Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 12 tháng 10 năm 2024,
Muôn nẻo sản xuất ô tô
Thanh Hương - 26/10/2018 15:42
 
“Thị trường ô tô tiềm năng” là điểm nhấn quan trọng nhất để các thương hiệu ô tô tìm tới Việt Nam và rất đa dạng trong chiến lược để phát triển sản xuất.

Doanh nghiệp ngoại: Kẻ đi người ở

Dừng sản xuất tại Việt Nam để chuyển sang nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN là câu chuyện thực tế đã diễn ra kể từ đầu năm 2018 ở không ít doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Điều này không có gì ngạc nhiên, bởi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đã về 0% khi hàm lượng sản xuất trong ASEAN đạt mức từ 40% trở lên.

Hệ thống dây chuyền hàn tự động hiện đại của nhà máy sản xuất xe bus Thaco Trường Hải. Ảnh: Chí Cường
Hệ thống dây chuyền hàn tự động hiện đại của nhà máy sản xuất xe bus Thaco Trường Hải. Ảnh: Chí Cường

Tuy nhiên, trong số các doanh nghiệp FDI ngành ô tô, vẫn có những doanh nghiệp mong muốn đầu tư cho sản xuất, gia tăng hàm lượng nội địa hoá. Toyota Việt Nam là một ví dụ điển hình ở khối này.

Khi bước chân vào Việt Nam năm 1995, với vốn đầu tư ban đầu là 49,8 triệu USD, dây chuyền sản xuất của Toyota Việt Nam chỉ có 3 công đoạn là hàn, sơn, lắp ráp với công suất đạt trung bình 4 xe/ngày. Năm đầu tiên bán hàng, doanh số của TMV chỉ đạt 1.277 chiếc.

Tới thời điểm hiện nay, tổng mức đầu tư của TMV tại Việt Nam đạt khoảng 200 triệu USD. TMV đã quyết định đầu tư thêm 40 triệu USD để mở rộng quy mô sản xuất từ 50.000 xe/năm hiện nay lên 90.000 xe/năm do sự kiên định của Chính phủ trong việc phát triển sản xuất ô tô tại Việt Nam.

Thâm nhập chuỗi sản xuất lớn

Không phải là nhà sở hữu bản quyền thương hiệu với các mẫu xe đang kinh doanh, cách đi của Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco) và Tập đoàn Thành Công trong việc gia tăng sản xuất ô tô ở Việt Nam cũng có những khác biệt.

“Sản xuất phải bắt nguồn từ thị trường để những đầu tư về máy móc thiết bị phát huy được hiệu quả” là phương châm được Thaco theo đuổi trong nhiều năm qua, khi đầu tư vào ngành công nghiệp ô tô.

Mối bận tậm của Thaco là làm sao nâng được tỷ lệ nội địa hoá trong chiếc xe ô tô được sản xuất tại Việt Nam và đưa sản phẩm đi xa hơn nữa, khi mà cánh cửa hội nhập ngày càng mở rộng.

Ở thời điểm cuối năm 2017, đầu năm 2018, khi nhiều tên tuổi ô tô nước ngoài chuyển hướng hẳn sang nhập khẩu, thì có những thương hiệu lớn như BMW, Fuso - Mercedes đã tìm đến với Thaco sau khi tìm hiểu nền tảng sản xuất và hệ thống bán hàng mà doanh nghiệp này sở hữu.

Về phía mình, hiểu rằng, thị trường Việt Nam vẫn còn nhỏ bé, nếu kết quả kinh doanh tại Việt Nam không tốt, cũng không ảnh hưởng nhiều tới đối tác nước ngoài, nhưng lại có thể khiến mình khốn đốn, Trường Hải đã chọn con đường riêng để phía Việt Nam tham gia nhiều hơn và phát huy được tính sáng tạo khi làm ăn cùng đối tác lớn.

“Tư duy của nhiều người Việt Nam là khi liên doanh, cứ để nước ngoài làm hết cho… khoẻ, chỉ cần chia lời cho mình hưởng. Điều này không đúng, bởi không ai đi làm để người khác hưởng lợi. Trong khi đó, cái mình cần là công nghệ và kỹ thuật của đối tác. Bởi vậy, đến giờ này, tôi chưa liên doanh, mà chỉ ký hợp đồng chuyển giao công nghệ, nếu có cam kết liên doanh thì cũng sẽ nắm cổ phần chi phối”, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT của Thaco chia sẻ.

Tính đến hết 9 tháng đầu năm 2018, doanh số toàn thị trường đạt 186.422 xe, riêng Thaco đạt 71.145 xe, chiếm 38,2% thị phần.

Cũng trong năm 2017, Tập đoàn Hyundai Motor Hàn Quốc và Tập đoàn Thành Công đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác xây dựng nhà máy ô tô Hyundai thứ 2 tại tỉnh Ninh Bình, công suất ban đầu là 120.000 xe/năm. Dự án sẽ hoàn thành vào năm 2019. Hầu hết các công đoạn đều sử dụng robot tự động, giúp chất lượng xe xuất xưởng đồng đều, chính xác, đảm bảo theo tiêu chuẩn của Hyundai Motor.

Ông Byung Kwon Rhim, Phó tổng giám đốc cấp cao phụ trách thị trường hải ngoại của Hyundai Motor cho hay, tiềm năng phát triển mạnh của thị trường khiến Hyundai Motor thúc đẩy, mở rộng sản xuất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trung tâm sẽ là Việt Nam.

Nhà máy liên doanh hiện tại giữa Hyundai Thành Công và Hyundai Motor (HTMV) đang vận hành với tổng công suất trên 60.000 chiếc/năm, sản xuất, lắp ráp các dòng xe gồm Hyundai SantaFe, Elantra, Grand i10, Tucson và New Porter 150. Như vậy, khi nhà máy thứ 2 đi vào hoạt động, công suất thiết kế cho sản xuất xe Hyundai tại Việt Nam sẽ là gần 200.000 xe/năm và có thể nâng lên tới 260.000 xe/năm.

Mới từ A đến Z

Làng ô tô nội lẫn ngoại đang chứng kiến những đột phá bất ngờ với sự xuất hiện của tân binh VinFast đến từ Tập đoàn VinGroup, cùng khát khao tạo dựng được thương hiệu xe ô tô riêng có của Việt Nam.

Chỉ sau hơn 1 năm, kể từ ngày khởi công, khu nhà máy sản xuất ô tô tại Hải Phòng có quy mô hơn 300 ha, với công suất giai đoạn I là 250.000 xe/năm đã gần hoàn tất xây dựng và đang lắp đặt thiết bị. Tại đây sẽ có các phân xưởng dập, sản xuất động cơ, hàn thân xe, sơn, lắp ráp và phụ trợ.

Song song với xây nhà máy, hai mẫu xe SUV và sedan đầu tiên, mua thiết kế khung gầm và động cơ của một số mẫu BMW đã có màn chào sân ấn tượng tại Paris Motor show diễn ra hồi đầu tháng 10/2018.

Theo kế hoạch, màn ra mắt công chúng Việt Nam của hai mẫu xe này cùng một vài mẫu xe nhỏ khác đến từ GM - nơi có hợp tác với VinFast, sẽ diễn ra trong tháng 11/2018. Tại đây, người tiêu dùng không chỉ được tận mắt ngắm các mẫu xe, mà có thể được đặt hàng luôn.

Dẫu vậy, đầu tư vào ô tô của VinGroup cũng là ẩn số nhất định, khi Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch mới đây dù giữ nguyên mức xếp hạng ở B+, nhưng triển vọng xếp hạng của tập đoàn này bị điều chỉnh từ “ổn định” xuống “tiêu cực”.

Thừa nhận đầu tư vào lĩnh vực ô tô có độ rủi ro cao, nên không tránh khỏi việc bị các tổ chức đánh giá tín nhiệm hạ bậc, nhưng ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Vingroup cũng cho hay: “Nếu không muốn bị hạ bậc chỉ có cách duy nhất là không thực hiện dự án này”.

Cũng theo ông Quang, tổng vốn đầu tư cho dự án VinFast dự kiến lên tới 4,2 tỷ USD, một phần từ nguồn tự có của Vingroup và huy động từ công ty thành viên, một phần lớn đến từ việc huy động bên ngoài là đi vay.

Lẽ dĩ nhiên, bên cạnh sự hào hứng với thương hiệu ô tô Việt, câu trả lời chính xác nhất về con đường mà VinFast đã chọn sẽ có từ cuối năm 2019, khi ông lớn này chính thức bán xe.

Sản xuất xe điện sẽ dễ hơn với công nghệ "mô-tơ trong bánh xe"
Protean Drive – loại mô-tơ điện mới tích hợp ngay trên bánh xe – hứa hẹn sẽ giúp các nhà sản xuất tiết kiệm thời gian cũng như đơn giản hóa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư