Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 16 tháng 01 năm 2025,
Mùa báo cáo tài chính thời Covid-19: Tìm ngọc trong đá
Thanh Thủy - 26/09/2020 15:25
 
Trong bối cảnh hiện nay, các con số trên báo cáo tài chính không chỉ phản ánh khó khăn của thời kỳ đặc biệt, mà còn ghi nhận những nỗ lực vượt lên nghịch cảnh của cộng đồng doanh nghiệp.

Các con số trên báo cáo tài chính vốn mang trong mình sứ mệnh ghi chép lại tình hình của doanh nghiệp. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, nó không chỉ phản ánh những khó khăn của thời kỳ đặc biệt, mà còn ghi nhận những nỗ lực vượt lên nghịch cảnh của cộng đồng doanh nghiệp.

“Bão” Covid-19 đã làm thay đổi số liệu trong báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp. Ảnh: Shutterstock
“Bão” Covid-19 đã làm thay đổi số liệu trong báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp. Ảnh: Shutterstock

Mùa báo cáo tới chậm

Hàng quý qua đi, như một lịch hẹn đã đặt sẵn vào ngày 20 và 30 của tháng liền sau, “cơn mưa” báo cáo tài chính như một “món ăn” quen thuộc của nhóm phóng viên theo dõi hoạt động doanh nghiệp.

Covid-19 như một cơn bão ập đến, không hẹn trước và chưa từng có tiền lệ mang đến những điều không bình thường. Và các mùa báo cáo tài chính nửa năm qua cũng không ngoại lệ.

Trong khi mùa đại hội cổ đông là sự xuất hiện mới của khẩu trang, nước rửa tay, đội ngũ nhân viên y tế hay “lạ” hơn là những cuộc họp, thảo luận qua màn hình trực tuyến, kỳ công bố báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết năm nay cũng không giống thông thường. Phần lớn các doanh nghiệp đều xin gia hạn nộp báo cáo đến ngày 30. Nhiều doanh nghiệp nộp muộn thậm chí còn nhận công văn nhắc nhở tới 2 - 3 lần của Sở Giao dịch chứng khoán.

Như trường hợp của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán: QCG), Báo cáo Tài chính kiểm toán năm 2019 phải đến ngày 19/6/2020 mới được phát hành. Lý do là, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến thời gian làm việc của các nhân sự liên quan và quá trình thu thập dữ liệu do vị trí địa lý của các dự án, trụ sở và văn phòng đại diện.

Cá biệt hơn là trường hợp của Công ty CP Hùng Vương. Đến thời điểm này, tức gần 9 tháng kể từ ngày kết thúc niên độ tài chính mới, Công ty CP Hùng Vương vẫn chưa công bố báo cáo kiểm toán của năm 2019. Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã phải ban hành hình thức phạt nặng nhất là hủy niêm yết cổ phiếu do liên tục chậm trễ trong hoạt động công bố thông tin. Hiện cổ phiếu HVG của Công ty CP Hùng Vương chỉ còn giao dịch trên UPCoM.

Tương tự, Công ty CP Thủy sản Số 4 cũng bị phạt cổ phiếu TS4 vì chậm công bố thông tin báo cáo tài chính 6 tháng năm 2020 đã soát xét. Tuy nhiên, hình thức phạt nhẹ nhàng hơn là loại khỏi danh sách được giao dịch ký quỹ.

Không vi phạm thời gian công bố, nhưng nhiều doanh nghiệp lại phải chấp nhận ý kiến ngoại trừ. Tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam hay Tập đoàn Bảo Việt, đơn vị kiểm toán không thể tiếp cận sổ sách cùng tài liệu kế toán của các đơn vị liên quan như các công ty con, công ty liên kết hạch toán theo phương pháp vốn chủ sở hữu. Với quy định của sàn niêm yết, cổ phiếu của các doanh nghiệp này cũng không còn được phép ký quỹ do không nhận được ý kiến kiểm toán chấp nhận toàn phần. 

Dẫu rằng không thể “trăm dâu đổ đầu Covid”, nhưng sự chậm trễ xảy ra cũng một phần bởi những gián đoạn bất thường của dịch bệnh.

Trong nguy có cơ

Thời gian trước, khi mùa công bố báo cáo tài chính đến, các nhà báo viết về chứng khoán chờ đợi, phân tích và tổng hợp các báo cáo công bố để tìm được những chi tiết hay cũng như xu hướng chung của thị trường. Với hai quý vừa qua, mảng màu không mấy tươi sáng của kết quả kinh doanh là điều không khó dự đoán.

Theo một thống kê của FiinGroup - công ty chuyên cung cấp dịch vụ phân tích dữ liệu tài chính, lợi nhuận sau thuế ở riêng nhóm phi ngân hàng giảm hơn 30% trong quý II/2020. Con số này vẫn khá hơn mức suy giảm gần 60% so với quý I trước đó.

Tuy nhiên, để có được sự hồi phục này, động lực chính lại đến từ thu nhập của hoạt động tài chính. Bóc tách sâu hơn, nếu bỏ đi phần thu nhập từ hoạt động tài chính có giá trị lớn 100 tỷ đồng của các doanh nghiệp phi tài chính, như khoản hoàn nhập dự phòng của Petrolimex, Lọc hóa dầu Bình Sơn hay thu nhập từ nghiệp vụ bán và thuê lại máy bay của Vietjet Air, tốc độ suy giảm lợi nhuận sau thuế quý II/2020 cũng gần 55%. Hoạt động kinh doanh cốt lõi hay các khoản thu nhập thường xuyên chưa thể phục hồi.

Nhìn vào báo cáo soát xét bán niên năm 2020, một xu hướng không quá rõ ràng, nhưng đang phần nào cho thấy sự chuyển mình để thích nghi ở nhóm doanh nghiệp từ trước đến nay có nguồn thu chính từ xuất khẩu. Dựa theo những số liệu chi tiết về doanh thu khu vực trong nước và xuất khẩu, không ít doanh nghiệp đã có thể trở về “sân nhà” để cạnh tranh giành thị phần.

Điển hình như Vicostone, doanh thu trong nước nửa đầu năm 2020 đạt gần 975 tỷ đồng, tăng 48,6% so với cùng kỳ năm 2019, phần nào bù đắp khoản hụt thu từ xuất khẩu. Sau 3 năm kiên trì tạo thói quen và nhu cầu mới, sản phẩm từ đá thạch anh nhân tạo với giá bán cao gấp vài lần đá tự nhiên cũng đã có chỗ đứng nhất định của mình.

Trong lĩnh vực may mặc, TNG cũng làm được điều tương tự khi gia tăng mạnh mẽ nguồn thu nội địa 8 tháng đầu năm với mức tăng 42% so với cùng kỳ. Đồng thời, Công ty cũng đa dạng hóa sản phẩm, nhất là các mặt hàng khẩu trang, đồ bảo hộ… đang có nhu cầu lớn.

Cùng với chiến lược tái cơ cấu thị trường và sản phẩm, các tổ chức cũng đẩy mạnh tiết kiệm tối đa các khoản chi phí. Một thống kê trong ngành ngân hàng cho thấy, tổng thu nhập hoạt động giảm 4,5% trong khi chi phí hoạt động giảm 12%. Tỷ lệ chi phí hoạt động/thu nhập (CIR) trong quý II/2020 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ quý I/2017.

Một xu hướng khác khi nhìn vào tình hình tài chính doanh nghiệp nửa đầu năm nay, đó là sự gia tăng của hệ số đòn bẩy tài chính. Hai lý do dẫn đến việc này là doanh nghiệp tăng vay nợ và vốn chủ sở hữu bị bào mòn vì phát sinh thua lỗ. Một số doanh nghiệp phải vun vén dòng tiền, tạm hoãn trả cổ tức cho cổ đông. Nhưng, cũng có một số doanh nghiệp đang tham gia vào cuộc đua săn tài sản giá rẻ, tìm kênh đầu tư khi lãi tiền gửi rơi sâu. Việc gia tăng vay nợ, tìm kiếm cơ hội đầu tư mới cũng đã xuất hiện khi nhìn vào không ít báo cáo phản ánh thay đổi tình hình tài chính doanh nghiệp trong nửa đầu năm.

Đau đầu giữ việc làm cho người lao động

Đa phần các báo cáo tài chính soát xét bán niên hay kiểm toán cuối năm đều công bố quy mô nhân sự của doanh nghiệp tại thời điểm đầu và cuối kỳ báo báo. Đây cũng là điểm cá nhân người viết đặc biệt lưu tâm ở mùa báo cáo này.

Nhìn vào báo cáo soát xét bán niên năm 2020, một xu hướng không quá rõ ràng, nhưng đang phần nào cho thấy sự chuyển mình để thích nghi ở nhóm doanh nghiệp từ trước đến nay có nguồn thu chính từ xuất khẩu.

Công ty CP Dịch vụ hàng không sân bay Đà Nẵng (Masco) hoạt động trong lĩnh vực “ngấm đòn đau” vì Covid-19 đã từng phải đắn đo rất nhiều khi lên kế hoạch kinh doanh năm 2020. Không kể bản kế hoạch xây dựng từ cuối năm 2019 đã phải gạch đi toàn bộ trước tình hình mới, Masco đã phải mất tới 2 lần mới ra bản thảo cuối cùng trình cổ đông. Chỉ tiêu số lao động bình quân kế hoạch giảm đi một người, Masco có thể bớt thêm chi phí, giảm thiểu khoản lỗ đề ra. Đây là đòn cân não với những người thuyền trưởng trước sóng lớn, nhất là khi buộc phải chọn cắt giảm những lao động lành nghề, gắn bó nhiều năm với Công ty và cũng hết sức cần thiết để bộ máy có thể vận hành lại khi hồi phục được nguồn công việc.

Một ngành thâm dụng lao động trong nền kinh tế là dệt may càng không tránh được bài toán đau đầu này. Vinatex cùng hơn 10 công ty con cùng hoạt động trong lĩnh vực may mặc là nơi làm việc của gần 34.000 lao động vào cuối năm 2019. Tuy nhiên, Covid-19 đã cuốn bay gần 5.000 việc làm, khi doanh thu hợp nhất của toàn Tập đoàn giảm gần 25% trong nửa đầu năm.

Khá ngoạn mục với trường hợp của Vietjet, bởi hãng hàng không này lại tuyển mới ròng hơn 350 việc làm. Đây là một nỗ lực không đơn giản để duy trì và tạo thêm việc làm ở các mảng kinh doanh khác trong bối cảnh hầu hết các hãng hàng không toàn thế giới phải cắt giảm nhân sự khi những chuyến bay quốc tế khó lòng sải cánh trên bầu trời.

Người ta thường nói rằng, bản thân trong “nguy cơ” đã hàm chứa cơ hội. Covid-19, từ một cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu đã ảnh hưởng đến mọi thành phần của nền kinh tế. Biến cố này cũng là chất xúc tác cho sự chuyển đổi trên phạm vi rộng lớn diễn ra nhanh và mạnh hơn.

Các con số trên báo cáo tài chính, với sứ mệnh trước nay là ghi chép lại tình hình tài chính, doanh thu, lợi nhuận hay dòng tiền của doanh nghiệp, đang phần nào phản ánh những khó khăn của thời kỳ đặc biệt này. Qua những con số biết nói về nỗ lực vượt lên vượt nghịch cảnh của cộng đồng doanh nghiệp, tin và mong rằng, đi qua bĩ cực, ắt sớm tới ngày thái lai.

Thị trường chứng khoán: Nỗi lo chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính
Trong bối cảnh đại dịch lan rộng, thời hạn nộp báo cáo tài chính 2019 có kiểm toán của các công ty đại chúng lại không được gia hạn khiến...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư