứng của sốt xuất huyết là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, đau bụng vùng gan, buồn nôn. 

Nặng hơn, bệnh nhân có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. 

“Khi có một trong những biểu hiện trên, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không được tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà”, PGS.TS Đỗ Duy Cường nhấn mạnh.

Cũng theo chuyên gia, đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày nhưng có khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì các triệu chứng của sốt xuất huyết cần được hết sức lưu ý vì có một số triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với Covid-19 như: Sốt, đau đầu, đau mỏi cơ. 

Do đó, nhân viên y tế cần khai thác yếu tố dịch tễ cẩn thận và kỹ càng, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn, gây ra hậu quả đáng tiếc.

Chuyên gia cũng đặc biệt lưu ý các bậc phụ huynh cần để ý nếu trẻ không may mắc sốt xuất huyết. TS.Đỗ Thiện Hải, Trưởng Khoa Nội tổng quát, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, sốt xuất huyết ở trẻ em có biểu hiện đa dạng khác nhau. 

Bệnh khởi phát khá đột ngột và diễn biến nhanh chóng từ giai đoạn nhẹ đến nặng qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm, và giai đoạn phục hồi.

Ở giai đoạn đầu của bệnh, trẻ thường sốt cao đột ngột, liên tục. Với trẻ còn nhỏ thì bứt rứt, quấy khóc. Trẻ lớn hơn thì có biểu hiện đau đầu, đau người, buồn nôn, chán ăn, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.

Sau giai đoạn sốt, trẻ tiến vào giai đoạn nguy hiểm, thường rơi vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh.

Vào giai đoạn này trẻ có thể vẫn còn sốt hoặc đã thuyên giảm, trẻ bị thoát huyết tương. 

Nếu tình trạng thoát huyết tương nặng sẽ dẫn đến sốc, với các biểu hiện thường nhận thấy như: Vật vã, bứt rứt, li bì, tụt huyết áp, xuất huyết dưới da… 

Sau giai đoạn nguy hiểm là giai đoạn phục hồi, trẻ hết sốt, trình trạng sức khỏe cải thiện nhiều, biểu hiện thèm ăn.

Theo TS.Hải, sốt xuất huyết là một trong những nguyên nhân gây tử vong ở trẻ em. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh, vì vậy cha mẹ cần lưu ý phòng bệnh cho trẻ bằng cách kiểm soát môi trường sống xung quanh trẻ;

Đảm bảo sạch sẽ, tránh để những vật dụng tạo ra vùng nước đọng lại, tạo điều kiện cho muỗi sinh trưởng và phát triển; cho trẻ mặc quần áo dài tay, ngủ trong màn…

Bác sĩ khuyến cáo, khi trẻ mắc sốt xuất huyết, cần cho trẻ đi khám để được hướng dẫn chăm sóc và phát hiện dấu hiệu cần nhập viện. 

Ngoài ra, cha mẹ lưu ý một số vấn đề về chăm sóc trẻ như: cho trẻ uống nhiều nước (nước đun sôi để nguội), nước trái cây… 

Đặc biệt đối với việc dùng thuốc hạ sốt: chỉ nên dùng thuốc hạ sốt paracetamol, không tự ý sử dụng loại khác khi không có chỉ định của bác sĩ. 

Nếu tình trạng bệnh có dấu hiệu nặng, phải đưa trẻ đi khám và điều trị tại các sơ sở y tế, tuyệt đối không tự ý truyền dịch cho trẻ tại nhà hoặc các cơ sở y tế không đủ điều kiện, đề phòng biến chứng dẫn đến tử vong.

Với sốt xuất huyết, nhiều người sai lầm cho rằng, chỉ mắc sốt xuất huyết một lần trong đời. Tuy vậy theo chuyên gia, sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra với 4 type ký hiệu: D1, D2, D3, D4. Miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ đặc hiệu đối với từng type riêng lẻ. Vì vậy, một người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời với 4 type virus khác nhau.

Hiện nay, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và cũng chưa có vắc xin phòng bệnh. Do bệnh lây từ người sang người qua muỗi đốt nên biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh là diệt muỗi và hạn chế môi trường sinh sống của muỗi.

Khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết, nhất là trong gia đình, tổ dân phố, làng xóm, thôn bản đã có người bị sốt xuất huyết cần được thăm khám ở cơ sở y tế đảm báo chất lượng để được điều trị trị kịp thời, bởi đây có thể là thể bệnh nặng nhất, gây nhiều biến chứng, thậm chí biến chứng đe dọa đến tính mạng người bệnh. 

Trong trường hợp được bác sĩ, khám bệnh cho điều trị tại gia đình cần được theo dõi thường xuyên về nhiệt độ cơ thể và các hiện tượng xuất huyết người bệnh (nếu có) cũng như các dấu hiệu bất thường xuất hiện, nếu có cần phải cho người bệnh đến bệnh viện ngay. 

Điều trị và theo dõi sốt xuất huyết tại gia đình cần phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt lưu ý sử dụng thuốc hạ sốt không được dùng Aspirin, chỉ dùng Paracetamol đơn chất theo chỉ định của bác sĩ.

Cách phòng bệnh sốt xuất huyết:
Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.
Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:
Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng;
Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy;
Thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần;
Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông;
Phòng chống muỗi đốt:
Mặc quần áo dài tay;
Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày;
Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...;
Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi;
Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác;
Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Thận trọng khi xem Covid-19 là “bệnh lưu hành”
Nhiều chuyên gia cho rằng, còn quá sớm để xem Covid-19 là “bệnh lưu hành”, người dân không nên có tâm lý chủ quan.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư