Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 20 tháng 01 năm 2025,
Một tỷ đồng/suất nâng điểm: Không đắt với nhiều người (!?)
Quang Phong (Dân Trí) - 29/05/2019 07:51
 
Đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng cho rằng, với nhiều người thì không có gì bất ngờ với thông tin 1 tỷ đồng "chạy" điểm ở Sơn La, nếu điều đó là sự thật. Đó là một đòn giáng vào niềm tin xã hội; là một biểu hiện để chứng minh thêm rằng, tiêu cực xã hội đang ở mức tương đối nghiêm trọng.

Ngày 28/5, bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phan Viết Lượng - Uỷ viên Thương trực Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng chia sẻ với báo chí xung quanh vụ tiêu cực thi cử ở Sơn La trong năm 2018.

Vào trường tốt còn là vinh dự của gia đình

- Dư luận cảm thấy rất sốc với thông tin 1 tỷ đồng/suất chạy điểm ở Sơn La trong vụ gian lận thi cử năm 2018. Cá nhân ông suy nghĩ gì trước thông tin này?

- Tôi được biết Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Sơn La đã khẳng định, thông tin này không chính xác. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, mấu chốt vẫn nằm ở cơ quan điều tra. Còn công luận đặt ra vấn đề "tại sao người ta lại dám làm như vậy?" Rõ ràng phải có ai đó nhờ vả, tác động, hoặc vì một thứ lợi ích cá nhân nào đó.

Với những vấn đề mà dư luận đặt ra như vậy, cơ quan điều tra phải có trách nhiệm làm rõ. Cụ thể, từ những vấn đề đã phát hiện, người đã bị khởi tố, cơ quan điều tra phải làm sáng tỏ vụ việc.

Một tỷ đồng/suất nâng điểm: Không đắt với nhiều người (!?) - 1Đại biểu Phan Viết Lương - đoàn Bình Phước

- Dù còn nhiều ý kiến khác nhau về con số 1 tỷ đồng chạy điểm ở Sơn La, nhưng nếu có chuyện chi tiền mua điểm, chạy điểm, thì nói lên điều gì, thưa ông?

- Nhiều người mong muốn con mình được đỗ đạt, đặc biệt ở những trường cao. Vào những trường mà đầu ra có việc làm ngay, thu nhập lại ổn định, có vị trí, thì ai cũng thèm muốn cả. Thậm chí nhiều người còn coi đó là vinh dự, là cái danh của gia đình. Vì vậy, việc bỏ ra một khoản vật chất tương xứng với cái đó cũng có thể chứ, thế nên không có gì bất ngờ với số tiền đó.

Nếu như quan sát trong xã hội hiện nay, nhiều người đang có quá nhiều tiền. Họ bỏ ra một phần tài sản, so với người lao động bình thường thì lớn, nhưng so với những người có tiền thì không đáng gì. Thậm chí, có nhiều người còn nói rằng, cái giá đó không đắt lắm.

- Việc mua bán, nâng điểm như vậy ảnh hưởng như thế nào đến nền giáo dục?

- Chúng ta phải quay lại một vấn đề đang được nói rất nhiều, đó là những cái thuộc về giá trị. Xem ra bây giờ hai chữ giá trị không phải thực, mà người ta cứ chạy theo một cái gì đó, có thể là những bệnh thành tích, những cái danh rất ảo.

Nếu sau này điều tra phát hiện ra thông tin dư luận phản ánh thì nó là một bằng chứng cho sự nguy hại trong việc lợi dụng chức vụ quyền hạn, trong việc tận dụng sức mạnh vật chất để đánh đổi giá trị tinh thần. Đó cũng là một đòn giáng vào niềm tin xã hội. Đó cũng là một biểu hiện để khẳng định, chứng minh thêm rằng, tiêu cực xã hội hiện nay đang ở mức tương đối nghiêm trọng, đã len lỏi vào đội ngũ cán bộ công chức, công quyền, đặc biệt trong đó có những người làm giáo dục.

Giám đốc Sở phủ nhận “gửi gắm” thí sinh là bình thường

- Đến nay cơ quan an ninh điều tra đã chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, đề nghị truy tố 8 bị can về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ. Qua vụ việc, ông đánh giá thế nào về việc quản lý cán bộ ở địa phương?

- Việc quản lý cán bộ đã có phân cấp cụ thể rồi. Với những cán bộ đó thì đầu tiên cấp ủy chính quyền địa phương phải có trách nhiệm quản lý, mà quản lý phải có theo dõi, có kiểm tra đánh giá hàng năm. Và phải xác định những vùng nhạy cảm, những đối tượng cán bộ nhạy cảm để có những biện pháp, cách thức khác nhau.

Trước đây, những vùng nhạy cảm thường là ở lĩnh vực tài chính ngân sách, đất đai, tài nguyên khoáng sản, nhưng bây giờ còn len lỏi cả vào trong giáo dục nữa. Rõ ràng, cấp ủy phải có những dự báo, và xác định những tiêu cực, vi phạm của cán bộ không chỉ nằm ở một số ngành nghề, lĩnh vực, mà có những ngành nghề không tưởng, nhưng cũng có thể xảy ra tiêu cực.

Một tỷ đồng/suất nâng điểm: Không đắt với nhiều người (!?) - 2

Cơ quan An ninh thi hành quyết định khởi tố đối với ông Trần Xuân Yến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La

- Liên quan đến vụ việc, ông Hoàng Tiến Đức - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La phủ nhận thông tin mình “gửi gắm” thí sinh để Phó Giám đốc Sở này nâng điểm. Trước thông tin trái chiều như vậy, cơ quan chức năng càng cần phải sớm làm sáng tỏ?

- Theo tôi, ông Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La phản ứng là chuyện bình thường, nếu như người ta đổ lỗi cho mình. Tuy nhiên, thực tế ở nhiều địa phương khác, hoặc nhiều vụ việc khác, chúng ta thấy rằng, có nhiều người sau này bị điều tra truy tố, xác định được tội phạm, tội danh, thì trước đó họ cũng phản ứng cơ mà. Nên việc này vẫn thuộc về trách nhiệm của cơ quan điều tra phải chứng minh, còn việc phản ứng đó chưa nói lên điều gì cả, cũng bình thường thôi.

“Cá nhân tôi mong có kết quả ngay bây giờ”

- Vụ gian lận thi cử kéo dài lê thê gần một năm nay chưa được cơ quan chức năng các tỉnh thành xử lý triệt để, khiến dư luận càng bức xúc, nhất là mùa thi đang cận kề?

- Về việc này, chúng tôi cũng đã có ý kiến với Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thời gian điều tra cũng đã rất lâu rồi, dư luận cũng đặt sức ép, cần sớm kết luận, công khai xử lý nghiêm và chuẩn bị tốt cho mùa thi sắp tới. Đặc biệt, sau đó Thủ tướng cũng đã có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ.

Vì vậy, tôi nghĩ Bộ Công an hiện cũng đang đứng trước một sức ép rất lớn, và ở Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình đều đang cố gắng, tăng tốc để sớm đưa ra kết quả cuối cùng. Cá nhân tôi thì mong muốn có ngay kết luận bây giờ chứ không phải bao giờ nữa!

- Xin cảm ơn ông!


Dự thảo Luật chứng khoán sửa đổi có những điểm gì đáng chú ý?
Ngày 24/5, Ủy ban chứng khoán Nhà nước vừa có buổi trao đổi về Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, trong đó đề cập những như mục tiêu, lý do...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư