Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Một thành viên Hội đồng quản trị Saigonbank đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu
T.V - 29/06/2021 12:56
 
Ông Nguyễn Cao Trí – Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) Saigonbank (UPCoM: SGB) đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu SGB từ 25/6-26/7.

Hiện ông Trí không sở hữu cổ phiếu SGB nào. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của ông Trí tại Saigonbank dự kiến ở mức 0,33%.

Cổ phiếu SGB giao dịch đầu tiên trên UPCoM vào ngày 15/10/2020 với giá tham chiếu 25,800 đồng/cổ phiếu và đang giao dịch trong phiên sáng ngày 29/6 ở mức 19.900 đồng/cổ phiếu.

Như vậy mặc dù đã tăng giá khá mạnh trong thời gian qua, nhưng cổ phiếu SGB vẫn chưa đạt được mức được định giá ban đầu.

Với kết quả kinh doanh không mấy ổn định nhưng Saigonbank vẫnđược định giá cao. Nguyên nhân chính là Ngân hàng này có khối bất động sản khá lớn. 

Cụ thể như: Khách sạn Riverside Hotel trên đường Tôn Đức Thắng; Hội sở chính của Saigonbank tại số 2C - Phó Đức Chính (quận 1, TP.HCM) cũng là khu đất vàng; tòa nhà nằm trên đường Châu Văn Liêm (quận 5, TP.HCM) với 2 mặt tiền; ngôi nhà ở 40 - Nguyễn Thái Bình (quận 1, TP.HCM) cùng nhiều khối bất động sản lớn khác ở quận 7 (TP.HCM), Lào Cai, Đắk Lắk.

Đồng thời, cơ cấu cổ đông của Saigonbank cũng cô đặc. Tính đến ngày 29/5/2020, cổ đông lớn nhất của Saigonbank là Văn phòng Thành ủy TPHCM nắm 18.18% vốn. Công ty TNHH MTV Xây dựng và kinh doanh nhà Phú Nhuận nắm giữ 16.64% và Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa nắm 16.35%, kế đến là Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM (Saigon Petro) với tỷ lệ sở hữu 14.08%. Bốn đơn vị này đang nắm giữ 65.25% vốn của Saigonbank. 

Kết thúc quý 1/2021 với lợi nhuận trước và sau thuế tăng 21% và 22% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 59 tỷ đồng và gần 54 tỷ đồng. Thế nhưng, trong quý này cả huy động tiền gửi và dư nợ cho vay của Saigonbank đều tăng trưởng âm.

Cụ thể, tính đến cuối quý 1/2021, tổng tài sản của Saigonbank giảm 6% so với đầu năm, chỉ còn hơn 22.461 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại tổ chức tín dụng khác giảm 12% so, đạt 4.718 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng cũng giảm 2% trong quý này, chỉ còn 17.880 tỷ đồng.

Cho vay tổ chức tín dụng khác của Saigonbank cũng giảm 88%. Dư nợ cho vay khách hàng của Saigonbank cũng giảm 3% so đầu năm 2021, đạt 14.927 tỷ đông.

Chính vì hoạt động cho vay tăng trưởng âm trong quý đầu năm nên kết quả kinh doanh của Saigonbank trong quý đầu năm này không được khả quan khi hầu hết hoạt động đều sụt giảm.

Cụ thể, nguồn thu chính của Saigonbank giảm đến 6% so cùng kỳ năm trước khi chỉ còn hơn 143 tỷ đồng thu nhập lãi thuần.

Lãi từ hoạt động dịch vụ cũng chỉ tăng nhẹ 3%, đạt 7,9 tỷ đồng, trong khi lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm đến 8%, còn 6,8 tỷ đồng.

Trong khi đó, lãi từ hoạt động khác gấp đôi cùng kỳ, Saigonbank ghi nhận hơn 16 tỷ đồng trong quý này.

Saigonbank cũng được hoàn nhập gần 4 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong quý 1/2021, dẫn đến lãi trước và sau thuế tăng 21% và 22%, đạt gần 59 tỷ đồng và gần 54 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tính đến ngày 31/03/2021, tổng nợ xấu Saigonbank tăng 6% so với đầu năm, lên mức 235 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh nhất 47%. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng 1,44%, lên mức 1,58%.

Mục tiêu kinh doanh 2021 được Saigonbank đưa ra, với tổng tài sản đến cuối năm 2021 đạt 24.336 tỷ đồng, tăng 1,64% so với thực hiện năm 2020.

Vốn huy động đạt 20.230 tỷ đồng, tăng 1,77% so với thực hiện năm 2020. Tổng dư nợ cho vay 16.560 tỷ đồng, tăng 4,5% so với thực hiện năm 2020.

Nợ xấu (nhóm 3 - 5) theo quy định NHNN. Thanh toán đối ngoại 300 triệu USD, tăng 10,16% so với thực hiện năm 2020. Lợi nhuận trước thuế 135 tỷ đồng, tăng 11,45% so với thực hiện năm 2020. 

ĐHĐCĐ Saigonbank: Cổ đông muốn được chia cổ tức
Saigonbank (SGB) tiến hành ĐHĐCĐ thường niên trong sáng 27/4 thông qua kế hoạch kinh doanh 2021, với mục tiêu lợi nhuận 135 tỷ đồng trước thuế.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư