Thứ Tư, Ngày 16 tháng 07 năm 2025,
Mức “ăn chia” của liên danh Thuận An tại dự án cầu Vĩnh Tuy 2
Huệ Nguyễn - 16/07/2025 15:35
 
Để được “tạo điều kiện” trúng thầu dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, liên danh Thuận An - Cầu 7 Thăng Long đã chi hàng chục tỷ đồng để hối lộ chủ đầu tư và các cá nhân liên quan.

Dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, một công trình giao thông trọng điểm tại Hà Nội, đã bị phanh phui hàng loạt sai phạm nghiêm trọng liên quan đến hành vi đưa hối lộ, lợi dụng chức vụ, vi phạm quy định về đấu thầu và gian lận trong thi công, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước.

Cơ quan tiến hành tố tụng xác định đây là vụ việc điển hình của sự cấu kết giữa doanh nghiệp và cán bộ quản lý dự án, trong đó Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An (Tập đoàn Thuận An) đóng vai trò trung tâm.

Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 do liên danh Thuận An - Cầu 7 Thăng Long trúng thầu.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Tập đoàn Thuận An, có quan hệ quen biết với ông Phạm Thái Hà, khi đó là Trợ lý Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Giữa năm 2020, khi dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đang trong giai đoạn chuẩn bị lựa chọn nhà thầu, Hưng đã nhờ ông Hà giới thiệu để gặp Phạm Hoàng Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội (Ban QLDA Hà Nội), nhằm xin được tham gia thi công công trình.

Ông Tuấn sau đó đã tiếp nhận đề nghị của Hưng tại phòng làm việc và đồng ý để Tập đoàn Thuận An được tham gia dự án; đồng thời khẳng định sẽ chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong quá trình đấu thầu.

Cũng trong thời gian này, ông Trần Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cầu 7 Thăng Long, cũng xin được thi công gói thầu và thống nhất với Tập đoàn Thuận An thành lập liên danh để dự thầu.

Theo thỏa thuận, Thuận An đảm nhiệm 70% giá trị gói thầu số 2, còn lại 30% do Công ty Cầu 7 Thăng Long thực hiện.

Ngày 18/12/2020, Ban QLDA Hà Nội ra văn bản thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu, xác nhận liên danh Cầu 7 Thăng Long - Thuận An trúng thầu gói thầu số 2, với giá 289,8 tỷ đồng.

Ngay sau khi trúng thầu, Nguyễn Duy Hưng chỉ đạo cấp dưới thực hiện việc “cảm ơn” bằng tiền mặt đối với các cá nhân trong Ban QLDA Hà Nội để được tạo điều kiện trong quá trình nghiệm thu, thanh quyết toán.

Mức chi cụ thể được thống nhất theo tỷ lệ phần trăm: Giám đốc Ban được hưởng 1% giá trị gói thầu, Phó giám đốc phụ trách nghiệm thu và thanh toán nhận 1% số tiền được giải ngân; còn Phòng giám sát số 2 (đơn vị trực tiếp nghiệm thu) được chi 2%.

Với cách thức tương tự, ông Trần Việt Khoa cũng chỉ đạo cấp dưới chi tiền “cảm ơn” cho cán bộ Ban QLDA Hà Nội. Tổng cộng, hai doanh nghiệp đã chi hơn 12 tỷ đồng để bôi trơn các khâu trong quá trình triển khai gói thầu.

Quá trình triển khai, Nguyễn Duy Hưng còn thực hiện hành vi gian lận trong thi công nhằm bù đắp các chi phí đã chi ngoài hợp đồng. Cụ thể, Hưng đã gửi đơn giá khống cho 4 nhà thầu phụ và các nhà cung cấp vật liệu, làm phát sinh chênh lệch hơn 9,2 tỷ đồng, được đưa vào hồ sơ nghiệm thu và được chủ đầu tư thanh toán.

Cơ quan tố tụng xác định, số tiền hơn 9,2 tỷ đồng mà Tập đoàn Thuận An rút được qua thủ đoạn “gửi giá” là thiệt hại trực tiếp của ngân sách nhà nước tại gói thầu số 2 dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2.

Trong khi đó, hơn 12 tỷ đồng mà hai doanh nghiệp chi cho các cá nhân trong Ban QLDA Hà Nội được xác định là khoản tiền đưa hối lộ nhằm thao túng quá trình lựa chọn, triển khai và nghiệm thu dự án.

Tập đoàn Thuận An trục lợi trăm tỷ đồng từ dự án tại Bắc Giang
Sau khi được cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái “tạo điều kiện”, Tập đoàn Thuận An đã trúng thầu thi công dự án cầu Đồng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư